Chưa có một cây cầu kiên cố nên nhiều bản làng ở vùng cao Nghệ An buộc phải dựng cầu tạm để qua suối. Hiểm nguy luôn rình rập nhất là đối với trẻ em mỗi khi mực nước suối dâng cao, cầu tạm có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Trong ảnh: Sau lũ, 98 hộ dân ở bản Cành Toong (xã Yên Tĩnh - Tương Dương) phải dựng chiếc cầu tạm để qua suối Chà Hạ. Trưởng bản Lương Thị Xoa cho hay: "Mỗi khi lũ về cây cầu này lại bị cuốn trôi khiến người dân rất vất vả. Đây là lối lưu thông duy nhất khi đến trường, lên nương rẫy của người dân". Ảnh: Đào Thọ
Tại bản Na Bón (xã Tiền Phong - Quế Phong), mỗi khi mực nước khe Huồi Tủm dâng cao, nhiều người phải dùng cây kéo nhau qua suối. "Chúng tôi chẳng khi nào được khô ráo khi qua khe. Sợ nhất là con nhỏ bị nước cuốn thôi. Cầu tạm thì dựng xong gặp lũ về là mất ngay" - anh Lương Văn Chung, một người dân Na Bón chia sẻ. Ảnh: Đào Thọ
Anh Lương Văn Chung, một người dân Na Bón (xã Tiền Phong - Quế Phong) cho biết, hầu như quanh năm bản thân anh và người dân trong bản thường xuyên phải dầm mình trong nước mỗi khi muốn qua khe, suối vì chưa có cầu. Mùa mưa đến, con khe đục ngầu, người dân gặp nhiều nguy hiểm mỗi khi phải qua suối. Ảnh: Đào Thọ
Tại vùng rốn lũ Mường Ải (Kỳ Sơn), hàng ngày có nhiều người qua suối Nậm Típ để lao động. Trong ảnh: Anh Lữ Bá Noong ở bản Xốp Lau lội qua suối vác đá về kè lại nhà bị sạt lở do nước lũ. Sau ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, số 4 và đợt lũ dâng vừa qua, các tuyến đường giao thông vào xã Mường Ải bị sạt lở hoàn toàn, nhiều bản bị chia cắt gây khó khăn lớn cho người dân và học sinh khi đến trường. Ảnh: Đào Thọ
Bản Chà Lúm (xã Yên Tĩnh - Tương Dương) có 137 hộ nằm rải rác 2 bên khe Chà Hạ. Hàng ngày phụ huynh phải cõng con đến trường rồi đón con về. Trưởng bản Pay Văn Thông chia sẻ: "Cả 2 bậc mầm non và tiểu học hơn 80 cháu, ngày nào cũng phải cha mẹ đưa đón nếu không rất nguy hiểm. Nước suối dâng cao thì đành chịu, phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn". Ảnh: Đào Thọ
Hình ảnh quen thuộc mùa tựu trường của học sinh vùng miền Tây. Bởi thế, ước muốn từ bao đời nay của người dân nơi đây là có một cây cầu kiên cố để yên tâm làm ăn sản xuất, học tập. Ảnh: Đào Thọ