Huyện Con Cuông vừa tổ chức di dời thành công 42 hộ thuộc tộc người Đan Lai, từ bản Co Phạt ở thượng nguồn sông Giăng, giáp biên giới Việt-Lào, về nơi ở mới tại Bản Kẻ Tắt- Pá Hạ, xã Thạch Ngàn. Vậy là sau nhiều năm vận động, người Đan Lai bắt đầu rời núi, về cội!
Chuyện về tộc người Đan Lai:
Tích cũ kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa, Điền chủ giao cho tổ tiên của Tộc người Đan Lai phải ngược rừng tìm đủ "100 cây nứa vàng và cái thuyền liền chèo"đem về nạp cho Điền chủ. Nếu không tìm được, sẽ bị tru di tam tộc. Người Đan Lai đã cử hàng trăm thanh niên lực lưỡng, lặn lội hết mọi rừng sâu, núi thẳm mà vẫn không sao tìm nổi cây "nứa vàng" nào. Và, vì sợ cái án bị tru di tam tộc, tộc người Đan Lai rủ nhau bỏ làng chạy trốn. Cứ thế, họ đêm đi, ngày trốn, họ ngược dòng sông Giăng, đi mãi tới tận biên giới Việt-Lào.
Lòng tham và sự độc ác của điền chủ đã đẩy tộc người Đan Lai phải rời bỏ quê hương trốn vào nơi sơn cùng, thuỷ tận này. Để tồn tại, họ phải sống gần như cách biệt với thế giới bên ngoài, phương thức sản xuất chủ yếu là săn - bắt - hái lượm, hàng ngày họ phải theo ngọn khe đi tìm con cá, leo ngọn núi đi tìm măng, củ rừng. Do phải sống tận rừng sâu, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ, dịch bệnh luôn đe doạ, rình rập, vì vậy cả ngàn đời nay, tộc người Đan Lai gần như chỉ duy trì được nòi giống chứ không phát triển.
Trước đây, người Đan Lai luôn làm nhà tạm, chỉ đủ che nắng,che mưa và giữ lửa. Đồ che thân là vỏ cây rừng. Họ nằm không có giường, phản mà dùng chiếc gậy chữ Y, đầu gậy có nạng để tỳ vào trán ngủ. Người ta giải thích rằng do sống nơi rừng sâu, núi thẳm, có nhiều thú dữ, cho nên cách ngủ này, nhất là cánh đàn ông, để phòng vệ phản ứng nhanh khi có thú dữ. Khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đặc biệt từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng vànhà nước rất quan tâm đến cuộc sống của người Đan Lai. Hàng năm, có hàng chục tấn gạo, muối, dầu thắp sáng, thuốc chữa bệnh, quần áo, vải mặc... trợ cấp cho họ. Nhưng do, phần vì đường sá đi lại vô cùng khó khăn nhiều khi khó trợ cấp kịp. Để tồn tại, mỗi năm họ chặt phá hàng trăm ha rừng đầu nguồn để trỉa lúa, trồng bắp và khai thác lâm sản trái phép. Phương thức Phát - Đốt - Chọc - Trỉa làm cho cuộc sống của họ quanh năm đói nghèo, lam lũ.
Gian nan cuộc vận động người Đan Lai rời núi, về cội:
Tộc người Đan Lai sống ở ba bản Co Phạt, Khe Cồn, Bản Búng có 231 hộ với gần 1.200 khẩu, thì tất cả các hộ này đều sống dưới mức nghèo khổ. Để cải thiện đời sống cả vật chất và tinh thần cho họ, năm 1997, huyện Con Cuông, thành lập đoàn công tác giúp đỡ đồng bào Đan Lai. Cán bộ, công nhân viên chức góp mỗi người hai ngày lương ủng hộ. Đoàn công tác với phương châm ba cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", giúp đồng bào trồng lúa nước, canh tác đất trong suốt cả năm trời với bà con Đan Lai, nhưng không hiệu quả, do đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa, lũ, diện tích đất lúa chỉ trồng ở các hốc, chọ, lòng suối, lòng khe, đất chua phèn. Khi đoàn công tác rút về, thì đất lại bị bỏ hoang, vì dân không có thói quen làm ruộng. Đầu năm 2001, Huyện Con Cuông thành lập dự án di dời dân Đan Lai ra khỏi vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát, được chính phủ chấp nhận. Huyện thành lập đoàn vận động di dời dân Đan Lai ra khỏi rừng đầu nguồn. Tháng 9 năm 2002, đã di dời thành công 36 hộ về hai bản Tân Sơn và Cửa Rào thuộc xã Môn Sơn. Nhưng do chưa quen với cách làm ăn mới, tập quán sống tự nhiên, thiếu siêng năng, cho nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, không ít người lại vào rừng đốn củi, chặt nứa, lấy măng, đào củ về ăn, làm tác động không nhỏ đến cuộc vận động mới này.
