"Tôi cực kỳ chán ghét những gì đang xảy ra", người biểu tình Maya Dunn, 66 tuổi, nói. Bà cho rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã "chà đạp lên tất cả mọi người" và "hoàn toàn không đáng tin cậy".
Những người tổ chức biểu tình nói rằng 100.000 người đã xuống đường ở London. Biểu tình cũng diễn ra ở khoảng 10 thành phố khác như Exeter, Oxford, Manchester, York và Newcastle. Những người tham gia giơ những biểu ngữ ủng hộ dân chủ, cờ Liên minh châu Âu (EU), đánh trống và thổi còi, hô to các khẩu hiệu chỉ trích Johnson.
Thủ tướng Anh đình chỉ quốc hội từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10. Thông thường, kỳ họp quốc hội Anh mùa thu bắt đầu từ ngày 14/9 và kéo dài đến ngày 2/10. Tuy nhiên, động thái của Johnson làm ngày họp bị lùi lại, khiến các nghị sĩ chỉ có khoảng hai tuần để thông qua bất kỳ luật nào nhằm ngăn Anh rời EU (thường gọi là Brexit) vào đúng hạn là ngày 31/10.
Johnson muốn Anh rời EU vào đúng ngày cuối cùng của tháng 10 dù có hay không thỏa thuận. Các đối thủ của Johnson lập luận rằng chính sách của ông có thể khiến Anh rời EU mà không có thỏa thuận quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ Anh - EU hậu Brexit, như giao dịch thương mại hay quyền của công dân Anh ở EU. Điều này đặt ra nguy cơ chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.
Các đối thủ của Johnson dự kiến đưa quyết định của Johnson ra tòa để ngăn chặn động thái của ông. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn dọa tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm Johnson. Trong khi đó, Thủ tướng Anh nói rằng nỗ lực ngăn cản hoặc trì hoãn Brexit sẽ làm xói mòn niềm tin của người dân vào chính trị.
Các nhà đàm phán Brexit của Anh sẽ gặp các đối tác EU hai lần một tuần trong suốt tháng 9. Johnson nói rằng ông muốn "đẩy nhanh tiến độ" các cuộc đàm phán để hai bên thỏa hiệp được với nhau.