Trong lần lạc vào nhóm “diễn đàn chuyên môn”  tôi thú vị nhận ra sự gần gũi đến lạ kỳ giữa nó với… cái chợ.  Phần “chuyên môn” không nỡ quá lèo tèo, nhưng cũng quá dễ dàng để bắt gặp những lời đong đưa mía lùi  “Các chế ơi, lạp xường và bò khô tự tay em làm số lượng có hạn, các chế để lại số điện thoại nhanh nhanh cho em tý nhé”.  “Tình yêu nào đợt trước còn thiếu trứng gà ta nhắc lại cho Mị tý, Mị  chốt  đơn còn về…đi dạy”. Tôi dại dột bỏ ngỏ vào diễn đàn một câu cợt nhả “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tiểu thương online”. Tất nhiên, sau đó tôi phải bỏ của chạy lấy người trước khi nham nhở bởi “gạch đá online”. Hành trình rượt đua không cân sức giữa lương và giá lại được sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ. Có thể nói, chưa bao giờ “nghề tay trái” của giới viên chức lại bùng nổ như thời điểm này. Cuộc sống luôn chối bỏ những kẻ lười biếng và tôi không được phép là ngoại lệ.

bna_15109481_27122019.jpg

Hồi còn thanh niên tôi mở một cái xưởng làm mũ cối, cách đây 5 năm còn tập tọe chạy “hàng thùng”. Sau không dưới 3 lần thò bàn tay túng thiếu vào mảng “công thương”, điều tôi nhận được nhiều nhất, vô giá nhất chính là những bài học… vỡ lòng! Kinh doanh không phải là hàn thử biểu để đo nhiệt huyết. Tôi muộn mằn nhận ra rằng, làm gì cũng phải có cái duyên. Phi tài cán, tôi bắt đầu nghiệp viết ngót nghét cũng đã vài “nhiệm kỳ”. Một lần bạn tôi chất vấn, “Lương ba đồng ba cọc vậy ông có nghề tay trái gì không?”, tôi bạo miệng “nghề cộng tác viên”. Bạn tròn xoe mắt. Gọi là “nghề” bởi thực tế nó cũng chiếm của mình một dung lượng thời gian đáng kể và nó cũng mang lại một khoản thu nhập không đến nỗi phũ phàng. Tôi lấy bút danh “Cua Đồng” cũng một phần là vì cái nghiệp “bò ngang” ấy.

Đến thời điểm này, khi mà mỗi tháng không dưới 10 tác phẩm được dùng thì với báo chí tôi vẫn là một kẻ ngoại đạo chính hạng. Tôi tạt rẽ vào nghiệp viết theo một lối tắt tình cờ, nói bị động thì không hẳn nhưng nói chủ động thì chắc chắn sai.

Trong số lực lượng hùng hậu đang cộng tác với báo, tôi nhận thấy rất nhiều những cây bút gạo cội và cả những gương mặt tài năng đang độ sung mãn. Với tất cả sự chân thành và cầu thị của kẻ nghiệp dư, nếu có tản mạn đôi điều về bản thân thì cũng chỉ là góc nhìn và trải nghiệm của một kẻ ngoại đạo, một người viết đơn thuần theo sự hối thúc của đam mê.

Thuở bắt đầu cầm bút tôi tự đặt cho mình tiêu chí, có thể viết không hay nhưng cố gắng đừng viết dở. Có thể viết dở nhưng không được viết sai. Cứ thế, lần mò, tìm tòi học hỏi và hoàn thiện qua từng bài viết. Không cố gắng tạo lập hình ảnh riêng mình. Giọng điệu Cua Đồng nếu có thì cũng chỉ là một sự tương thích giữa tính cách cá nhân với văn phong kẻ viết. Ngẫm lại câu dạy kinh điển về phẩm chất của nghề “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” cá nhân tôi e là chưa đủ, phải… to gan nữa cơ! Bản lĩnh của người viết tạo nên bản lĩnh của mỗi bài viết, bản lĩnh của mỗi bài viết tạo nên bản lĩnh của cả tờ báo. Viết có thể lách, nhưng báo thì phải có chí! Hầu hết những bài viết của tôi đến với bạn đọc cũng bằng cái chất liệu “ngang ngang” ấy, có lẽ từ đó mà may mắn tích lũy được một lượng độc giả nho nhỏ yêu mến Cua Đồng.

Vừa rồi phòng chuyên môn tổ chức họp cuối năm, khi chủ tọa yêu cầu cộng tác viên tự nhận xét, tôi phát biểu 2 ưu điểm của mình là cầu thị và đúng hẹn. Cả chục năm nay giữ bút 2 chuyên mục trên Báo Nghệ An nhưng tôi chưa bao giờ sai hẹn. Có lần đi công tác nước ngoài, biên tập viên Báo Nghệ An “đòi” bài, tôi đã phải tách đoàn ra công viên, dùng điện thoại đọc trầm về cho họ chép tay. Tất nhiên tiền nhuận bút còn lâu mới bằng tiền buôn điện thoại! Cũng may, cái “Thư bò gửi cho tru” - sản phẩm của cuộc điện đàm đắt đỏ ấy đến nay vẫn còn lưu truyền trên mạng.

Cũng như bóng đá nữ, nghề tay trái xứng đáng được biểu dương. Có đến cả trăm lý do để người ta chọn cho mình một “nghề tay trái”. Kẻ đam mê, người vì cải thiện thu nhập, còn tôi nếu bạn hỏi vì sao, biết đâu tôi lại sơ ý trả lời “Vì mình không thuận tay phải”.