Bảo vệ đường dây thông tin liên lạc xuất sắc
Sinh ra tại thôn Bắc Yên (xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), từ nhỏ Nguyễn Toản sớm chứng kiến sự mất mát đau thương của gia đình, quê hương do chính sách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến gây ra. Từ đó, ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng.
Từ năm 1945 đến 1950, Nguyễn Toản làm trưởng đoàn thanh niên cứu quốc, tự vệ thôn, thôn trưởng của thôn, tham gia trung đội du kích, tổ trưởng trinh sát của xã, xã đội phó kiêm trung đội trưởng du kích bán tập trung của xã, rồi xã đội trưởng. Năm 1950, ông là xã đội trưởng được cử đem dân công đi phục vụ chiến dịch Hòa Bình cho đến khi chiến dịch kết thúc thắng lợi.
Năm 1951, ông được điều lên làm giao thông viên của Ty Bưu điện Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ liên lạc từ Yên Thành đến Đô Lương với chiều dài 38 km nơi địch thường xuyên dùng máy bay bắn phá. Nhờ nhân dân địa phương, ông tìm ra con đường tắt xuyên qua núi, các cánh đồng và làng mạc. Không những có thể đi ban ngày dễ dàng mà còn ngắn hơn đường trước đây một nửa, kịp sáng đi tối về, rồi phổ biến cho anh em.
Đến năm 1953, Nguyễn Toản được chuyển sang làm điện tuyến viên, tham gia Ban Chấp hành Công đoàn, chi ủy viên Bưu điện Nghệ An. Tháng 2/1953, ông được Ty phái sang phối hợp với Đại đoàn 304, hướng dẫn điện tuyến viên và 80 dân công bắt đường dây phục vụ chiến dịch Thượng Lào với nhiệm vụ cấp bách là: đặt xong 200km dây trong 20 ngày, xuyên qua núi rừng sâu, qua 60 con suối, 40 cây cầu….
Trước tình hình đó, ông giải thích rõ yêu cầu của mặt trận, bàn bạc kế hoạch thực hiện và phân công thành 4 tổ, mỗi tổ 2 điện tuyến viên hướng dẫn 20 dân công làm phụ trách 50 cây số và giao ước thi đua với nhau. Nguyễn Toản chịu trách nhiệm đoạn khó khăn nhất, có nhiều suối, rừng rậm, chịu trách nhiệm liên lạc, theo dõi giúp đỡ các nhóm khác.
Trong lúc cấp bách, Ty không cấp kịp sứ để cách điện, chờ thì không kịp mà bắt dây không có sứ thì không liên lạc được. Ông cũng nghĩ ra cách lấy nứa khô thay thế sứ để cách điện, rồi đem phổ biến cho các tổ khác; đường dây hoàn thành trước 3 ngày, chất lượng được đảm bảo và tiết kiệm được 1.500 miếng sứ.
Việc bảo vệ đường dây để liên lạc luôn luôn thông suốt trong cả thời gian chiến dịch kéo dài 5 tháng trời là một việc gay go, nguy hiểm. Tiếng súng của chiến dịch bắt đầu nổ thì máy bay địch liên tục bắn phá dữ dội nhất là những đoạn qua cầu, phà, có ngày đến 5-6 lần. Yêu cầu chỉ đạo từng giờ, từng phút của mặt trận, hễ dây đứt là lập tức phải nối ngay. Ông nghĩ ra cách, một mặt đặt 5 đoạn đường dự bị qua 5 cầu xung yếu như qua khe Choang, khe Kiền…
Hễ dây đứt là dùng ngay đoạn đường dự bị đó và phân công từng đồng chí phụ trách một chặng đường. Ông lần lượt xuống các xã dọc đường dây giải thích tác dụng của đường điện, tổ chức được 22 tổ bảo vệ, hướng dẫn cách bảo vệ, cách nối dây. Khoảng đường dây qua cầu Khe Na dài 420 mét, một bên thì núi, dưới thì nước sâu, lại ở vào giữa trung tuyến và tiền tuyến nên địch ném bom nổ chậm, bắn phá liên tiếp. Nguyễn Toản đề nghị bản thân mình chịu trách nhiệm giữ quãng dây này.
