(Baonghean) - Từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, hầu hết các cơ quan, đơn vị hành chính đều cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, một nghịch lý đang tồn tại là người phát ngôn ngại gặp báo chí...?!
 
Ở Nghệ An, thực hiện Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế  Phát ngôn và Cung cấp thông tin cho báo chí, đã có có 71/71 sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh (sau đây gọi tắt là đơn vị) cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trong đó, có 10 đơn vị người đứng đầu đồng thời là người phát ngôn và cung cấp thông tin, 21 đơn vị người phát ngôn là phó thủ trưởng, còn lại là chánh văn phòng hoặc các phòng, ban liên quan. Một số ít đơn vị đã ban hành Quy chế nội bộ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quy định rõ quyền hạn và nhiệm vụ của người phát ngôn, do vậy đã phát huy được vai trò người phát ngôn, cung cấp nhiều thông tin đảm bảo tính pháp lý cho báo chí, góp phần hạn chế đáng kể việc đưa tin thiếu chính xác của các cơ quan báo chí.

775046_small_73600.jpg

Một cuộc họp báo.          (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế: tâm lý chung của người phát ngôn là ngại tiếp xúc với báo chí, hay nói đúng hơn là "né tránh" báo chí.

Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, một thực trạng đang tồn tại là người phát ngôn hay đại diện các cơ quan không có kỹ năng, nghiệp vụ tiếp xúc với báo chí, nên họ dễ có tâm lý ngại ngùng, e dè, mất tự tin và thậm chí là né tránh khi phóng viên liên hệ lấy thông tin đột xuất. Hoặc có người phát ngôn do hiểu vấn đề không đầy đủ, họ cũng tìm cách từ chối gặp báo chí. Người phát ngôn cũng chưa có thói quen chủ động tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Hoặc nếu có tổ chức họp báo, nhiều người phát ngôn cũng chưa biết thông tin nào báo chí cần.

Thứ hai, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nên thực hiện việc này còn hình thức. Không ít cơ quan cử người phát ngôn nhưng lãnh đạo cơ quan lại không tạo điều kiện để người phát ngôn nắm bắt đầy đủ thông tin, không phân quyền để người phát ngôn chủ động làm việc với báo chí. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước được cử làm người phát ngôn chưa chủ động, thậm chí có trường hợp còn né tránh việc cung cấp thông tin, nhất là các vấn đề "khó trả lời".

Trong xu hướng hiện nay, người phát ngôn không chỉ là người đại diện cho tiếng nói của một cơ quan, đơn vị, mà còn là cầu nối giữa cơ quan, đơn vị đó với các cơ quan thông tấn báo chí, giữ một vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại. Đây là hoạt động gắn liền với quá trình phát triển của một cơ quan, đơn vị vì họ là hình ảnh thứ hai (sau giám đốc, hay thủ trưởng) đại diện cho cơ quan, đơn vị đó. Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn phát ngôn và cung cấp thông tin  đang đặt ra nhiệm vụ của chúng ta là cần nhận thức đúng đắn về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, khẩn trương hoàn thiện cơ chế thực hiện và triển khai mạnh mẽ vấn đề này để người phát ngôn tự tin, chủ động đến với báo chí!


Lan Oanh