(Baonghean) - Mỗi giờ trên biển phải đối diện với sóng to, gió lớn và rất nhiều những thử thách, hiểm nguy, song ngư dân Nghệ An vẫn kiên cường bám biển, chuyển đổi phương thức khai thác, tăng giá trị kinh tế; vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Một ngày cuối năm, chiếc tàu vỏ gỗ công suất máy 822 CV của ông Phan Văn Hải ở xóm Hợp Tiến, xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cập cảng với ăm ắp cá, tôm. Đây là một trong những con tàu “khủng” thường xuyên cập cảng Lạch Cờn.

Ông Hải cho biết, con tàu dài hơn 25 m, rộng 7,3 m, được đóng mới đầu năm 2017 theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67/CP. Từ ngày có tàu to, máy lớn, ông cùng với các thủy thủ trên tàu yên tâm vươn khơi xa, khai thác được nhiều hải sản có giá trị. 

16 tuổi, ông Phan Văn Hải đã cùng gia đình lênh đênh trên biển cùng con tàu 40 CV khai thác hải sản vùng bờ. Để vững vàng với nghề, ông Hải đầu tư nâng cấp công suất tàu. Đến hôm nay, ông có trong tay một lúc 2 con tàu “khủng”, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong đó 1 tàu dịch vụ hậu cần công suất máy 720 CV, 1 tàu đánh bắt hải sản nghề lưới vây vùng biển xa công suất máy 822 CV. Chiếc tàu mới đóng theo Nghị định 67 có 5 khoang chứa hải sản, được ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản hải sản...

1514122057185.jpgCác đội tàu cá ở Nghệ An ngày càng được tăng cường thêm nhiều tàu to, máy lớn. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hải bộc bạch: Cái nghề bám biển này cần phải có thuyền to, máy lớn để chống chọi với thiên tai, và để đánh bắt những loại hải sản có giá trị. Hơn thế, các thủy thủ cùng con tàu còn là “cột mốc sống” trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân chúng tôi luôn xác định "Biển là nhà, ngư trường là quê hương". 

Cũng với tâm thế đó, ngư dân Lê Hội Đức ở xóm Lam Sơn, xã Quỳnh Lập - thuyền trưởng tàu cá NA98288 TS liên tục vươn khơi bám biển. Thuyền trưởng Lê Hội Đức chia sẻ: “Ngày được sở hữu con thuyền 90 CV thực sự là một “dấu ấn” đối với mình. Nhưng rồi, nghề biển không thể giẫm chân tại chỗ, cần phải nâng công suất để vươn khơi, làm giàu”.

Chí thú làm ăn, vợ chồng anh tích góp, vay thêm vốn ngân hàng, liên tục nâng cấp công suất tàu cá. Cho đến năm 2015, anh sở hữu tàu cá công suất 822 CV, trị giá 11,1 tỷ đồng. Anh Đức khẳng định: Để đánh bắt hải sản có hiệu quả, cần nhiều yếu tố: Quen với ngư trường, kinh nghiệm đánh bắt… và phương tiện phải hiện đại, cùng kinh nghiệm tích lũy sau mỗi chuyến biển. Chính vì vậy, trở về sau những chuyến vươn khơi, tàu của anh Đức luôn có sản lượng đánh bắt cao.

Thuyền trưởng Phan Văn Hải (xã Quỳnh Lập - thị xã Hoàng Mai) điều khiển tàu cá trong một chuyến vươn khơi. Ảnh: Xuân Hoàng

Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập – ông Lê Bá Vân tự hào: Địa phương có nghề khai thác hải sản từ lâu đời nên ngư dân ở đây tích lũy được nhiều kinh nghiệm đi biển. Đặc biệt, ngư dân trong xã mạnh dạn đầu tư thuyền to máy lớn vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chỉ tính riêng tàu theo Nghị định 67/CP đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ, xã có 33 tàu/tổng số 100 tàu của cả tỉnh.  Hiện đã có 31 tàu theo Nghị định 67 đang đóng và hạ thủy, đưa vào khai thác.

Điều đáng tự hào, toàn xã hiện có 200 tàu cá thì có 146 tàu đánh bắt xa bờ. Xã Quỳnh Lập cũng là địa phương có số tàu tham gia đánh bắt hải sản vùng biển xa nhiều nhất tỉnh. Ngư dân nơi đây chủ yếu khai thác hải sản bằng các nghề: chụp bốn sào, lưới vây, lưới rê xù sưa... và dịch vụ hậu cần trên biển. Đây là những nghề đánh bắt cá tầng giữa và tầng trên, có giá trị kinh tế cao. 

Nhìn chung trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư phương tiện đánh bắt hải sản hiệu quả. Từ việc sắm thuyền to, máy lớn vươn khơi xa, sản lượng hải sản đánh bắt năm sau cao hơn năm trước, giá trị kinh tế cũng nâng lên rõ rệt.

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản, tổng số tàu thuyền của cả tỉnh có chiều hướng giảm, nhưng số tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ tăng lên theo từng năm. Nhất là sau khi thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, với nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, cùng chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều ngư dân đã yên tâm bám biển, nâng cao giá trị hải sản. 

Tập nập bến cá lạch Quèn. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Nguyễn Chí Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Điều đáng mừng là hiện nay, ở các địa phương có nhiều ngư dân trẻ với tinh thần học hỏi, kiên cường bám biển. Nhiều ngư dân đóng những chiếc tàu vỏ thép trị giá 17 - 18 tỷ đồng vừa khai thác thủy sản vừa là tàu hậu cần nghề cá, phát huy công năng sử dụng trên biển.

Vì thế, sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh ngày càng cao. Bám trụ với nghề biển từ xưa đã khó, nay cũng gặp không ít hiểm nguy. Mỗi chuyến đi biển được ví như một lần “xuất trận”, đối đầu với bất trắc của thiên tai và cả những quấy phá của các thế lực nước ngoài “ngó nghiêng” vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nghệ An hiện có hơn 3.900 chiếc tàu thuyền đánh cá, trong đó có khoảng 1.350 chiếc công suất máy trên 90 CV chuyên đánh bắt xa bờ. Nghề đánh bắt hải sản đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động trong tỉnh. Tổng giá trị khai thác 11 tháng 2017 đạt gần 3.000 tỷ đồng. Dự tính, tổng sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Nghệ An năm 2017 đạt khoảng 130 nghìn tấn. 

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN