(Baonghean) - Đối với người dân bản Muộng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), cụ Lương Thị Khăm Hương (81 tuổi) không chỉ là cụ bà tần tảo, siêng năng, mà còn là một người yêu tha thiết văn hóa Thái.
Sinh ra ở Quế Phong, từng sống ở Tương Dương, thời tuổi trẻ, cụ đã lội suối, băng rừng, tới các bản làng để dạy bình dân học vụ, nhiệt tình đưa cái chữ đến với bà con. Sau khi lập gia đình, cụ vẫn tiếp tục dạy chữ và làm cán bộ bản, xã ở nhiều nơi. Nay về định cư ở Thanh Chương, mặc dù nhiều tuổi, cụ vẫn mạnh khoẻ và làm việc tốt.
Đông con, chồng đã mất gần 10 năm nay, cụ Hương hiện sống với người con trai út. Người dân trong bản đã quá quen với hình ảnh cụ già lúc lên rừng thì lấy thuốc, làm nương, lúc ở nhà thì nội trợ, dệt vải…
Cụ cho biết: “Mình đang còn khoẻ thì đi làm để giúp con cái”. Vụ sắn nào, cụ cũng tham gia từ lúc trồng cây, làm cỏ, cho tới thu hoạch. Đặc biệt là lúc thu hoạch, dân bản phải ngạc nhiên, nể phục, khi thấy cụ vẫn đều đặn gùi sắn từ trên nương về bản (gần 2 km), nhập cho nhà buôn. Mỗi lần gùi như vậy, cụ còn mang được 40 đến 45 kg sắn. Cụ chia sẻ: “ Cái chân quen đi, cái vai quen mang, không làm nó yếu người thêm”. Xong mùa, cụ lại đi rừng lấy cây thuốc theo “đơn đặt hàng” của người thu mua. Ngày nào lên rừng, cụ dậy từ 3 - 4h sáng chuẩn bị cơm nước, tranh thủ thời gian đi sớm, về sớm. Theo cụ, ngày nay, rừng không còn nhiều cây thuốc như xưa, nên phải khó nhọc, đi xa, vào sâu, mới tìm được. Đến nhà cụ, thấy cây thuốc phơi từ ngoài ngõ vào sân...
Những ngày không đi nương, đi rừng, thì cụ sẽ ngồi vào khung cửi. Trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt vải vốn đã gắn bó từ hồi còn nhỏ, nên dệt thổ cẩm với cụ không chỉ là công việc quen thuộc mà còn là một sự đam mê. Ngoài 80 tuổi, đôi tay cụ vẫn dẻo dai đẩy “phưm” và khéo léo trong từng đường tơ múi chỉ; dệt xong, cụ lại thêu luôn. Tuy “tốc độ” dệt, không nhanh được như các chị em, nhưng sản phẩm do cụ làm ra là váy, thắt lưng, khăn piêu, vải liệm... đều chất lượng, tinh tế từ hoa văn đến màu sắc. Mang ra khoe với khách lạ những sản phẩm vừa mới hoàn thành, cụ cho biết: “Tôi có nhiều váy, mặc váy do cái tay mình làm ra, đẹp lắm, thích lắm. Tôi dệt chủ yếu là để dùng, để cho con gái, con dâu, nếu ai mua thì vẫn bán. Dệt không chán đâu, chỉ mệt thì nghỉ thôi”. Ngoài ra, cụ còn sẵn sàng dạy dệt cho con em trong bản nếu có yêu cầu.
Cụ thích hát dân ca, những điệu nhuôn, xuối, lăm của người Thái là “cơm ăn nước uống” hằng ngày của cụ. Tuy nhiều tuổi, giọng của cụ vẫn còn vang lắm, lúc trầm bổng, lúc ngân nga, khi được động viên, cụ vẫn hát một cách say mê. Không chỉ biết hát, hát hay, mà cụ còn biết viết lời mới cho các làn điệu cổ. Mỗi lúc bản tổ chức lễ hội, là dịp dân bản lại được thưởng thức giọng ca của cụ; nội dung lời hát, phản ánh sự đổi thay của quê hương, thể hiện tình yêu đối với những giá trị văn hoá của dân tộc mình… Một điều khá thú vị là cụ vẫn dùng điện thoại như thanh niên, ngoài việc để liên lạc với mọi người, cụ còn để nghe nhạc, giải trí.
Trong mắt dân bản, cụ là “người già không biết mệt”, là người “thắp lửa” đam mê cho tình yêu đối với văn hoá Thái trên quê hương mới. Bản sắc dân tộc đang được gìn giữ, trao truyền, chính bằng tấm lòng nhiệt huyết của các bà, các mẹ như cụ Khăm Hương.
Bài, ảnh: Huy Thư