(Baonghean.vn) - Món ăn truyền thống của các nước trên thế giới vào dịp năm mới đều mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều mong muốn sự thịnh vượng, bình an, sức khỏe và may mắn.
 
1. Mỹ: Ngày đầu năm mới, người Mỹ có món Hoppin’ John là một món ăn gồm các loại đậu, rau xanh, cơm trắng. Những hạt đậu đại diện cho sự may mắn, cơm gạo đem lại sự thịnh vượng, màu xanh là sắc thái của tiền bạc, mang lại sự giàu có, trù phú.
 
2. Nga: Người Nga ăn rất nhiều món vào dịp năm mới. Salad, thịt, bánh mì nướng là những món không thể thiếu. Salad cá trích muối bên dưới lớp rau củ, trứng, củ cải đường được bao phủ thêm một lớp mayonnaise là món mà bất kỳ người nào cũng đều phải ăn vào dịp Tết.
 
images2096781_15_resize_147.jpg"Cá trích dưới lớp lông thú" là một trong những món salad nổi tiếng nhất của Nga.
3. Pháp: Vào dịp năm mới người dân Pháp thường tổ chức tiệc tùng cùng với gia đình ngoài nhà hàng. Các món ăn truyền thống đều được chuẩn bị đầy đủ và người ta không phải lo lắng mình sẽ thiếu sót gì cả. Một trong số đó, tháp bánh su kem là món nhất định không thể thiếu.
 
4. Đức: Người Đức tin rằng màu xanh của bắp cải sẽ đem lại sự may mắn và thịnh vượng. Lợn là con vật không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng được cho là loài động vật tiến bộ. Món ăn giữa thịt lợn và bắp cải sẽ đem đến sự phát triển, vươn lên trong năm mới.
 
5. Ireland: Trước đây để chống lại nạn đói người dân Ireland thường làm những chiếc bánh mì rất to để dự trữ ăn dần. Bây giờ, để tưởng nhớ lại những ngày tháng khó khăn đã qua, người ta thường ăn bánh mì phết bơ vào năm mới.
 
Người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ăn lựu sẽ gặp nhiều may mắn .
6.Thổ Nhĩ Kỳ: Trái lựu tượng trưng cho vận may tại Thổ Nhĩ Kỳ. Màu đỏ của chúng tượng trưng cho trái tim, thể hiện sự sinh sôi nảy nở. Hạt lưu tượng trưng cho sự thịnh vương, đầy đủ cho một năm mới.
 
7.Hy Lạp: ở Hy Lạp năm mới có loại bánh Vassilopita, một loại bánh mì nướng to có hình tròn, màu nâu sậm. Bên trong chiếc bánh này được nhét một đồng xu. Vào ngày đầu tiên của năm mới, nếu người nào ăn được phần bánh có đồng xu bên trong sẽ gặp nhiều may mắn và tài lộc trong năm sau.
 
8. Nauy: Vào buổi tiệc năm mới, những chiếc bánh pudding màu sắc rực rỡ gồm trứng, đường và sữa tươi sẽ được chuẩn bị chu đáo. Họ khéo léo đặt quả hạnh vào một chiếc bánh bất kỳ. Ai ăn được chiếc bánh có quả hạnh bên trong sẽ sung túc và giàu có cả năm.
 
9. Hà Lan: Năm mới ở Hà Lan không thể thiếu món bánh Olie Bollen. Bánh được làm từ bột mỳ, trứng và các loại quả như dứa, táo hoặc nho. Sau khi được nặn thành hình tròn, bánh được chiên trong chảo dầu nóng và cuối cùng rắc thêm chút bột đường lên phía trên rất đẹp mắt.
 
Người dân Italia đón năm mới bằng món mỳ Lasagna.
10. Italia: Người dân Italia đón năm mới bằng món mỳ Lasagna. Đây là một món mỳ dạng lá xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp, chen giữa là phô mai, nước sốt, thịt và một số loại rau quả. Món ăn này tượng trưng cho sự may mắn, vui vẻ của năm mới.
 
11. Hungary: Súp cá chép là lựa chọn của của người Hungary, vảy cá được cho là mang đến nhiều tiền tài và may mắn. Món ăn được chuẩn bị từ vài ngày trước khi diễn ra tiệc năm mới để hương vị được đậm đà, nấu rất cay và thường được ăn kèm với mỳ luộc hoặc bánh mỳ.
 
