bna_quangcanhanhthanhle9417792_1512020.jpgSáng 15/1, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh họp để nghe và cho ý kiến về tình hình ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh và kết quả thực hiện Nghị quyết 17/NQ - CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2025. Ảnh: Thanh Lê

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo trong năm qua, hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động. Bước đầu thúc đẩy công tác cải cách hành chính và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng.

Cụ thể, Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa liên thông tỉnh Nghệ An, địa chỉ http://dichvucong.nghean.gov.vn (hoạt động từ ngày 10/1/2017), hiện có 20 sở, ban, ngành và 21 huyện, thành, thị tham gia. Đến nay đã cung cấp trên hệ thống 1.769 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.138 dịch vụ công mức độ 2; 581 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 50 dịch vụ công mức độ 4. Riêng 11 tháng đầu năm 2019, hệ thống đã tiếp nhận 242.272 hồ sơ (trong đó có 2.649 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến).

Triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản trên phần mềm VNPT - Ioffice cho 20/20 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 480/480 UBND cấp xã. Kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Nguyên Hào báo cáo kết quả ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Với tên miền mail.nghean.gov.vn đã được triển khai trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đã có 57 tên miền, 285 nhóm thư và 7.852 tài khoản thư; 100% cơ quan Nhà nước trong tỉnh đã được cấp  hộp thư công vụ để trao đổi thông tin.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến có 26 điểm cầu, kết nối UBND tỉnh với UBND các huyện, thành, thị mỗi năm phục vụ trên 30 cuộc họp trực tuyến từ tỉnh xuống huyện. Trong năm 2019 phục vụ 33 cuộc họp nội tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 20 sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị, các chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã được cấp chứng thư của Ban Cơ yếu Chính phủ. Toàn tỉnh hiện có 2.928 chứng thư số tập thể, cá nhân được cấp đưa vào sử dụng.

Cùng đó, trong những năm qua hạ tầng viễn thông - CNTT tỉnh liên tục được đầu tư mở rộng và phát triển; an toàn thông tin được đảm bảo.

Tập huấn ứng dụng CNTT khối các cơ quan Nhà nước. Ảnh: Thanh Lê

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Thảo luận tại hội nghị các đại biểu trao đổi về kết quả ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị; xây dựng đề án du lịch thông minh trên địa bàn; khó khăn về nguồn nhân lực, đầu tư về thiết bị ứng dụng CNTT, đường truyền, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa không đảm bảo.

Ý kiến các đại biểu phản ánh việc tích hợp các phần mềm chưa đồng bộ; đánh giá chất lượng hiệu quả của các phần mềm, nhất là phần mềm dùng chung, hệ thống thư điện tử; nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; liên thông phần mềm hệ thống thông tin báo cáo...

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Phan Văn Bình trao đổi kết quả ứng dụng CNNT trên địa bàn huyện. Ảnh: Thanh Lê

Kết luận cuộc làm việc Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đánh giá, thời gian qua, tỉnh khai thác tương đối tốt việc ứng dụng CNTT, từng bước xây dựng khung chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT hướng tới nền kinh tế số.

Định hướng ứng dụng và phát triển CNTT năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xây dựng triển khai các phần mềm, lựa chọn  một số lĩnh vực để phát triển đô thị thông minh và xây dựng trung tâm điều hành thông minh gắn với Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị; cập nhật tích hợp kiến trúc trong khung xây dựng Chính quyền điện tử; đô thị thông minh phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần tham mưu cho tỉnh hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng CNTT;  các phần mềm để triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công, thí điểm trung tâm điều hành thông minh hoàn thiện kiến trúc Chính quyền điện tử.

Cùng đó, huy động các nguồn lực và hợp tác với các tập đoàn lớn về CNTT, thương mại điện tử tạo nguồn lực cho phát triển CNTT, chính quyền điện tử và an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT, tham mưu cho tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng Chính quyền điện tử.

Nhấn mạnh, CNTT có tác động lớn đến hiệu quả của công tác cải cách hành chính, việc đánh giá chỉ số CCHC hằng năm sẽ đưa chỉ số ứng dụng CNTT vào để đánh giá và xem đây là chỉ số thành phần của Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thực sự quan tâm hơn nữa ứng dụng CNTT; nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả ứng dụng CNTT của đơn vị mình./.