(Baonghean) - Vẫn là con đường dưới bóng cây xà cừ thâm nghiêm dẫn lối tôi về. Những vuông ao của làng Chùa, làng Sen bắt đầu hồng rực sắc sen. bên đường, dặt dìu tiếng hát: “Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa/ Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca…” (Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác - An Thuyên).
Thế đấy, những người dân mộc mạc quê Bác, đã đón khách ngay từ đầu làng bằng giai điệu giản dị như vậy…
Đã bao nhiêu lần về đây, đứng dưới bóng tre này, ngắm nét ngay thẳng, dẻo dai, vừa có cái mềm mại, vít võng của ngọn; vừa có đan dày, ken chắc thành một khối bền bỉ, bám chặt trên đất đai thổ nhưỡng huyết mạch của làng. Cứ thế mà thành lũy, thành bờ. Đã có bao lần đứng bên bờ ao, giếng nước này. Ao như một vành gương trong lặng lẽ thẳm sâu mà viền lại bao ký ức, nỗi niềm. Để mỗi tháng Năm lại bừng dậy sắc sen, mùi hương như ướp cả hương đồng, hương lúa. Mùi hương dẫn lối vào đến tận những bờ mạn hảo đều tăm tắp vương vấn tơ vàng.
Giếng khơi, giếng làng đánh thức vòm trời rút ruột mùa hạ mà trong mà mát, rút ruột mùa đông mà bốc hơi tỏa ấm cho người. Đã bao lần, bước chân líu ríu trên những con đường nhỏ, khi vòng khi thẳng, uốn lượn mà ít quanh co rối rắm. Đường như lòng dạ con người luôn mở ra những tươi tắn bời bời bao ngõ nhà, ngõ xóm. Cái cửa ngõ như một con mắt làng có lim dim trưa hè, có nồng nã hơi xuân cuốn theo mùa lễ hội ra Giêng...
Ấy vậy mà vẫn thảng thốt trước những bình yên thiêng liêng quá đỗi. Vẫn thảng thốt trước biết bao nhiêu câu chuyện được nghe, bao con người được gặp chốn này.
Là một người dân làng Chùa, sau nhiều năm nuôi cá ở ao nhà, đã quyết bỏ cá để trồng sen. Ông nói rằng, cách đây vài năm, nghe có dự án trồng sen thì người dân nào ở quê Bác cũng ủng hộ. Mặc dù nuôi cá có thu nhập cao hơn trồng sen, nhưng trồng để làm đẹp cảnh quan quê Bác, trồng để người dân muôn nơi hiểu vì sao đất này được gọi tên Kim Liên. Xem như làm được điều gì đó cho quê mình.
Là chị bán hoa quả ngay bên con đường nhỏ. Chị vẫy tôi lại để mua những quả ổi vừa hái trong vườn nhà, để rồi sau đó nằng nặc không lấy tiền vì biết tôi đang đi tìm một gia đình nghệ nhân hát ví. Chị gửi lại gánh hàng dẫn tôi vào nhà cụ Tư, cụ Út. Rồi ngay trên chiếc chõng nhà cụ Út, chị cũng đã cất lời hát hòa với giọng ca run rẩy chạm tuổi 90 của các cụ, rằng: “Nhất vui là cảnh Kim Liên/ Cảnh đà có cảnh, người tiên có người”…
Là chị thuyết minh viên đã 25 năm kể câu chuyện về Bác Hồ, vẫn tà áo dài giản dị, những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt đầy xúc cảm. Nữ thuyết minh viên Bùi Bích Đảm kể, mỗi ngày chị đều rơi nước mắt, không phải chỉ trong câu chuyện mình kể mà cả khi được gặp sự xúc động của những vị khách tìm về quê Bác. Chị nhớ nhất một vị khách quê Hải Dương, mang theo cái ba lô cũ sờn đến cùng một cán bộ Tỉnh đội tỉnh Quảng Trị vào sáng tháng 5 năm 2005. Vị khách ấy đến sớm, và lưu luyến mãi. Được hỏi chuyện, ông nói: “Chú đến thăm quê Bác thay cả cho con trai mình. Ngày còn chiến tranh, trong lúc hành quân vào Nam, con trai chú đã từng được ghé qua thăm quê Bác.
Vào chiến trường, nó viết thư về kể với bố mẹ niềm vinh dự ấy, và cũng bày tỏ ước mong khi hòa bình lập lại, từ miền Nam trở về sẽ lại được ghé quê Bác một lần nữa. Nhưng rồi nó hy sinh. Bữa nay, chú vào đem hài cốt con trở về, đồng thời thực hiện mong mỏi của con trai mình”. Chị Đảm còn được gặp người phụ nữ tự làm một cuộc độc hành bằng đôi chân từ Bến Nhà Rồng ra thăm quê Bác? Được chứng kiến những người thương binh nặng tự tay lăn xe lăn, những người thương binh, người khuyết tật không còn đôi mắt, nhưng vẫn muốn tự mình dâng bó hoa tươi trong ngôi nhà Bác, được đến bên chiếc võng gai nâng giấc Bác thuở thiếu thời.
Chính những vị khách đến đây, mỗi ngày, lại cho chị biết thêm về Bác. Biết thêm về sự kính yêu, niềm ngưỡng vọng. Biết hơn về sự vĩ đại của Người. Biết và yêu hơn cái công việc đầy thiêng liêng mà mình đảm trách.
Chúng tôi gặp 4 cựu chiến binh, 4 thương binh: Bùi Hữu Huynh, Đào Mạnh Hùng, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Duy Khoát hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Họ đều quê ngoài Bắc, người Hải Phòng, người Nam Định. Cả 4 người là đồng đội cũ, cùng đơn vị, lính của Trung đoàn Đồng Tháp 1. Đã xấp xỉ tuổi 70 nhưng đây là lần đầu tiên, cả 4 người lính Cụ Hồ được về thăm quê Bác, thỏa giấc mơ bao năm qua. Họ cùng thuê một chuyến xe, ngồi bên nhau như thời chung một chiến hào để đi từ thành phố Hồ Chí Minh về quê Bác.
Họ chạm tay trên bờ rào, chạm lên bức liếp, họ như muốn thâu nhận tất thảy trong mình cảnh sắc quê hương của Người để trở về, sống tiếp với niềm hạnh phúc và thanh thản. Họ chia sẻ rằng: Thời thanh niên, theo lời Người, họ đã xung phong ra trận chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, rồi theo lời Người ở lại xây dựng quê hương miền Nam, nhận miền Nam là quê hương mình. Chính những lúc hướng về Người đã giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong chiến tranh và trong cuộc sống sau này...
Tôi, cũng như bao người. Tìm đến vùng quê ấy không chỉ để viếng thăm nơi Bác Hồ của chúng ta đã sinh ra và lớn lên, mà còn để thấy trong trái tim mình một sự hòa nhịp về nguồn cội. Hơn bất cứ mảnh đất nào, nơi đây gắn kết con người, khiến họ thấy trong mình và mọi người có một sợi dây vô hình mềm mại nhưng vững chắc nối lại với nhau, và họ sẵn sàng để hòa nhập, để thương yêu và tiến bước.
Thùy Vinh