Hàng ngày, ông chuẩn bị sẵn dây và dụng cụ, cứ 5 giờ sáng là ra nắp hầm gần cầu, mỗi lần đường dây bị đứt do máy bay địch bắn phá lại được ông nối lại kịp thời phục vụ chiến dịch. Đến tháng 4/1953, mặt trận mở rộng, chủ trương đặt thêm 200 cây số dây sắt. Nguyễn Toản đề nghị tổ chức đường thư hỏa tốc lợi hơn và được đồng ý. Ông đã tổ chức thành 7 trạm, bố trí hành trình và phân công cụ thể, riêng ông phụ trách quãng đường 70 km nhiều dốc nhất. Ông đã chất nứa làm bè thay thuyền gỗ để qua các suối vừa nhanh, vừa chở được nhiều người, rồi phổ biến cho các trạm khác nên đường hỏa tốc từ 2 ngày rút xuống 1 ngày rưỡi.
Được Bác Hồ tặng nhẫn
Năm 1954, hòa bình lập lại, nhiệm vụ của người điện tuyến viên trên phương châm tự lực cánh sinh, phải ra sức xây dựng các mạng lưới, nâng cao chất lượng đường dây để phục vụ kịp thời, mọi mặt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, mở rộng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Được giao nhiệm vụ hỗ trợ đặt đường điện cho đoàn 4 tại Cửa Lò, Nguyễn Toản nghiên cứu đề xuất bắt một đường dây đi tắt qua núi, dựa vào cây, sử dụng hết 2 cột gỗ, rút ngắn được 1 cây số, giảm thời gian được 2 ngày, đồng thời tiết kiệm được 20 dân công, 200.000 đồng, đường dây liên lạc tốt.
Tháng 10/1956, Nguyễn Toản được phân công bắt đường điện cho đoàn 5 (Nghĩa Đàn) dài 35 cây số, hạn đúng 7 ngày, nhờ lao động sáng tạo mà hoàn thành trong 4 ngày. Cuối năm 1956, Nguyễn Toản được yêu cầu đặt cấp tốc trong 7 ngày 22 cây số dây về 3 xã Hưng Tân, Hưng Tây, Hưng Trung (Hưng Nguyên). Chỉ trong 3 ngày, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, kỹ thuật bảo đảm, tiết kiệm được 100 cột tre giá 17.600 đồng, rút ngắn được một nửa cây số dây, lợi được 28 nhân công. Trong khi làm đường điện, ông luôn trăn trở để góp phần vào việc làm cho ngành Bưu điện kinh doanh có lãi, tiết kiệm được công quỹ của Chính phủ và nhân dân như: Khi đại tu đường Đô Lương - Thanh Chương, theo kế hoạch phải mua 400 cây mét hết 350.000 đồng, ông nhận thấy cột mét chỉ được 6 tháng, nên đề nghị Ty và hướng dẫn anh em vào làng mua tre, vừa nhanh hơn vừa tiết kiệm được 400.000 đồng. Chỉ tính riêng 1957, ông đã giúp cho đơn vị tiết kiệm tổng cộng được 800.000 đồng.
Với sự tận tụy, sáng tạo, tại đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua Công - Nông - Binh toàn quốc lần thứ 2 năm 1958, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì “Đã có thành tích nêu gương dũng cảm, lao động sản xuất trong phong trào thi đua yêu nước trong 3 năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa”. Cũng trong dịp này, ông được gặp Bác Hồ và được Người tặng chiếc nhẫn. Qua các thời kỳ từ thời chiến tranh đến ngày thống nhất đất nước có 7 cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Anh hùng Lao động, trong đó Nguyễn Toản là người đầu tiên của ngành Bưu điện được nhận danh hiệu cao quý này.
Năm 1977, ông nghỉ hưu theo chế độ sau 27 năm 6 tháng công tác liên tục, Nguyễn Toản vẫn tiên phong, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương và được sự tín nhiệm rất cao cho tới khi ông mất vào năm 2000.