Người mẹ là hậu duệ Cần Vương
Nhà nghèo, một mình nuôi 7 người con nhưng bà luôn động viên con cái phải học để làm người, biến nhà mình thành cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng vững chắc.
Ông Võ Minh Khiêu, một thầy giáo dạy sử về hưu ở xã Quảng Trung gọi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên bằng cậu, kể: “Cố bà Đặng Thị Cấp (1882-1982) là cháu ngoại của cụ Lãnh Trần, một chỉ huy tài năng của đề đốc Lê Trực, tham gia phong trào Cần Vương dọc sông Gianh. Lịch sử địa phương vẫn còn ghi chép cố bà là người đã nhen nhóm ngọn lửa yêu nước, truyền thống đánh giặc thời Cần Vương của dòng họ cho các con, hun đúc các con đi theo cách mạng”.
h2a_uiou3262624_842019.jpgMẹ Đặng Thị Cấp đã nuôi các con đi theo cách mạng
Lão thành Nguyễn Hữu Khánh, tròn 100 tuổi, từng kể với con cháu về sự ngưỡng vọng với cụ bà Đặng Thị Cấp: “Chồng cố Cấp mất sớm, lúc ông mới 47 tuổi, một mình cố nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành. Nhà nghèo, đông con nhưng cố vẫn lo cho các con học hết tiểu học. Riêng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được học đến trung học tại Trường Saint Marie tại Đồng Hới, rồi tham gia cách mạng”.
Ông Phạm Văn Tố, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trung, cho biết: “Cố Cấp giác ngộ cách mạng rất sớm. Năm 1937, cố đã nuôi giấu cán bộ cách mạng ở trong nhà. Nhà cố là nơi in ấn, cất giấu tài liệu bí mật của Đảng, cũng là nơi hội họp, cất giấu vũ khí chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình”. Vì là cơ sở nuôi giấu cán bộ tiền khởi nghĩa, lại thấy giặc Pháp nhiễu nhương, bà đã cho cả năm người con trai tham gia hoạt động cách mạng.
Để làm gương, cụ bà Đặng Thị Cấp đã trở thành Hội trưởng “Hội mẹ chiến sĩ” trong kháng chiến chống Pháp. Thầy Võ Minh Khiêu, kể: “Cố bà từng bị địch bắt giam nhưng vẫn một lòng một dạ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, kiên trung hết sức. Sau ngày hòa bình lập lại, cố là ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình từ năm 1958 đến năm 1976. Đó là khí chất yêu nước thương nòi được hun đúc lên bên bờ sông Gianh”.
Những người con ra trận
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh tư liệu Hoàng Thùy
Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung lần dở cuốn sổ tay rồi thống kê sơ lược về gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Cố bà Đặng Thị Cấp có 100 người con, cháu, chắt là đảng viên, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 3 người là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy (hoặc tương đương). Nay cả 5 người con trai của bà đều là cán bộ lão thành cách mạng, 2 con là cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa, 4 người con từng nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, nguyên Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần, là con thứ 6 của cố. Cháu nội của cố là Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4. Cố bà có gần 40 cháu tham gia LLVT, trong đó có 13 sĩ quan cấp tá, 12 sĩ quan cấp úy.
“Để được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong cấp, cố bà đã động viên những người con, cháu ra trận chiến đấu. Có người là liệt sĩ, có người bị thương nhưng không một ai làm trái lời mẹ dặn vì nước vì dân” - ông Hóa cho biết.
Với tấm lòng trung trinh vì nước non, khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, cố Đặng Thị Cấp được vinh dự tham gia đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình ra thủ đô Hà Nội dự lễ mừng ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.
Gia đình cố vinh dự được Chính phủ tặng “Bảng vàng danh dự”, đặc biệt là bằng “Gia đình có công với nước”. Với tất cả hoạt động cách mạng, cố Đặng Thị Cấp được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Ngày 22-3-1982, cụ bà qua đời, hưởng thọ 100 tuổi.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Vào năm 2005, căn nhà của cố Cấp được Đảng, Nhà nước, Chính phủ công nhận là di tích cách mạng. Một tấm bia đá được dựng trong khuôn viên ngôi nhà nhỏ để nhắc các thế hệ nhớ đến một người mẹ kiên cường. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng theo lời mẹ, động viên các con của ông lên đường khi đất nước cần. Chiến tranh đã cướp đi người con trai thứ 4 của ông là Đại đội trưởng pháp binh khi bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Với cuộc đời 96 năm, trong đó 84 năm tham gia cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã sống gần một thế kỷ đầy sôi động với những đóng góp và công lao to lớn.
Ông là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian dài nhất (1967 - 1975) và là một trong hai người được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã làm rất nhiều việc để giúp đỡ đồng đội, trả ơn những người đã nằm xuống vì đất nước. Ông là thành viên tích cực tham gia sáng lập và là Chủ tịch danh dự của Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Ông chính là người chỉ đạo và trực tiếp điều hành quá trình tìm kiếm vị trí thiết kế, xây dựng nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thật sự có ý nghĩa, mang tầm vóc xứng đáng với sự hy sinh của hàng triệu liệt sĩ tại đồi Bến Tắt, tỉnh Quảng Trị ở sườn Đông Trường Sơn.