Theo Đề án Cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức đang được Thanh tra Chính phủ xây dựng, người dân sẽ được hỗ trợ tiếp cận nội dung các bản kê khai tài sản.
Đề án cũng đề xuất ưu tiên xác minh tờ khai tài sản của quan chức cao cấp, những quan chức có sự thay đổi về chức vụ quyền hạn, vị trí dễ có nguy cơ tham nhũng hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Dự thảo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức vừa được đưa ra lấy ý kiến đã kiến nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ quản lý hệ thống dữ liệu quốc gia về kê khai minh bạch tài sản. Hệ thống sẽ được chia làm 2 cấp quản lý: Dữ liệu trung ương và dữ liệu địa phương.
Dữ liệu ở trung ương sẽ do cơ quan Thanh tra Chính phủ tổ chức quản lý. Đối tượng phải kê khai sẽ nộp bản kê khai thông qua các bộ phận quản lý cán bộ của các cơ quan thuộc trung ương. Sau khi số hóa, dữ liệu này sẽ được chuyển tới trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc khai thác, sử dụng thông tin về kê khai tài sản như công khai, xác minh, xử lý vi phạm về kê khai minh bạch tài sản sẽ được thực hiện theo quy trình với việc phân quyền nhất định.
Dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập cho cán bộ công chức thuộc diện phải kê khai ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được số hóa và đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia định kỳ và thường xuyên. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị quản lý cán bộ cấp dưới và đối tượng kê khai thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, công khai, xác minh và xử lý vi phạm.
Ưu tiên xác minh tờ khai tài sản của quan chức cao cấp
Thanh tra Chính phủ cho biết cơ sở dữ liệu của hệ thống sẽ được xử lý tập trung, nhưng các tờ khai của đối tượng phải kê khai được nhận và lưu trữ tại các cơ quan quản lý cán bộ công chức. Trong trường hợp người kê khai thực hiện kê khai điện tử thì phải in ra bản giấy và ký nộp tại địa phương.
Các đơn vị thanh tra các cấp có nhiệm vụ nhắc nhở, hỗ trợ người kê khai. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản thực hiện kê khai trên giấy hoặc trên bản điện tử và gửi thông tin qua mạng tới trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh hoặc của Thanh tra Chính phủ.
“Về căn bản, mô hình này phù hợp với đặc điểm tình hình tại Việt Nam hiện nay”- Thanh tra Chính phủ nhận định.
Một trong những chức năng của hệ thống cơ sở dữ liệu minh bạch tài sản là việc xác minh sự đầy đủ và chính xác của bản kê khai. Theo đó, việc xác minh sẽ có sự lựa chọn dựa trên một số phương án như: Kiểm tra từng bản kê khai (định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất); đối chiếu bản kê khai các kỳ kê khai để theo dõi sự biến động; kiểm tra chéo nội dung kê khai và các cơ sở dữ liệu bên ngoài; phân tích nội dung kê khai nhằm xác định các điểm không phù hợp.
Dự thảo đề án cũng đề xuất việc ưu tiên xác minh tờ khai tài sản của quan chức cao cấp, những quan chức có sự thay đổi về chức vụ quyền hạn, vị trí dễ có nguy cơ tham nhũng hoặc có sự thay đổi lớn về tài sản, có đơn thư tố cáo.
Công khai bản kê khai tài sản không thay thế được việc xác minh
“Thông qua việc công khai thông tin tài sản của cán bộ công chức, viên chức sẽ cho thấy niềm tin trong nhân dân, làm cho người dân yên tâm, tin tưởng và thấy được quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thông qua việc hỗ trợ tiếp cận nội dung bản kê khai, trước hết để phục vụ kỳ vọng của công chúng về kết quả mà hệ thống đạt được, đồng thời đây là biện pháp mang tính cảnh báo và răn đe đối với cán bộ công chức khi không tuân thủ việc kê khai”- cơ quan soạn thảo đề án đánh giá.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc công khai tài sản đối với công chúng và xã hội không thể thay thế hoàn toàn công tác giám sát giám sát, xác minh hiệu quả quản lý. Vì dù ở một quốc gia tiến bộ, việc tiếp cận trực tiếp các nguồn dữ liệu liên quan hỗ trợ cho việc xác minh kê khai (mã số thuế, mã số ngân hàng, nhà đất) là hoàn toàn không được.
Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá một trong những tác động tiêu cực khi xây dựng đề án là sự quá kỳ vọng vào hệ thống minh bạch tài sản như là một công cụ hữu hiệu về phòng chống tham nhũng. Việc thực hiện đề án cũng có thể tạo ra thách thức ban đầu cho các cơ quan có trách nhiệm, bởi việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng luôn đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao và phải thực hiện thường xuyên, kiên trì nhưng về lâu dài.
“Bản thân hệ thống không thể là điều kiện tiên quyết nếu chưa hoàn thiện thể chế liêm chính và chống tham nhũng của cả một quốc gia”- cơ quan này đánh giá.
Để thực hiện đề án trên cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về kê khai, minh bạch tài sản thu nhập. Trong đó việc xác minh tài sản, thu nhập phải nhằm xác định sự bất minh của tài sản và làm giàu bất chính chứ không chỉ nhằm xác minh tính chính xác trong bản kê khai của đối tượng phải kê khai.
Bên cạnh đó phải gắn việc công khai thông tin cá nhân nhạy cảm với quy định của pháp luật để người phải kê khai hiểu vì sao mình phải công bố những thông tin về cá nhân.
“Quy định của pháp luật cần ghi nhận sự vi phạm quyền riêng tư có căn cứ vào nghĩa vụ đạo đức của công chức là phục vụ lợi ích công chúng. Chính vì vậy, để việc minh bạch tài sản thu nhập được thực thi hiệu quả thì cần phải có một khuôn khổ pháp lý rộng hơn, trong đó gắn liền với việc sửa đổi luật thuế và hình sự có gắn kết với hệ thống kê khai tài sản”- Thanh tra Chính phủ đề xuất.
Thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc Theo dự thảo đề án, giai đoạn 1 từ năm 2015-2017 sẽ hoàn thiện, tin học hóa hệ thống cơ sở sữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập để đưa vào vận hành. Thời gian này tập trung đưa vào cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương từ Phó chủ tịch huyện và tương đương trở lên; các cơ quan nhà nước ở Trung ương từ Phó vụ trưởng và tương đương trở lên. Giai đoạn 2 từ năm 2017-2020, trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện đề án ở giai đoạn 1 sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập; mở rộng việc kiểm soát thu nhập với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và đối với toàn bộ người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng. Các bộ ngành và và đơn vị được giao thực hiện đề án thực hiện chi trả mọi khoản chi từ ngân sách nhà nước (thuộc thẩm quyền chi của mình) cho người có chức vụ, quyền hạn qua tài khoản cá nhân. Dự thảo cũng đề xuất Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung tội danh làm giàu bất hợp pháp vào trong Bộ luật Hình sự và thực hiện điều tra, xử lý, thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn. |
Theo Dantri.com.vn