(Baonghean) - Từ lâu, vùng đất Yên Xuân (xã Lĩnh Sơn - Anh Sơn) được ví là nơi ươm mầm những “hạt giống đỏ”. Bởi lẽ, từ những năm 1920 của thế kỷ trước, nhiều thanh niên của vùng quê này đã được giác ngộ lý tưởng, sau này trở thành hạt nhân của các phong trào cách mạng. Ngày nay, trở về Lĩnh Sơn, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống yên bình và phơi phới sức xuân như tên gọi “Yên Xuân” ngày trước...
Ngược Quốc lộ 7A, qua địa bàn xã Nam Sơn (Đô Lương), hành khách sẽ đặt chân đến địa bàn xã Lĩnh Sơn, nơi có thứ đặc sản chè gay nổi tiếng. Mùa này, cánh đồng lúa đương thì con gái phủ một sắc xanh ngút ngàn, từng đợt sóng lúa đuổi nhau càng gợi lên một sức sống dạt dào. Khắp làng trên xóm dưới, bà con nông dân cùng các loại xe cộ, máy móc đang hối hả xây dựng đường giao thông nông thôn, một tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dù đang khá bận rộn, Bí thư Đảng ủy Cao Xuân Đáo vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi. Anh hồ hởi: “Về Lĩnh Sơn, trước tiên phải ghé thăm Hiệu Yên Xuân- di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận từ năm 1988”. Theo chân anh Đáo, chúng tôi đến một ngôi nhà gỗ 2 tầng đã nhuốm “màu thời gian” nằm giữa làng Dương Xuân. Trong nhà trưng bày loạt ảnh đen trắng cũng phủ đầy “màu thời gian”, đó là chân dung các chiến sỹ cộng sản từng hoạt động trên mảnh đất này. Trong tiếc tủ kính đặt chiếc tráp bằng gỗ và con dao thái thuốc Bắc. Bên cạnh tủ kính là một chiếc máy khâu đã cũ kỹ. Qua những tư liệu và hiện vật đang được lưu giữ tại đây, chúng tôi được biết di tích Hiệu Yên Xuân là địa điểm thành lập và hoạt động của nhóm Tâm giao, rồi Ái hữu và sau này là Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của huyện Anh Sơn.
Những tư liệu ấy đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian, trở về cách đây gần 1 thế kỷ. Trong những năm tháng rên xiết dưới gông cùm nô lệ của chế độ thực dân – phong kiến, ngay từ năm 1922, ở Yên Xuân có một số người sớm giác ngộ và có tư tưởng đấu tranh chống lại bọn cường hào và quyết định cùng nhau thành lập nhóm “Tâm giao” gồm những thanh niên trai trẻ, có học thức, giàu lòng yêu nước. Họ là Văn Bắc, Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất, Cao Xuân Ủy, Phan Hoàng Thiềm...
Họ tập hợp nhau lại để tính kế xây dựng lực lượng để cùng cả tỉnh, cả nước đánh đuổi xâm lăng và vận động con em xuất dương du học để trở về phụng sự quê hương, đất nước. Nhóm Tâm giao thống nhất mở hiệu thuốc Bắc tại nhà ông Phan Hoàng Thân (do ông Hoàng Khắc Bạt chủ trì) nhằm mục đích vừa chữa trị bệnh cho dân nghèo, vừa gây dựng nguồn quỹ để hoạt động. Để có thêm nguồn kinh phí, các thành viên nhóm Tâm giao quyết định góp ruộng cày chung.
Khi đã gây dựng được một ít quỹ, nhóm tổ chức dựng một ngôi nhà tranh ở vườn cố Quế Thà để bốc thuốc Bắc và bán hàng tạp hóa. Nhờ làm ăn theo phương châm “mua ngay, bán thật” nên người dân đến bốc thuốc, mua hàng ngày càng đông, cửa hiệu ngày càng phát đạt. Ngoài việc giao dịch, mua bán, cửa hàng còn trở thành nơi đàm đạo về thời cuộc, qua đó vận động, giác ngộ tinh thần đấu tranh cho các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, thành viên nhóm “Tâm giao” ngày một tăng lên, từ con số ban đầu chỉ 5-6 người, đến năm 1925 lên tới 42 người và chính thức đổi tên thành Hội Ái hữu.
