Theo đó, mỗi huyện được hỗ trợ 2 tấn gạo (riêng huyện Thanh Chương là 2,8 tấn) và 1.800 hộp sữa. Nguồn hỗ trợ được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thông qua kêu gọi của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn Nghệ An và Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Ngoài trao gạo và sữa cho đại diện các huyện để chuyển đến các đối tượng cần hỗ trợ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đoàn công tác của tỉnh cũng đã trực tiếp trao tận tay một số hộ nghèo đặc biệt khó khăn.
Như vậy, tính đến thời điểm này, sau 12 ngày (từ ngày 17/4) bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, hưởng ứng sự kêu gọi của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã có nhiều tổ chức, cá nhân bằng tinh thần tương thân, tương ái, đóng góp hỗ trợ cho những người khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với tổng 120 tấn gạo.
Trên cơ sở nguồn gạo được tiếp nhận, theo ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã kịp thời phân bổ về các huyện, thành, thị xã để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng, trước mắt là ưu tiên các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giáo viên hợp đồng các trường tư thục và hợp đồng nấu ăn bán trú tại các trường học.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng lưu ý các địa phương cần rà soát lại và cập nhật danh sách những người thật sự cần hỗ trợ; đặc biệt là giáo viên hợp đồng các trường tư thục và hợp đồng nấu ăn bán trú tại các trường học mặc dù bị tạm ngừng làm việc và không có thu nhập, tuy nhiên gia đình thuộc diện khá giả thì cần nhường sự hỗ trợ đó cho những người khó khăn hơn mình.
Các nhóm đối tượng được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ kêu gọi để hỗ trợ, bao gồm những người lao động tự do, công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã; người lao động trong các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; giáo viên hợp đồng tại các trường tư thục, hợp đồng nấu ăn bán trú tại các trường học; các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau bệnh tật, người khuyết tật…