12. Đan Mạch: Người dân Đan Mạch chào năm mới bằng món cá tuyết hấp chấm mù tạc. Cá tuyết là loài cá có khả năng sinh sản rất cao nên người dân Đan Mạch sử dụng món này như một lời cầu mong năm mới sung túc, sum vầy và con đàn cháu đống.
 
13. Ấn Độ: Theo đạo Hindu vào năm mới, trên mỗi bàn ăn luôn tràn ngập nhiều món ngon. Các loại thức ăn ăn kèm với đường khô được làm từ cây cọ sống, mía, chà là. Trong khi đó, cuối bữa ăn là cơm trắng với đậu lăng. Đối với người Ấn, đậu lăng mang đến sự thịnh vượng, phát đạt trong năm mới.
 
14. Iran: Vào năm mới, người dân Ba Tư thường rất chú trọng đến tất cả mọi thứ liên quan đến sự tái sinh. Trên bàn ăn phải có 7 món tượng trưng cho 7 thứ khác nhau, chẳng hạn như món ăn từ dấm (tình yêu và kiên nhẫn), táo (sức khỏe và sắc đẹp), quả lựu (sự sinh sản), thảo mộc (sự khởi đầu mới)...Đối với món Kuku sabzi được làm từ trứng cùng với rau xanh có nghĩa là sự trù phú, sinh sôi nảy nở trong năm mới.
 
Mì soba là món không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới ở Nhật Bản.
15. Nhật Bản: Người Nhật thường dùng các loại bánh mochi được làm từ gạo nếp, cơm trắng để cúng tế các vị thần. Một số món ăn như cơm trộn đậu đen, cá trích, cơm cuộn, mì soba...là những món không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt ăn mì soba càng lâu thì sẽ càng tăng tuổi thọ.
 
16. Trung Quốc: Với người Trung Quốc, chữ “cá” được phát âm giống từ “sung túc”. Vì lý do đó, người dân đất nước này hay ăn cá dịp năm mới. Những con cá được chế biến cả phần đầu và đuôi với hy vọng cho một năm đầy đủ, viên mãn từ đầu tới cuối.
 
16. Hàn Quốc: Trong những ngày đầu năm mới, người Hàn Quốc sẽ nấu canh Tteokguk (gồm bột gạo, nước xương bò, thịt bò, hành hoa). Mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau thưởng thức món canh này để cầu mong có sức khỏe dồi dào và may mắn trong năm mới.
 
17. Mông Cổ: Món ăn mang lại may mắn không thể thiếu của người Mông Cổ là các loại bánh bột và sữa ngựa. Trong ngày Tết, chúng cũng hiện diện trong bữa ăn của họ nhưng được chăm chút hơn. Đó là những chiếc bánh bao nhân thịt cừu nóng hổi, uống cùng sữa ngựa lên men hoặc trà nóng. Mọi người cũng sẽ quây quần đón giao thừa trong không khí ấm cúng, cầu năm một năm sung túc, an lành.
 
Yu Sheng một món ăn khá phổ biến trong ngày Tết tại các nước sử dụng tiếng Hoa như Malaysia, Singapore… Yu Sheng gồm rất nhiều loại rau củ xắt nhỏ và cá sống cắt mỏng.

18.Singapore, Malaysia: Món ăn truyền thống nổi tiếng của Singapore và Malaysia trong ngày tết là Yu Sheng. Đó là một loại gỏi với cá hồi sống và nhiều loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng chua... Khi món ăn được dọn ra sẽ được bỏ thêm một số bao lì xì ở bên cạnh, người ăn sẽ xới tung tất cả lên sao cho càng cao càng tốt, nhưng không được làm rơi ra ngoài và hét lohei (vừa có nghĩa là trộn đều, vừa có nghĩa là thịnh vượng) rồi trộn xốt vào và thưởng thức.

19. Lào: Bữa cơm đầu tiên trong năm mới của người Lào không thể thiếu món lạp. Theo tiếng Lào thì lạp có nghĩa là lộc. Món ăn này được làm từ thịt gà hoặc thịt bò tươi, ăn kèm cơm nếp. Những ngày năm mới, bữa cơm của người Lào không thể thiếu món lạp với ý nghĩa cầu tài lộc dồi dào trong năm mới. 

20. Campuchia: Món ăn mang lại may mắn nổi tiếng trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia là món cà ri. Trong ngày đầu năm mới, mỗi nhà đều có ít nhất một người đem thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên, sau đó cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cà ri thơm lừng.

Thái Bình 
 
(Tổng hợp)