Ông Lê Tiến Quang (72 tuổi), từng 8 năm có mặt trong quân ngũ (1968-1976) với nhiệm vụ là cán bộ quân y, chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên và Quảng - Đà ác liệt. Ông vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận. Tại đây, người lính quân y không nhớ hết những lần chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh dưới bom đạn của kẻ thù khiến ông luôn day dứt và trăn trở.
Xuất ngũ trở về với tỉ lệ thương tật 41%, ông Quang tham gia công tác tại Huyện ủy Anh Sơn đến lúc nghỉ hưu vào năm 2007. Ông Quang nói rằng, trong tâm niệm của mình, ông luôn mong được làm một việc gì đó hữu ích, xứng đáng với sự hy sinh của những đồng đội gần gũi, thân yêu.
Năm 2013, qua một người đồng đội, ông Quang biết tin thân nhân liệt sỹ Hoàng Văn Nam ở huyện Quỳ Châu đang mong muốn tìm được mộ người thân. Là đồng đội chiến đấu cùng đơn vị, rõ sơ đồ mộ chí của liệt sỹ Nam nên ông đã chủ động thông tin với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Châu, từ đó liên lạc được với gia đình.
Thân nhân liệt sỹ này tìm đến nhà và nhờ ông Quang sắp xếp thời gian vào Quảng Nam tìm mộ. Thời điểm ấy, vừa nhận được số tiền tặng thưởng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ông Quang quyết định dành lại làm lộ phí đi tìm mộ đồng đội. Kết quả là tìm thấy được mộ của liệt sỹ Hoàng Văn Nam, lúc đó đã được quy tập về nghĩa trang xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).
5 năm sau, vào đầu năm 2018, ông Quang được tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, số tiền tặng thưởng ông tiếp tục quyết định dành lại để làm lộ phí vào Quảng Trị tìm đồng đội. Bởi năm xưa, trong một trận chiến đấu ác liệt, 11 đồng đội của ông đã hy sinh giữa một thửa ruộng, bị địch bao vây nên không thể vào lấy thi thể chôn cất. Nay có điều kiện, ông muốn trở lại xác minh đồng đội giờ nằm ở đâu.
Đến trận địa năm xưa ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), ông Lê Tiến Quang xác định được vị trí đồng đội hy sinh, tìm người già để tìm hiểu lại sự việc năm ấy. Người dân địa phương cho ông biết 11 ngôi mộ liệt sỹ đã được quy tập về nghĩa trang của huyện nhưng đáng tiếc là tất cả đều không xác định được danh tính.
Vì sau khi ta rút quân, địch trở lại đây để xâm chiếm và dùng máy san bằng 11 ngôi mộ. Ông Quang chỉ còn cách đến nghĩa trang Hải Lăng, lần tìm từng ngôi mộ, thắp nén hương thơm và nước mắt tuôn trào.
Ngoài hai lần đích thân vào chiến trường xưa tìm mộ đồng đội, ông Lê Tiến Quang còn nhiều lần vẽ sơ đồ, chỉ đường cho thân nhân vào vùng chiến trường xưa ở Quảng Trị và Quảng Nam tìm mộ liệt sỹ. Nhờ đó, nhiều liệt sỹ đã được gia đình tìm thấy hài cốt như: Nguyễn Như Hà, Nguyễn Cảnh Các, Ngô Vinh…
Ông Lê Tiến Quang chia sẻ: “Là một người lính trở về từ chiến trường, và một đảng viên nên tôi luôn chọn cho mình cách sống thủy chung, nghĩa tình, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, hoạn nạn”.