La Thị Thắng là người đầu tiên của tộc người thiểu số Đan Lai - chỉ có gần 3.000 người ở chốn “sơn cùng thủy tận” - tốt nghiệp kỹ sư.

Bốn năm qua, chị xuống cùng dân, bám bản chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con miền núi huyện Con Cuông.

761672_small_39113.jpgLa Thị Thắng (bìa trái) hướng dẫn cách trồng giống cỏ voi chăn nuôi mô hình bò lấy sữa cho người dân bản Pha, xã Yên Khê (huyện miền núi Con Cuông)

Người dân Đan Lai tự hào giới thiệu: “Người Đan Lai chúng ta có con Thắng đã học lên cao, đang trở về giúp ta biết cách trồng lúa, cây khoai, cây mía hay lắm, dễ hiểu lắm. Bản làng ta đã biết tự chăn nuôi, trồng trọt rồi...”.

Sinh năm 1978 bên dòng sông Giăng (xã Môn Sơn), là con thứ tư trong gia đình tám anh chị em, Thắng may mắn hơn các bạn cùng bản, lớn lên được bố mẹ cho ra trung tâm xã để đến lớp học tiếng Kinh, con chữ. Ngày ấy trẻ em Đan Lai vừa sinh ra đã nhúng xuống nước dòng sông Giăng, lớn lên lại xuống sông mò bắt cá kiếm sống qua ngày.

Để đến trường học tiểu học, Thắng phải lội qua khe Khặng vượt dòng sông Giăng đến lớp. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn 555 thường cõng Thắng qua con khe vượt dòng sông dữ đến trường vào những ngày mưa, lũ. Và trước hình ảnh người dân bản còn nghèo khó nên tốt nghiệp THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, Thắng đăng ký vào ngành nông - lâm Trường ĐH Huế.

Thắng cho biết: “Với đề án bảo tồn và phát triển tộc người thiểu số Đan Lai, sắp tới hơn 146 hộ dân sinh sống trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát được chuyển sang khu tái định cư xã Thạch Ngàn, mình sẽ xung phong trực tiếp đến hướng dẫn bà con cách canh tác nông nghiệp ở bản làng mới”. 

Là nữ sinh đầu tiên của dân tộc Đan Lai bước chân vào giảng đường đại học, Thắng luôn cố “nuốt” kiến thức để lúc tốt nghiệp xin về chuyển giao kỹ thuật cho dân bản.

Năm 2002, ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Huế, Thắng đến UBND huyện Con Cuông đề xuất không làm công việc văn phòng mà xin làm công việc khuyến nông cho người dân trong huyện. Ngay ngày đầu đi làm, Thắng đến khu tái định cư của dân tộc Đan Lai ở bản Tân Sơn và Cửa Rào, xã Môn Sơn (vừa được chuyển ra từ vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát) tuyên truyền, hướng dẫn người dân mô hình trồng lúa, khoai, mía...

Những buổi Thắng xuống cơ sở cũng là lúc về với cội nguồn để cảm thông, chia sẻ thiệt thòi, tận tình truyền kiến thức cây trồng vật nuôi cho bà con. “Góp ý bà con từ bỏ những tập tục lạc hậu thì không dễ, nhất là người Đan Lai, vì kiến thức khoa học của dân bản vùng sâu, vùng xa nơi đây chưa cao. Mình cứ “mưa dầm thấm lâu”, bám dân, bám bản, xăn quần lội xuống ruộng, lên nương cùng sản xuất, tận tình từng li từng tí bà con mới hiểu. Rồi phải hiểu tập tục từng vùng, tùy từng người có lúc mình dùng ngôn ngữ Đan Lai, có khi tiếng Thái, tiếng Kinh để tuyên truyền” - Thắng nói.

Sau bốn năm lăn lộn cùng dân bản thuộc 12 xã của huyện Con Cuông, Thắng đã hướng dẫn thành công, giúp hơn 15 gia đình thoát đói nghèo, hiện nay thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Hiện chị đang tiếp tục chỉ đạo ba mô hình điểm trên địa bàn ba xã (Lục Dạ, Môn Sơn, Yên Khê) về ươm nuôi cá hương, mô hình vườn - ao - chuồng -trại của huyện Con Cuông.

Chiều chủ nhật, từ bản Pha chị Thắng vội vượt 20km đường rừng về với chồng con (xã Môn Sơn). Sáng thứ hai, chị lại tất bật đặt chân đến xã Lục Dạ tiếp tục công việc thường ngày...


Theo Đắc Lam (Tuổi Trẻ)