(Baonghean.vn)- Ông Sầm Văn Bình - một “Nghệ nhân Ưu tú” vừa được tôn vinh cuối năm 2015 trong việc nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang là một trong những điển hình  học tập và làm theo Bác của huyện Quỳ Hợp.

Tốt nghiệp Trường Đại học Hàng Hải năm 1987, ông về quê sinh sống tại bản làng tiếp xúc với nhiều văn tự cổ của người Thái nhưng lại không biết đọc, biết viết, trong khi ông lại thạo tiếng Anh và biết chút ít được tiếng Đức. Ông luôn suy nghĩ tại sao tiếng dân tộc và chữ viết của chính dân tộc mình mà lại không đọc, viết được và hiện nay tình trạng chữ Thái hầu như  bị lãng quên và không ai để ý. Những điều đó đã thôi thúc ông sưu tầm tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Sau 10 năm dày công sưu tầm, nghiên cứu ông Bình đã đọc viết được cơ bản chữ Thái lệ Lai Tay. Năm 2006 ở xã vùng cao Châu Cường, Câu lạc bộ chữ Thái đã tự phát ra đời, ông Sầm Văn Bình được mời tham gia và trở thành “linh hồn” của câu lạc bộ này.

 Sinh hoạt ở câu lạc bộ đã giúp ông soạn được gần như hoàn chỉnh bộ sách “Hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai Tay”, gồm 2 tập trong thời gian  từ năm 2006 - 4/2010.  

images1522559_s_m_v_n_b_nh.jpgÔng Sầm Văn Bình (ngoài cùng bên trái) trao đổi cách truyền dạy chữ Thái cùng bà con dân bản.

Tập 1 dày 108 trang, với 21 bài học có hệ thống rất khoa học từ giản đơn đến phức tạp.  Tập 2 với 20 bài được nâng cao, đảm bảo cho học viên có thể không chỉ đọc thông, viết thạo, mà còn nhớ rất lâu, có thể truyền dạy lại cho người khác được. Song song và tiếp theo 2 cuốn sách được coi như giáo trình này, ông Sầm Văn Bình còn hoàn chỉnh được đến 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước như: “Hệ chữ Lai - xứ Mường Ham”; “Hệ chữ Lai - xứ Thanh Hoá”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Mùn”; “Hệ chữ Lai - xứ Mường Muỗi”; “Hệ chữ Lai Pao”; “Lịch sử hình thành và phát triển Mường Ham”.  

Đặc biệt ông đã nghiên cứu thành công 5 font chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An và chuyên mục “Bảo tồn vốn cổ” của báo Nghệ An cuối tuần từ nhiều năm nay. Tính đến thời điểm này ông Sầm Văn Bình đã mở được hơn 10 lớp tại huyện với hơn 400 người tham gia học tập và có trên 200 người đọc thông viết thạo và có thể truyền dạy được chữ Thái cho người khác.

Từ năm 2011 đến nay ông Bình đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu và tổ chức dạy, học chữ Thái hệ Lai Tay trên địa bàn Nghệ An”.

Hiện nay, ông Sầm Văn Bình không chỉ dạy chữ Thái ở huyện Quỳ Hợp, mà còn được mời đi dạy các lớp học chữ Thái ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông... Ngoài ra, ông còn được các hội mời tham gia hội thảo về chữ Thái và văn hóa Thái ở nhiều nơi trong và ngoài nước như: Hà Nội, Điện Biên, Sơn La, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Lào và Thái Lan...  

Ông Sầm Văn Bình nhận được rất nhiều Bằng khen của Trung ương, của tỉnh như: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; 15 năm thực hiện nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Bằng vinh danh của Chương trình Thái học Việt Nam tháng 3/2015; Và đặc biệt, được Chủ tịch nước ký quyết định ngày 13/11/2015 vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Đó là những phần thưởng xứng đáng dành cho một người con dân tộc Thái luôn tìm tòi và bảo tồn vốn cổ.

Thu Hường

Đài Quỳ Hợp

TIN LIÊN QUAN