Bước tiến mới
Từ đầu năm 2017, Nghệ An chính thức khai trương “Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An”, đồng thời triển khai thành công Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đến 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, cơ sở y tế công trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống đi vào hoạt động đáp ứng các yêu cầu liên thông văn bản 4 cấp gồm: Chính phủ - tỉnh - huyện - xã.
Với hệ thống VNPT- IGate đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Ưu việt của dịch vụ là công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 h trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Đến nay, hệ thống một cửa điện tử liên thông đã được cung cấp đến tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, 21 UBND huyện/thị/thành và 480 UBND xã phường trên toàn tỉnh.
Hệ thống hiện có khả năng cung cấp dịch vụ hành chính công với 5.783 dịch vụ (4.749 thủ tục mức độ 2; 987 thủ tục mức độ 3 và 47 thủ tục mức độ 4). Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác hiện đã có hơn 520.000 lượt hồ sơ được cập nhật luân chuyển và xử lý trên hệ thống, bình quân 1.000 lượt hồ sơ/ngày. Cùng đó, thông qua ứng dụng CNTT, các hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến UBND các tỉnh; từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, các ngành được tổ chức đã tiết kiệm thời gian chi phí đi lại.
Hiện nay, chỉ với 1 thiết bị cầm tay kết nối internet, vào tên miền có địa chỉ: http://namdantourism.vn, du khách có thể truy cập, tìm kiếm thông tin về chuyến du lịch kỳ thú mình sẽ tận hưởng theo các nội dung như lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, nơi lưu trú, giá phòng khách sạn, nhà hàng, món ăn, địa điểm mua sắm, địa điểm du lịch... tại quê Bác.
Đặc biệt, những địa điểm này đều được tích hợp với bản đồ số giúp du khách dễ dàng tìm đến các địa điểm mong muốn; hỗ trợ du khách trải nghiệm trước khi tham quan. Từ đó, du khách có thể nhanh chóng lựa chọn những chương trình, hành trình phù hợp nhu cầu, sở thích của riêng mình. Hệ thống Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động VNPT Smart Tourism huyện Nam Đàn được đưa vào thử nghiệm từ tháng 2 năm 2019, chính thức khai trương đưa vào vận hành khai thác vào ngày 24/4 vừa qua.
“Thông qua ứng dụng CNTT, việc đưa Cổng thông tin du lịch thông minh vào hoạt động được xem là giải pháp đột phá, không chỉ tạo ra những tiện ích thu hút du khách mà còn góp phần hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn huyện xây dựng dịch vụ du lịch chất lượng cao”
Còn đối với ngành Y tế, để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, ngành đã tăng cường ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh và cải cách thủ tục hành chính trong quá trình thanh toán Bảo hiểm Y tế giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh. Nhờ đó, đáp ứng kịp thời hơn công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, tạo sự đồng tình hưởng ứng cao trong dư luận nhân dân...
Hệ thống đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra của Bộ Y tế, liên thông giữa các tuyến tỉnh/huyện/xã. Đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay hệ thống đã có hơn 5.200.000 lượt hồ sơ khám chữa bệnh được nhập vào hệ thống, bình quân 8.000 lượt hồ sơ/ngày, kết xuất dữ liệu lên Cổng giám định và đảm bảo các vấn đề thanh quyết toán với BHXH Việt Nam.
Xây dựng chính quyền điện tử
Được đánh giá là địa phương nằm tốp đầu cả nước về ứng dụng CNTT và truyền thông. Bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, CNTT của Nghệ An còn một số tồn tại, hạn chế cần có biện pháp để nâng cao chất lượng các dịch vụ như: Tỉnh chưa hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu; hạ tầng CNTT phát triển nhanh nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của ứng dụng: số lượng máy tính để bàn, hệ thống mạng LAN còn thiếu và không đồng bộ. Các dữ liệu còn phân tán, chưa được chuẩn hóa và chưa có sự chia sẻ rộng rãi giữa các đơn vị, làm cơ sở cho việc liên thông về nghiệp vụ và đơn giản TTHC cho người dân… Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng trong chương trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, thời gian qua số lượng người dân sử dụng dịch vụ này ở tỉnh vẫn còn hạn chế.
“Nguyên nhân khiến dịch vụ công trực tuyến chưa được nhiều người dân thực hiện là do khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn thấp, chưa biết cách sử dụng, truy cập để giao dịch thủ tục hành chính trên môi trường mạng", Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - đồng chí Phan Nguyên Hào lý giải.
“Mặt khác, do tâm lý lo ngại về mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên nhiều người vẫn chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng".
Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu về xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm về công nghiệp - công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ và xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị thông minh. Để đạt được mục tiêu trên, hiện tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng Trung tâm dịch vụ hành chính công, nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử và CNTT được coi là một trong những giải pháp then chốt để cải cách hành chính theo hướng phục vụ, minh bạch, hiệu quả. Xây dựng một mô hình chính quyền thông minh, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, thu hút được các nguồn lực đầu tư.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết: Tỉnh đã có kế hoạch hợp tác chiến lược với Tập đoàn VNPT để giải quyết những vấn đề còn tồn tại thuộc lĩnh vực chính quyền điện tử. Trong đó, tỉnh đề xuất Tập đoàn VNPT tiếp tục hợp tác có hiệu quả trên 5 lĩnh vực: Cung cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử của tỉnh; Ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng giải pháp tổng thể an toàn an ninh thông tin, chính quyền điện tử của tỉnh; Đào tạo nguồn nhân lực viễn thông - công nghệ thông tin; Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin, góp phần đưa Nghệ An sớm thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm về công nghiệp - công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ và xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị thông minh.