(Baonghean) -Xin được mượn từ “mong manh” của bà Katherine Marin Muller - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam để nói về thực trạng của các di sản tại Việt Nam trước nguy cơ bị mai một. Dân ca ví, dặm xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh) cũng không phải là một ngoại lệ khi càng ngày càng khó có thể lưu giữ được những nét đặc sắc xưa, và vẫn còn đó rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn.

>>Bài 1: Dân ca - Hồn cốt xứ Nghệ

Ra đời từ cách đây hàng trăm năm, dân ca ví, dặm đã trường tồn và trở thành một nét văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân xứ Nghệ bao đời. Nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh cũng như những biến cố xã hội mà đến nay, những câu hát dân ca ví, dặm đã phần nào mai một. Chúng tôi đã tìm gặp PGS Ninh Viết Giao, người đã gắn bó nhiều năm với công việc sưu tầm và nghiên cứu dân ca ví, dặm để được giải đáp những thắc mắc về thực trạng này. PGS Ninh Viết Giao cho biết: “Kho tàng dân ca ví, dặm trước đây rất phong phú, từ lịch sử hàng trăm năm, đã có biết bao lời hát được cất lên, nhưng cũng chính vì hình thức của dân ca ví, dặm là ứng đáp trong đời sống lao động nên có rất ít tài liệu ghi lại trọn vẹn tất cả những câu hát này. Cũng bởi hình thức lưu truyền là truyền miệng nên hiện nay, những lời hát ví, dặm còn lại chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng vốn rất phong phú của dân ca ví, dặm xứ Nghệ”.

Không chỉ có PGS Ninh Viết Giao mà rất nhiều những nhà nghiên cứu dân ca ví, dặm tâm huyết như Lê Hàm, Thanh Lưu, Đỗ Bảo, Nguyễn Đổng Chi… đều cho rằng, những câu hát dân ca ví, dặm hiện đang lưu truyền chỉ là một số ít so với nguồn dân ca ví, dặm trước đây. Ước tính hiện nay, dân ca ví, dặm xứ Nghệ chỉ lưu giữ được khoảng 15 điệu ví và gần 10 điệu dặm. Như vậy, vấn đề mai một, thất truyền làn điệu, câu hát trong kho tàng dân ca ví, dặm xứ Nghệ là một khó khăn thực tế trong công tác lưu giữ và bảo tồn, phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Khó khăn thứ hai trong công tác bảo tồn các giá trị của dân ca ví, dặm xứ Nghệ là vấn đề về không gian diễn xướng. Nếu như trước đây, những câu hát dân ca ví, dặm được cất lên trong không gian lao động, trong sinh hoạt cộng đồng thì đến nay, người ta chỉ thấy dân ca trên các sân khấu, trên sóng truyền hình. PGS-TS Bùi Quang Thanh, Trưởng nhóm kiểm kê khoa học xây dựng hồ sơ dân ca ví, dặm xứ Nghệ cho biết: “70% các nhóm tham gia thảo luận phục vụ kiểm kê di sản đều cho rằng, môi trường diễn xướng của ví, dặm đã biến dạng cả về không gian sinh thái lẫn hoàn cảnh lao động và sinh hoạt tại các làng quê. Điều đó đặc biệt rõ nét tại các làng nghề gắn với sinh hoạt dân ca ví, dặm, như làng dệt vải, làng gốm, làng mộc,... Do vậy, những hình thức sinh hoạt ví phường vải, ví phường nón, phường củi, ví - dặm xay lúa, giã gạo… không thể bảo tồn và lưu giữ được môi trường sinh hoạt, thực hành như xưa”.

Năm 2000, Nhà hát Dân ca Nghệ An đã được đổi thành Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Đây là một trong những bước ngoặt có thể nói là đầu tiên đưa dân ca xứ Nghệ lên sân khấu. NSƯT Trịnh Thị Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Từ trước khi trung tâm ra đời, Nhà hát Dân ca cũng đã dàn dựng nhiều vở diễn mang những câu hát dân ca ví, dặm vào các vở kịch, có các vở kịch tiêu biểu như “Mai Thúc Loan”, “Cô gái sông Lam”, “Không phải tôi”… Sau đó, nhiều vở kịch được dàn dựng công phu cũng đã được mang đi lưu diễn ở khắp các vùng miền trong tỉnh, tham gia các hội diễn nghệ thuật toàn quốc và đạt nhiều giải cao”. Tuy nhiên, quá trình “sân khấu hóa” hay “kịch hóa” dân ca xứ Nghệ cũng đặt ra nhiều câu hỏi rằng, liệu không gian diễn xướng mang tính cộng đồng trước đây của dân ca xứ Nghệ có còn được lưu giữ sau khi đưa lên sân khấu? Cách bài trí trên sân khấu như âm thanh, ánh sáng có đảm bảo được sự mộc mạc và giản dị vốn có của ví, dặm? Và liệu quá trình “sân khấu hóa” có mang tính thương mại đối với nghệ thuật khi khán giả muốn vào xem phải bỏ tiền mua vé?

Không chỉ có những khó khăn về việc bảo tồn giá trị của dân ca xứ Nghệ ở các cấp quản lý văn hóa, mà ngay ở đời sống của những làn điệu ví, dặm trong người dân cũng cần phải được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 52 CLB Dân ca được lập ra, nhưng kinh phí hoạt động hầu hết đều do các thành viên trong CLB tự đóng góp. Mặt khác, nhiều CLB còn chưa có đạo cụ và trang phục phù hợp để tập luyện và biểu diễn dân ca một cách thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Liên, hiện đang sinh hoạt tại CLB Dân ca xã Diễn Thái (Diễn Châu) cho biết: “Hằng ngày tập luyện trong CLB và đến khi đi biểu diễn thì chúng tôi thường phải thuê trang phục ở các dịch vụ và tiền thuê cũng là tiền quỹ của CLB, được các thành viên đóng góp nên khá tốn kém”.

Một vấn đề bức thiết cũng được đặt ra sau khi kế hoạch đưa đệ trình lên UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là các chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân. Hiện nay, dân ca ví, dặm xứ Nghệ có 8 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu. Xét tiêu chí mà UNESCO đưa ra để công nhận một loại hình văn hóa nghệ thuật thì có yêu cầu cụ thể việc khảo sát các nghệ nhân đã truyền dạy loại hình như thế nào, truyền dạy được bao nhiêu thế hệ? Đây là một câu hỏi khó cho những nhà khảo cứu hồ sơ, bởi 7 trong số 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đã ở tuổi ngoài 80. Không những thế, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân ở các câu lạc bộ dân ca hầu như là chưa có, chưa kể đến việc con số 8 nghệ nhân của dân ca ví, dặm xứ Nghệ là một con số quá ít ỏi so với những nghệ nhân ở các loại hình âm nhạc dân gian khác đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như quan họ Bắc Ninh, ca trù…

Vẫn biết còn rất nhiều khó khăn, nhưng việc bảo tồn dân ca xứ Nghệ là một điều thiết yếu và phải được thực hiện tốt. Do đó, các ngành chức năng và những người có trách nhiệm phải đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để đưa dân ca trở về với không gian diễn xướng là quần chúng nhân dân; cần hỗ trợ kinh phí cho các CLB hoạt động và cần có phương án đào tạo thế hệ kế tiếp
                                                                                        (Còn nữa)


Thái Anh