(Baonghean.vn) - Người Mông Nghệ An lúc sinh ra được bố mẹ đặt cho cái tên ban đầu, tuy nhiên lấy vợ xong, chàng rể lại phải rước bố mẹ vợ về đặt lại tên một lần nữa. Tên mới này sẽ theo suốt cuộc đời họ cho đến khi mất đi. Đây là nét phong tục độc đáo của cộng đồng người Mông ở miền Tây xứ Nghệ.
Đàn ông người Mông Nghệ An bao giờ cũng có 2 cái tên, 1 tên do bố mẹ đẻ đặt lúc vừa sinh ra và 1 tên do bố mẹ vợ đặt. Khi đã lấy vợ, tuỳ hoàn cảnh của mình chàng rể sớm hay muộn phải mời bố mẹ vợ về đặt lại tên. Thầy cúng sẽ xin với ông bà tổ tiên chàng trai để họ được đặt lại tên mới. Tất nhiên tên mới nhưng họ không thay đổi. Mâm cơm cúng đặt tên rất đơn giản, chỉ gồm cơm trắng, 1 bát thịt, 1 tô nước lã và chén rượu. Trong trường hợp bố mẹ vợ đều không còn thì người cậu bên vợ sẽ có quyền quyết định việc đặt tên. Trong ảnh: Lễ đặt tên của bên vợ cho anh Xồng Bá Thái (bản Thăm Hón, xã Na Ngoi - Kỳ Sơn). Tên mới của Xồng Bá Thái được người cậu đặt lại là Xồng Rua Thái. Một bài khèn được xướng lên trong lễ đặt tên. Thịt lợn là thức ăn không thể thiếu được trong lễ đặt tên của người Mông Nghệ An. Thịt lợn sau khi làm xong phải chia 1 nửa cho bên ngoại. Niềm vui của chàng rể khi có tên mới do nhà ngoại đặt. Trước khi bước vào bàn ăn chung vui, người Mông để 1 thau nước sạch giữa bàn để người tham dự "tẩy trần". Với người Mông Nghệ An, đàn ông mới được tham dự mâm cơm liên hoan, phụ nữ được phép ngồi vào đây chỉ có 2 người mẹ của vợ và chồng. Đây là 1 nét văn hoá truyền thống độc đáo của người Mông Nghệ An để chứng tỏ rằng, họ hàng và anh em bên ngoại có 1 vai trò rất quan trọng trong đời sống vợ chồng. Đào Thọ