Những rung cảm tháng Năm
Với các họa sỹ, vẽ chân dung lãnh tụ là một đề tài khó, bởi ai cũng biết về lãnh tụ, ai cũng có thể đánh giá và người họa sỹ dễ bị cuốn vào những so sánh, bình phẩm, nhất là khi trước đó đã có rất nhiều người thành công với đề tài này. Vẽ về lãnh tụ, người ta thường chọn phương pháp lột tả bằng một tinh thần duy mỹ, tròn trịa, gọn gàng. Ấy vậy mà họa sỹ trẻ Hồ Huy Hùng vẫn vẽ và vẽ với một tinh thần rất khác.
“Tôi vẽ về Bác khi tôi có cảm xúc và không hề có tư tưởng muốn chứng tỏ hay thể hiện điều gì. Để vẽ chân dung của Bác, tôi xem rất nhiều tranh ảnh, các phim tài liệu về Bác. Khi bắt được những khoảnh khắc đẹp và xúc động, tôi chọn lưu lại bằng cách ký họa. Cách làm này giúp tôi hiểu và thuộc từng đường nét, đặc điểm của Bác, ngấm được thần thái của Người. Để đến khi chính thức bắt tay vào sáng tác, tôi có thể tự tin phóng bút mà không bị nỗi sợ “không giống” kìm cặp. Tôi luôn muốn vẽ Bác Hồ với vẻ đẹp mộc mạc nhất, gần gũi nhất, chân thực nhất, trung thành với cảm xúc của mình nhất” - anh Hùng chia sẻ.
Trong tranh của họa sỹ Hồ Huy Hùng, Bác Hồ kính yêu hiện lên qua những nét vẽ phóng khoáng và đầy xúc cảm. Làn da của Bác không được đặc tả bằng những lớp màu mịn màng mà được tạo nên bởi những mảng màu mạnh mẽ đặc trưng của chất liệu acrylic. Các đường nét trên gương mặt không sa vào chi tiết mà chỉ nhấn nhá đủ để thấy sự đặc trưng. Không gian xung quanh được tạo bằng những mảng màu lớn, phóng khoáng, tương phản và trong trẻo như có nắng… Cách thể hiện này không mất quá nhiều thời gian và giúp anh gửi gắm cảm xúc của mình vào bức tranh một cách trọn vẹn nhất. Thái độ làm việc nghiêm túc và quy trình sáng tác này lý giải tại sao tất cả những bức tranh về Bác của họa sỹ Hồ Huy Hùng được các nhà sưu tập vô cùng yêu thích và được mua ngay khi vừa hoàn thành.
Không chỉ rèn luyện đường nét bằng ký họa, anh Hùng còn lựa chọn điêu khắc để thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hình thức tạo hình đòi hỏi người nghệ sỹ phải thật sự vững về chuyên môn, hiểu về nhân vật và đam mê với công việc.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Đàn, sen cũng là một đề tài yêu thích của họa sỹ Hồ Huy Hùng. Thậm chí, không ít người cho rằng đề tài này hoàn toàn có thể trở thành “thương hiệu” của anh. Tuy nhiên, cũng như tranh lãnh tụ, anh Hùng không vẽ sen khi sen đang độ xuân thì, rực rỡ, anh vẽ khi sen đã tàn, hoa đã héo, lá đã sâu… Lý giải sự khác biệt này, anh nói: “Trong mắt nhiều người, những đóa sen lụi tàn, khóm sen xơ xác, nhánh sen quắt queo, đài sen khô đét là xấu, là rác. Nhưng với tôi, chúng là kiệt tác của tự nhiên. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp hồi sinh trong sự lụi tàn đó và thật sự rung cảm với nó. Rồi cứ thế, cuối mùa sen lại xách bảng, xách màu say sưa sáng tác”.
Tranh sen của họa sỹ Hồ Huy Hùng có sự phóng bút rất mạnh mẽ. Cả bức tranh lớn có khi chỉ đặc tả, nhấn nhá một vài bông hoa, hoặc vài chiếc lá, hoặc vài đài sen… còn lại là những nét xơ xước, gợi hình đầy ngẫu hứng. Tông màu chủ đạo thường là những gam màu trầm, lạnh, điểm xuyết chút ấm áp của cánh sen phai. Ngoài tinh thần tổng thể của bức tranh, những chi tiết nổi bật được nhấn nhá, đặc tả đó trở thành yếu tố dẫn dắt người xem cuốn vào tranh, thu hút sự chú ý của người xem một cách đầy tinh tế.
