(Baonghean) - Với trên 82 km bờ biển, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 100.000 tấn, ngành khai thác thuỷ, hải sản của Nghệ An đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các ngành nghề khác trên bờ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân các địa phương vùng ven biển.
Giàu trên bờ
Với 319 tàu thuyền, hơn 2.000 lao động tham gia đánh bắt hải sản trên biển, trên địa bàn xã Tiến Thủy hiện có 14 ki ốt xăng dầu, 28 cơ sở sản xuất đá lạnh phục vụ đội tàu thuyền đánh bắt hải sản. Anh Nam Giang - quản lý cửa hàng xăng dầu Lạch Quèn cho biết: Cơ sở có 2 điểm bán xăng dầu tại cảng Lạch Quèn, bình quân mỗi tháng bán trên 35.000 lít dầu cho khoảng 15 chiếc tàu không chỉ của Tiến Thủy mà cả của Quỳnh Long; doanh thu từ bán xăng dầu khoảng 300 - 350 triệu đồng/tháng, trừ hết các chi phí cũng thu về trên 30 triệu đồng.
Cũng tại khu vực Lạch Quèn, cơ sở sản xuất đá lạnh của anh Hồ Đình Ngọc phải hoạt động liên tục mới đáp ứng đủ nhu cầu của ngư dân. Anh Ngọc cho hay, mỗi tháng, cơ sở xuất bán gần 20.000 thanh đá lạnh cho trên 30 phương tiện tàu thuyền, đem lại doanh thu trên 240 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 50 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Đỗ Tương ở thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, mới về bến cá Lạch Quèn sinh sống được 4 năm nay, nhưng gia đình ông đã thực sự làm giàu từ nghề làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Cơ sở của ông phục vụ ngư dân từ lưới, ngư cụ đến đá lạnh, xăng dầu, với tổng mức bình quân khoảng 100 triệu đồng/chuyến. Sau khi trừ các chi phí, gia đình ông thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 1.280 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất máy là 250.020 CV. Để cung ứng nguyên, vật liệu cho các phương tiện hoạt động đánh bắt ngoài biển, tại các vùng biển, cửa lạch có gần 40 cơ sở buôn bán xăng dầu, gần 50 cơ sở sản xuất đá lạnh đang hoạt động thường xuyên. Mỗi tháng các cơ sở sẽ cung ứng trên 7 triệu lít xăng dầu và 25.000 tấn đá lạnh đáp ứng cho đội tàu thuyền khai thác của huyện.
Theo thống kê, Nghệ An hiện có trên 70.000 lao động làm việc trong lĩnh vực thủy sản thì trong đó có trên 18.000 lao động làm việc trong lĩnh vực khai thác, khoảng trên 5.000 lao động chế biến, trên 10.000 người dịch vụ hậu cần nghề cá và đóng sửa tàu thuyền. |
Đưa thủy sản Nghệ An xuất khẩu
Hiện ở 11 xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu có tới hơn 400 hộ tham gia thu mua, chế biến thủy sản, với phong phú chủng loại sản phẩm như nước mắm, ruốc, cá khô, tôm nõn… Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, một số loại đã qua chế biến như cá phi lê, đông lạnh xuất sang Nga và các nước EU.
Tại xóm 9, xóm giáo toàn tòng duy nhất của xã Sơn Hải, tuy chỉ có 20% số hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến, 80% còn lại là đi biển, nhưng nhiều hộ khá, giàu trong xóm là nhờ nhiều năm nay thuỷ chung với những nghề này. Gia đình anh Bùi Văn Châu có nghề làm nước mắm truyền thống. Với hơn 100 thùng ngâm nước mắm có khối lượng 160 kg cá tươi/thùng, mỗi năm anh bán ra thị trường cả trong và ngoài tỉnh hàng nghìn lít nước mắm ngon đưa lại thu nhập khá.
Cùng với huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai là địa phương có nghề cá phát triển mạnh và đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế. Toàn thị xã hiện có 896 tàu khai thác hải sản, trong đó 397 chiếc có công suất trên 90CV. Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Để góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề cá, nghề chế biến thủy, hải sản phát triển rất mạnh ở Hoàng Mai. Trên địa bàn hiện có 2 làng nghề chế biến thủy sản Phú Lợi, Phương Cần; 5 công ty TNHH; 15 cơ sở chế biến hàng phơi khô hấp sấy; 35 cơ sở thu gom, sơ chế; 64 kho bảo quản lạnh với tổng công suất trên 2.500 tấn; trên 500 cơ sở và hộ gia đình chế biến mắm tôm, nước mắm. Tổng sản lượng chế biến năm 2016 đạt trên 13.500 tấn.
Dịch vụ cung ứng hậu cần nghề biển cũng phát triển mạnh mẽ, toàn thị xã có 12 xưởng đóng mới, sửa chữa tàu cá đáp ứng yêu cầu phát triển đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá cho ngư dân trên địa bàn, trong đó có 2 xưởng được UBND tỉnh phê duyệt đủ năng lực đóng mới tàu cá theo Nghị định 67; 26 cơ sở sản xuất đá lạnh, với tổng công suất trên 25.000 tấn/năm; 14 trạm cung cấp xăng dầu và 8 tàu dầu mỗi năm cung cấp khoảng trên 12 triệu lít dầu cho tàu thuyền khai thác hải sản.
Hoạt động của hệ thống kho đông, ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thu mua, xuất bán sản phẩm hải sản của ngư dân với khối lượng lớn, tập trung, còn là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân vùng ven biển. Gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở khối Quyết Tiến, phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) có 3 kho đông, tổng sức chứa lên tới 170 tấn hàng. Sau sự cố môi trường biển với một khoảng thời gian hoạt động kinh doanh bị chững lại và cầm chừng, nhưng từ tháng 10/2016, các loại sản phẩm chủ yếu là cá thu và cá ù đã bắt đầu được tiêu thụ mạnh trở lại. Chị Đào cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở của gia đình chị xuất bán lẻ khoảng 5 tấn hải sản cho tư thương quanh vùng, gần 10 tấn bán sỉ đi TP. Vinh và các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, sang cả thị trường Lào. Giá cả đã tăng trở lại và ổn định.
Có thể thấy, dịch vụ cung ứng hậu cần cũng như chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh mẽ ở tất cả các địa phương vùng biển như Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc và TX. Cửa Lò. Hoạt động của hệ thống kho đông, ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thu mua, xuất bán sản phẩm hải sản của ngư dân với khối lượng lớn, tập trung, còn là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân vùng ven biển.
Điều đó chứng tỏ, không chỉ những chuyến tàu xa khơi mới đem lại giá trị kinh tế, mà còn ở hiệu quả phát triển dịch vụ hậu cần, cấp đông, chế biến và xuất khẩu…
Phú Hương