Là hộ dân có diện tích đất đồi lớn tại xóm 3, xã Cát Văn (Thanh Chương), trước đây gia đình ông Trần Công Hải rất lúng túng trong việc tổ chức sản xuất. Được sự tư vấn của một kỹ sư nông nghiệp ông đã mua 100 cây quýt giống PQ1 về trồng.
Được hướng dẫn kỹ thuật, ông Hải đã tiến hành đào hố trồng quýt với khoảng cách trồng 3m x 4m. Theo ông Hải, dù đất cằn cỗi nhưng giống quýt này phát triển nhanh, bệnh nhện đỏ, sâu vẽ bùa hại ở mức độ nhẹ, bệnh chảy gôm trên thân và hiện tượng vàng lá có tỷ lệ thấp, còn ruồi vàng chích hút cam hầu như không có...
Từ những gốc quýt đầu tiên, hiện tại trên vùng đất xóm 3 và nhiều thôn xóm khác ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương đã có 15 hộ làm theo với diện tích khoảng 7 ha.
Bà Nguyễn Thị Thảo ở liền kề nhà ông Hải trồng hơn 100 gốc cho hay: "Khi nhìn vùng đồi lổn nhổn đá tôi nghĩ sẽ không trồng được cây gì, thế mà học theo ông Hải trồng quýt PQ1, tôi đã có nguồn thu nhập đáng kể, vụ tới sẽ trồng hết diện tích”.
Thực ra thì cây quýt không có gì xa lạ với người dân Thanh Chương, trước đây nhiều địa phương ở các xã miền núi, các tổng đội TNXP đã tiến hành trồng quýt với các loại như quýt Javen, Cleopac... nhưng vì mua giống trôi nổi không có đơn vị tư vấn, không phù hợp với thổ nhưỡng nên nhanh chóng bị thoái hóa.
Trước kết quả trồng quýt PQ1 của người dân xã Cát Văn, ông Nguyễn Bá Quý – Chủ tịch Hội làm vườn huyện Thanh Chương cho biết: Đây là loại quýt ngon, chất lượng, người dân đang có xu hướng mở rộng diện tích, nhất là trên các vùng đất bạc màu tương tự như ở Cát Văn.