Lúc này, nhờ có nguồn quỹ đã khá lớn, số hội viên lại đông nên Hội Ái hữu quyết định bí mật mua ngôi nhà 2 tầng bằng gỗ của một quan chức ngành kiểm lâm tại vùng Lãng Điền (nay là xã Đức Sơn). Ngôi nhà được dựng tại khu vực trung tâm làng Dương Xuân và được gia công, tô điểm thêm 6 hình vân ở hai đầu hồi, thượng đỉnh và 4 mái trước hàng hiên tầng trên được đắp nổi 3 hình vạn thiên. Nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà được bố trí đôi vế câu đối: “Bán mật bán đường không bán nước/ Buôn ngàn buôn vạn chẳng buôn quan”.
Sau khi xây dựng xong, ngôi nhà được các hội viên nhất trí đặt tên là Hiệu Yên Xuân, bởi phần lớn hội viên là người của hai làng Dương Xuân và Yên Lĩnh. Bên ngoài là một cửa hiệu kinh doanh thuốc Bắc và các mặt hàng thiết yếu, bên trong của Hiệu Yên Xuân là nơi tuyên truyền, giác ngộ và giáo dục tư tưởng yêu nước, nuôi dưỡng nguồn cán bộ cho cách mạng, đồng thời là địa điểm liên lạc của các phong trào đấu tranh cách mạng trong vùng.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển thêm nguồn quỹ và mở rộng địa bàn hoạt động, Hội Ái hữu còn mở mang thêm các hoạt động kinh doanh, sản xuất như dệt vải, may mặc, buôn chè, khai hoang đất đai. Nhận thấy Hiệu Yên Xuân có thể xây dựng thành một cơ sở cách mạng quan trọng, đồng chí Dương Đình Thúy - một cán bộ của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đã tìm về đây gặp gỡ, trao đổi với các hội viên và chuyển Hội Ái hữu thành chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Phan Thái Ất làm Bí thư.
Mặc dù luôn bị bọn mật thám nhòm ngó, theo dõi một cách ráo riết nhưng tại Hiệu Yên Xuân, các thành viên vẫn tiếp nhận và in ấn, phổ biến được các tài liệu về chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và cả những bài báo, bài hát, bài thơ có nội dung tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Và để thu phục quần chúng nhân dân, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã đẩy mạnh việc chỉnh đốn thuần phong mỹ tục, vận động mọi người tham gia khai mương, sửa sang đường sá, dựng lại cổng làng, tuyên truyền bài trừ mê tín dị đoan. Việc làm này được nhân dân trong vùng ca ngợi và hưởng ứng một cách tích cực.
Đến tháng 9/1929, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Yên Xuân được chuyển thành chi bộ của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây chính là chi bộ đảng đầu tiên ở Anh Sơn, đồng thời cũng là một trong những chi bộ đầu tiên được thành lập ở vùng nông thôn Nghệ An. Các đảng viên trong chi bộ được phân công đi rải truyền đơn, tuyên truyền đường lối cách mạng khắp các địa bàn trong tỉnh và một số tỉnh bạn như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, thậm chí vào đến các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên.
Những hoạt động của chi bộ được đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Trung ương Ủy viên phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ ghi nhận và đánh giá cao. Trên cơ sở hoạt động của các đảng viên Chi bộ Yên Xuân, theo phương châm “vết dầu loang”, phong trào cách mạng đã lan ra khắp vùng và các vùng lân cận. Thêm nhiều chi bộ ở Anh Sơn được thành lập như: Dương Long, Đa Thọ, Long Điền, Tri Lễ, Yên Lương, Lạng Điền, Khả Phong, Nhân Hậu, Thuận Trung... và cả nhiều chi bộ ở các địa phương khác như Hạnh Lâm (Thanh Chương), Truông Kè (Yên Thành), Hoàng Trường (Diễn Châu).
