Mới đây nhất, tháng 5/2019, thuyền trưởng Nguyễn Công Lưu ở xã Tiến Thủy đã thuê lại tàu cá vỏ sắt có công suất máy hơn 830 CV của ngư dân tỉnh Thái Bình làm nghề chụp 4 sào về cảng Lạch Quèn để bảo dưỡng, cải hoán một số chi tiết, thiết bị và vươn khơi khai thác.
Đến nay, sau hơn 3 tháng sử dụng tàu vỏ sắt đi khai thác vùng biển Vịnh Bắc Bộ, chuyến nào cũng mang lại hiệu quả; tàu về bờ, hải sản được vận chuyển xuống bến xuất bán, sau khi trừ chi phí, thuyền trưởng Nguyễn Công Lưu thu về 20 triệu đồng, còn các thuyền viên trên 10 triệu đồng mỗi tháng.
“Sử dụng con tàu vỏ sắt để đánh bắt hải sản, nó hiện đại, rộng rãi, bền bỉ và đặc biệt là an toàn trước sóng to, gió lớn ngoài khơi. Sau khi nhận về, chúng tôi đều thay thế, nâng cấp thêm thiết bị đánh bắt. Như con tàu này, trước đây họ sử dụng chỉ 100 bóng điện nhưng hiện nay, chúng tôi đã lắp lên 300 bóng cao áp mới đáp ứng yêu cầu, thu hút con mồi vào ban đêm”, ngư dân Trần Công Lưu chia sẻ.
Ngoài chiếc tàu vỏ sắt do thuyền trưởng Nguyễn Công Lưu thuê thì trong thời gian này, có 4 ngư dân của xã Tiến Thủy cũng đang sử dụng tàu đóng theo NĐ 67 được thuê từ các địa phương khác về để khai thác, trong đó ngư dân Hồ Văn Nghĩa và Hoàng Văn Chỉnh thuê tàu vỏ sắt ở tỉnh Thanh Hóa; ngư dân Nguyễn Văn Hải thuê tàu ở Hà Tĩnh và ngư dân Hồ Văn Mạnh thuê tàu vỏ sắt ở tỉnh Thái Bình.
Trong số 5 tàu vỏ sắt được ngư dân Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) thuê thì có 3 chiếc đã vươn khơi khai thác hiệu quả, 2 chiếc còn lại đang tập trung sửa chữa, chuyển đổi để phù hợp với nghề 4 sào ở địa phương.
Theo các ngư dân chia sẻ, nhiều còn tàu vỏ sắt được thuê lại trước đây đều là những con tàu hoạt động không hiệu quả nên phải nằm bờ liên tục. Tuy nhiên, sau khi ngư dân Quỳnh Lưu nhận thuê lại, họ đã biết cách phát huy khả năng của con tàu hiện đại để khai thác có hiệu quả. Bình quân mỗi tháng đi biển, tàu nào cũng đạt từ 500 - 700 triệu đồng; sau khi trừ các khoản chi phí, ngư dân thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng/tháng; trong khi đó chủ các phương tiện này có thêm khoản tiền để trả nợ ngân hàng mà lâu nay họ đang phải “gánh”.
Theo thống kê từ phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, thực hiện Nghị định 67 của chính phủ và Quyết định 87 của UBND tỉnh Nghệ An về đóng mới tàu cá, huyện đã triển khai thực hiện được 52 dự án, 40 dự án đã được ngân hàng ký hợp đồng, gồm 36 tàu vỏ gỗ và 4 tàu vỏ sắt và đã giải ngân được gần 284 tỷ đồng.
Ngoài 40 tàu được đóng theo NĐ 67 của Chính phủ, từ năm 2018 đến nay, ngư dân các xã Tiến Thủy, Quỳnh Long đã nhận thuê thêm 8 tàu (7 vỏ sắt, 1vỏ gỗ) cũng đóng theo NĐ 67 từ một số địa phương khác về chuyển đổi để khai thác.
Trong đó, ngư dân đầu tiên ở Quỳnh Lưu đã mạnh dạn thuê tàu NĐ 67 là ông Trần Xuân Danh ở xã Quỳnh Long. Chiếc tàu vỏ sắt được thuê lại từ ngư dân huyện Diễn Châu và sau đó di chuyển về cảng lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận) để chuyển đổi sang nghề vây rút chì.
Từ khi đi khai thác đến nay, bình quân mỗi năm, thuyền trưởng Trần Xuân Danh thu lãi trên 200 triệu đồng. Sau đó, trên địa bàn xã có thêm 2 ngư dân là Trần Văn Thành và Hồ Văn Thương cũng nhận thuê tàu vỏ gỗ và vỏ sắt để khai thác; 2 con tàu này hiện đang được cải hoán, chuyển đổi nghề phù hợp với kinh nghiệm đánh bắt lâu nay của địa phương.
Với phương tiện đánh bắt hiện đại, ngư dân Quỳnh Lưu đã làm chủ được ngư trường nên sản lượng khai thác không ngừng tăng lên. Theo số liệu từ phòng NN&PTNT huyện, tính đến thời điểm này, sản lượng khai thác toàn huyện đạt 38.000 tấn/ kế hoạch 60.000 tấn; so với thời điểm năm 2018 tăng 5.000 tấn.
Đội tàu đóng theo NĐ 67 của Chính phủ được ngư dân Quỳnh Lưu thuê lại đều hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là những tàu vỏ sắt. Điều đó cho thấy ngư dân Quỳnh Lưu rất giàu kinh nghiệm trong vận hành và khai thác hải sản.