(Baonghean.vn) – Nghề đánh bắt cá và các loại sinh vật dưới nước từ lâu đã gắn bó với người dân vùng cao xứ Nghệ, nhất là đồng bào Thái. Cuộc sống gần các khe suối giúp họ tự “sáng tạo” ra những dụng cụ đánh bắt độc đáo, trong đó có những bộ chài phải làm tỷ mẩn cả tháng trời...
Cuộc sống gần các khe suối giúp cho đồng bào miền Tây Nghệ An có những "sáng tạo" trong sản xuất dụng cụ đánh cá. Những người già trong các bản hàng ngày vẫn cặm cụi để làm ra những chiếc chài đánh cá cho con cháu. Để làm được 1 chiếc chài, 1 người thợ lành nghề cũng phải mất đến gần cả tháng trời. Những chiếc chài được dùng để đánh bắt cá trên các khe suối nhỏ ở miền Tây xứ Nghệ. Trong các ngôi nhà sàn của người Thái, chiếc chài được treo lên như trang trí thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà và đây cũng là cách họ tôn trọng công sức của cha ông mình làm ra. Một tấm chài treo trước hiên nhà. Việc đan chài cũng không xa lạ với bất cứ ai trong cộng đồng Thái sống gần sông suối. Niềm vui bất ngờ khi đánh chài được những con cá to thể này bên đập nước lớn. Ngoài làm chài thì một dụng cụ nữa đồng bào miền Tây cũng tự làm để đánh bắt cá và các sinh vật khác dưới khe suối là "vinh" (dụng cụ xúc). Đây là sản phẩm độc đáo của người Thái, hầu như nhà nào cũng phải có cho mình 1 chiếc vinh để dùng hàng ngày. Những chiếc vinh được những người thợ bản làm trong thời gian 4-5 ngày và bán với giá 200-300 nghìn. Đào Thọ - Sách Nguyễn