Sự lớn mạnh và phát triển của chi bộ Yên Xuân đã trở thành nòng cốt của phong trào cách mạng trong toàn vùng. Và sau này, khi các tổ chức Đảng hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ Yên Xuân vẫn là trụ cột vững chắc của các phong trào cách mạng, đặc biệt là cao trào 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Bí thư Cao Xuân Đáo cho biết: “Ngày nay, Hiệu Yên Xuân vẫn là nơi sinh hoạt của Chi bộ thôn 6 (làng Dương Xuân xưa). Được sinh hoạt tại di tích lịch sử này, các đảng viên sẽ được tiếp nhận sức mạnh của truyền thống, từ đó xây dựng tinh thần, ý chí để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Và từ hàng chục năm nay, Hiệu Yên Xuân trở thành điểm đến của các em học sinh xã Lĩnh Sơn và toàn huyện Anh Sơn. Đến đây, tâm hồn các em sẽ được bồi đắp thêm niềm tự về truyền thống, tinh thần đấu tranh cách mạng của cha ông, để mạch nguồn lịch sử- văn hóa ấy không bao giờ vơi cạn.
Rời Hiệu Yên Xuân, xuôi theo trục đường bê tông, chúng tôi đến thăm đình Phú Lĩnh, một trong những địa điểm tập hợp quần chúng cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) và tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945). Trải qua bao mưa nắng thời gian và chiến tranh ác liệt, đình Phú Lĩnh vẫn còn giữ được nhiều nét xưa. Từ cổng đình đến cột, kèo và hoa văn chạm khắc đều toát lên một vẻ đẹp cổ kính. Bên cổng đình là cây bàng cổ thụ xanh mượt màu lá, phía trước là ruộng lúa xanh mơn mởn, phía sau là làng mạc yên vui càng tô đậm thêm nét cổ kính, thanh bình của một vùng quê.
Đình Phú Lĩnh giờ đây trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động cộng đồng của bà con xóm 9- xã Lĩnh Sơn. Ngôi đình tiếp tục chứng kiến bao niềm vui, nỗi buồn và cuộc sống thăng trầm của những người nông dân chất phác, một nắng hai sương đang vươn lên trong thời kỳ đổi mới. Điều đáng quý là đình Phú Lĩnh thường xuyên được người dân bảo vệ và trùng tu, tôn tạo nên không bị hư hỏng, xuống cấp như nhiều ngôi đình khác.
Nét thanh bình và cổ kính tại đình Phú Lĩnh (xã Lĩnh Sơn - Anh Sơn).
Được tiếp nối mạch nguồn truyền thống của quê hương nên từ bao đời nay, người dân Yên Xuân xưa, Lĩnh Sơn nay luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh cách mạng và xây dựng cuộc sống mới. Mảnh đất này đã sinh ra cho đất nước 3 vị tướng tài, góp phần chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, quê hương. Đó là Thiếu tướng Cao Xuân Khuông - Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, người đã từng vào sinh ra tử trong chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị (1972); Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Trinh sát, Bộ đội biên phòng; Thiếu tướng Phạm Văn Thạch - nguyên Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an. Lĩnh Sơn còn được biết đến là một vùng đất học của huyện Anh Sơn.
Dù là một xã thuần nông nhưng người dân nơi đây luôn có ý thức chăm lo sự học cho con em nên chất lượng giáo dục của xã luôn đứng ở tốp đầu toàn huyện. Riêng năm 2012, toàn xã có hơn 60 em thi đậu vào các trường đại học - cao đẳng trên toàn quốc, 27 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, 276 em học sinh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, năm 2003 có em Nguyễn Trọng Khiêm được tham gia vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán của tỉnh, năm 2004 có em Nguyễn Sỹ Sửu thi đỗ thủ khoa với số điểm tối đa 30/30.
Mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Lĩnh Sơn
(Anh Sơn).
Lĩnh Sơn hôm nay đang từng bước chuyển mình để trở thành xã kiểu mẫu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Ruộng đất đã được dồn điền đổi thửa, làng xóm đã được chỉnh trang, trường học đã được xây dựng khang trang, đường đi lối lại và kênh mương nội đồng đã được bê tông hóa... Cuộc sống đang đổi thay từng ngày. Quê hương Yên Xuân xưa giờ ngút ngàn sắc xanh. Màu xanh của làng mạc, đồng lúa, bãi ngô, núi đồi và dòng sông Lam uốn lượn - tất cả dệt nên một khung cảnh thanh bình và no ấm, xứng đáng là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.