Anh La Thế Kỷ tâm sự: "Chúng tôi ở trong này no đói nhờ vào rừng, ra ngoài đó nghe nói trâu, bò cũng được nuôi bằng cám con cò, chúng tôi lấy đâu ra tiền mua cám cho trâu, bò ăn, rồi dân trí thấp, không biết có bắt kịp với cuộc sống mới không". Thì ra những lời đồn thổi của kẻ xấu làm bà con hoang mang. Nhưng khi được giải thích rõ, huyện cho đi tham quan, xem đất, xem nhà, bà con đã yên tâm, tin tưởng.
Anh Nguyễn Đình Thành, Trưởng ban di dời dân và phát triển kinh tế và là trưởng Ban vận động, gần như cả năm nay luôn có mặt trong đó để vận động. Anh nói vui mà thật rằng: riêng tiền thuê đò vào ra cả năm đã hết hơn 5 triệu đồng, chưa kể tiền ăn và tiền công tác phí.Việc di dời dân Đan Lai là một dự án được chuẩn bị công phu. Mười năm qua, Trung ương, Tỉnh, Huyện đã có rất nhiều đoàn vào thị sát, tuyên truyền, vận động, nhưng do thiếu vốn đầu tư. Và, cả do thói quen tập quán sống du canh, du cư.
Cuộc sống dựa vào rừng, sáng vác dao đi, chiều về có "sản phẩm" ngay, đã làm cho cuộc vận động gặp khó khăn, trắc trở. Từ khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, cuộc sống của họ cực kỳ khó khăn. Nhưng khi vận động ra khỏi rừng, thì họ vẫn không thông, không hiểu. Cuối năm 2005, dự án tái định cư Đan Lai tiếp tục bước hai.
Bắt đầu từ Bí thư La Giang Sơn, trưởng bản La Văn Vinh, rồi già làng Lê Văn Tiên... và nhiều hộ khác xung phong đi trước. Kết quả có 42 hộ với 193 khẩu, tự giác cam kết với huyện xin ra nơi ở mới tại xã Thạch Ngàn. Mỗi hộ ra đây được cấp một ngôi nhà sàn xây kiên cố theo phương án: Hộ có 4 khẩu trở xuống được cấp ngôi nhà hai gian, hai chiếc giường đôi; Hộ từ 5 khẩu trở lên được cấp ngôi nhà ba gian cùng ba chiếc giường đôi và chăn màn đầy đủ. Tất cả các hộ đều có thêm nhà bếp xây và công trình phụ (trị giá mỗi căn hộ trên dưới 130 triệu đồng); Mỗi hộ được cấp 1.000-2.000 m2 đất, ruộng để sản xuất và 2 ha rừng để khoanh nuôi, bảo vệ, được hỗ trợ 500.000 đồng tiền di chuyển đồ đạc từ bản ra bến Pha Lài.
Tổng kinh phí cấp cho dự án trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà nước sẽ nuôi họ trong một năm đầu. Huyện Con Cuông đã nhiều lần tổ chức cho họ đi thăm đất, thăm nhà, thăm rừng và nơi ở mới, nhờ đó cuộc vận động đã thành công.
Khi tôi hỏi về tâm trạng của mình, trước lúc rời núi, Già làng Lê Văn Tiên phấn khởi nói: "Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã quan tâm đến tộc người Đan Lai chúng tôi. Cả ngàn đời nay chúng tôi ở trong khe khổ lắm, nay được nhà nước cho ra nơi ở mới có nhà khang trang to đẹp, có điện nước đầy đủ, con trẻ có trường học, bà con có ruộng nương để làm ăn, người Đan Lai được đổi đời rồi. Chúng tôi biết ơn nhiều lắm đó...".
Vào lúc 10 giờ ngày 23 tháng 01 năm 2007 (tức ngày 05/12 năm Bính Tuất), 42 chiếc bè có cắm 42 lá cờ tổ quốc, bắt đầu rời bến Co Phạt, rời núi đưa bà con về quê mới Thạch Ngàn.
Vậy là, sau cả ngàn đời nay sống trong rừng sâu, núi thẳm. Tết này bà con 42 hộ dân Đan Lai được hưởng một cái tết có ánh điện sáng ngời, có ti vi, có đủ lương thực, thực phẩm đón tết trong ngôi nhà khang trang rộng, đẹp, họ rời núi, về cội, về với quê mới làm ăn. Nơi đây dưới ánh sáng của Đảng, sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng các dân tộc trong huyện, sẽ giúp họ vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tăm tối.