Nỗi hổ thẹn và hành trình rèn luyện
Nhiều năm trở lại đây, bên cạnh công việc giảng dạy, anh còn là một họa sỹ sáng tác đều tay, tham dự nhiều triển lãm, nhiều tác phẩm đạt giải cao, được giới chuyên môn ghi nhận có nhiều đóng góp cho hội họa. Để bước trên hành trình nghệ thuật đầy thăng hoa này, ít ai biết họa sỹ Hồ Huy Hùng trải qua không ít chông chênh vô định.
Nhà nghèo, tuổi thơ cậu bé Hồ Huy Hùng gắn liền với những chiếc quần xanh chằng chịt miếng vá, những đôi dép mòn vẹt đứt rồi dán không biết bao nhiêu lần… Rất thích vẽ nhưng khi mà no đói của cả nhà trông cả vào mẹt cá gầy của mẹ, Hùng không bao giờ nghĩ đến chuyện học thêm hay ôn thi về hội họa.
Tốt nghiệp cấp 3, Hùng thi trượt Trường Sư phạm Mỹ thuật Huế, đi nhập ngũ và trở thành anh lính chuyên vẽ khẩu hiệu. Sau 2 năm trong quân đội, Hùng trở về học tiếng Hàn với dự định xuất khẩu lao động nhưng cũng không thành công. Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời của chàng trai Hồ Huy Hùng có lẽ là khi nhận tin một người bạn thân của mình đã đậu đại học trong lúc bản thân mình đang vật lộn với chiếc xe xích lô chở đầy nước ngọt. Mừng cho bạn, hổ thẹn cho mình, Hùng quyết tâm chinh phục giấc mơ hội họa.
Nhớ lại bước ngoặt năm nào, anh Hùng kể: “Ở thời điểm đó tôi đã đánh mất niềm tin của mọi người, trừ một người chị gái. Chị cho tôi thêm một cơ hội để được ôn và thi lại. Thế là tôi khăn gói vào Nha Trang, vừa ôn vừa làm mẫu trong 2 tháng, rồi lại về Huế ôn tiếp 2 tuần. Và chính tôi cũng không dám tin sau thời gian ôn thi ngắn ngủi đó, tôi đậu luôn 3 trường 1 lúc. Từ đó, tôi trở thành một trong những sinh viên nhiều tuổi nhất khoa Sư phạm Mỹ thuật - Đại học Nghệ thuật Huế”.
Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, anh Hùng được nhận vào làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuậtNghệ An và sau này tiếp tục học lên thạc sỹ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam - một nấc thang không dễ gì chinh phục. Nhìn lại chặng đường theo đuổi hội họa của mình, Hùng trầm ngâm: “Tôi thấy mình may mắn vì đã có 4 năm đại học được tắm mình trong không gian nghệ thuật, sự bay bổng, phóng khoáng, hồn nhiên ở Huế và 2 năm thạc sỹ để học cách tiết chế, làm chủ những bay bổng đó. Nó như một cánh diều và một sợi dây vậy”.
Dù đến với nghệ thuật khi đã khá muộn nhưng sự kiên trì theo đuổi đam mê, thái độ nghiêm túc, chỉn chu trong sáng tác của họa sỹ trẻ Hồ Huy Hùng đã giúp anh gặt hái được những thành tựu xứng đáng, được đồng nghiệp yêu quý và có nhiều nhà sưu tập ủng hộ. Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, họa sỹ Hồ Huy Hùng còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, có nhiều đóng góp cho đơn vị, địa phương. Khi được hỏi yếu tố quê hương có ảnh hưởng nào đến con đường nghệ thuật của mình không, anh thành thật và giản dị: “Dù rất tự hào vì sinh ra và lớn lên trên quê hương Bác Hồ nhưng tôi không muốn dựa vào lý do đó để tạo sức ảnh hưởng cho mình. Tôi cũng không muốn đóng khung mình với một đề tài cố định nào. Tôi chỉ là một họa sỹ như bao họa sỹ với một thế giới nghệ thuật nhỏ của riêng mình. Và ở thế giới đó, tôi luôn dành cho Bác và quê hương một vị trí trang trọng nhất”.