(Baonghean) - Từ thế giới "ảo" trên Internet, cách nói, cách viết "tuổi teen", "phá cách"... đã đi vào đời sống thực, vô tình trở thành thói quen trong giao tiếp, tạo nên thứ tiếng Việt xa lạ.
Loạn ngôn ngữ mạng
Ngôn ngữ mạng với những biến thể lạ lẫm, kỳ dị không còn xa lạ với phần đông người sử dụng Internet hiện nay. Lướt một vòng qua các diễn đàn, các trang thông tin dành cho giới trẻ hay trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Intasgram… dễ nhận thấy tiếng Việt được các bạn trẻ thay đổi vô tội vạ, từ cấu trúc câu đến lối sắp xếp chữ cái.
Những dòng trạng thái trên Facebook như: “Hum nAi chO?i đEpj coá ay mun đy chOji zỚi tuy hOng?” (Hôm nay trời đẹp có ai muốn đi chơi với tôi không?) lan nhanh như hiệu ứng dây chuyền. Giới trẻ nhanh chóng “sáng tạo” ra nó, nhiều thanh thiếu niên xem đó như là “phát minh”, một thứ ngôn ngữ riêng mà họ tự hào nói “ngôn ngữ 9X”.
Nhiều bạn trẻ ngoại ngữ bập bõm cũng không ngần ngại chêm lung tung vào trong câu nói, dòng viết tiếng Việt, hoặc ghép nghĩa của một số từ đơn tiếng Anh mà không cần quan tâm đến ngữ pháp, cấu trúc câu để thể hiện điều mình muốn nói. Ví dụ, trên mạng đang thịnh hình lối viết: no table - miễn bàn; lemon question - chanh + hỏi = chảnh; like afternoon - thích thì chiều… Người nước ngoài mà nghe và nhìn thấy cách viết, cách nói ấy thì cũng không thể hiểu được!
Rồi thì cả những cách viết tắt “bí ẩn” mà nếu không được các bạn trẻ tiết lộ thì không thể đoán được nó có nghĩa là gì. “Cmnr”, “cmnl”, “vcc”, “vk”, “ck”… hết sức lộn xộn! Thậm chí, có nhiều diễn đàn hoặc trang mạng xã hội có chức năng lọc những từ ngữ không lành mạnh như nói tục, chửi thề, từ liên quan đến tình dục… nên giới trẻ lại nghĩ ra nhiều lối viết để “lách”.
Ngôn ngữ mạng muôn hình vạn trạng được các bạn trẻ sử dụng nhiều đến nỗi thời gian gần đây, không ít người dùng Facebook đã phải lên tiếng bức xúc, cảnh báo, thậm chí từ chối trả lời, hoặc thẳng tay xoá những bình luận bằng thứ tiếng Việt không trong sáng như thế trên trang cá nhân của mình.
Từ thế giới “ảo”, ngôn ngữ mạng xâm nhập vào cả đời sống thực. Giờ, trong nhiều cuộc trò chuyện bạn bè bên bàn cà phê, giao tiếp trong gia đình hay thậm chí cả trong các cuộc hội họp, bàn luận công việc, người ta cũng vô tình hay cố ý sử dụng ngôn ngữ mạng một cách tự nhiên.
Chưa bàn đến tốt – xấu, đúng – sai, nhưng nhìn nhận ở khía cạnh ngôn ngữ thì rõ ràng đã có sự lai căng, nhiễu loạn, thiếu chuẩn mực, gây nên nhiều nguy cơ trong nói và viết tiếng Việt.
Sáng tạo hay phá hoại?
Ngôn ngữ mạng được xem là thứ ngôn ngữ thể hiện sự tự do cá nhân, bất tuân quy tắc, phi chính thức. Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã tổ chức điều tra về thái độ xã hội đối với ngôn ngữ mạng. Kết quả cho thấy, đối với việc sử dụng tiếng Việt của nhóm trẻ 9x trên diễn đàn, 6,6% số người được khảo sát trả lời "thích", cho rằng ngôn ngữ mạng có gì đó vui vui, tiện lợi và "sành điệu"; 51,2% trả lời "không thích", vì ngôn ngữ mạng khó hiểu, rối mắt và làm hỏng tiếng Việt; 42,2% trả lời "bình thường".
Đối với việc "trộn" tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, 6,6% trả lời "thích" vì thấy lạ, "sành điệu"; 52% trả lời "ghét", cho rằng cách sử dụng ngôn ngữ nói trên gây khó hiểu, làm hỏng tiếng Việt; 41,4% trả lời "bình thường". Từ kết quả này, có thể thấy đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều về ngôn ngữ mạng.
Tiến sỹ văn học Lê Thanh Nga - Giảng viên Trường Đại học Vinh cho rằng, ngôn ngữ cần hiểu như là một thứ “tài sản” toàn dân, luôn vận động và biến đổi, có lớp từ vựng, “ngữ pháp” tự nhiên mất đi, tự nhiên sinh ra như lý lẽ bình thường của tiến hóa. Điều đó cho thấy rằng, việc xuất hiện một lớp từ vựng, một cách diễn đạt mới chẳng qua là sự phản ánh nhu cầu nói một cái gì đó mới hơn, là biểu hiện của văn hóa.
Khi ngôn ngữ mạng, thậm chí là ngôn ngữ trên các ấn phẩm được xuất bản bởi các nhà xuất bản danh tiếng, mà tác giả là những cây viết, vẽ có ảnh hưởng như Hồ Anh Thái, Thành Phong… xuất hiện lối nói viết mới, lạ, “teen”, “phá cách” ngày càng tràn lan, phổ biến, thì vấn đề càng nên được xem xét một cách toàn diện hơn.
“Đừng nên đổ lỗi cho tuổi trẻ, cũng đừng nên chỉ thấy đấy là vấn đề của ngôn ngữ, mà hãy chú ý nhìn sâu hơn vào các trạng thái tinh thần của hiện thực đời sống, các trạng thái văn hóa hiện tồn tại. Ngôn ngữ không thể là kẻ phá bĩnh nếu không có sự tiếp tay của trạng thái kinh tế - văn hóa – xã hội! Vì sao xuất hiện nhu cầu được nói hay viết khác đi? Vì sao xuất hiện những kẻ phá bĩnh ngôn ngữ - mà những kẻ đó lại có thể tồn tại?”, Tiến sỹ Lê Thanh Nga đặt vấn đề.
Sử dụng ngôn ngữ mạng như “con dao hai lưỡi”, là ngôn ngữ cá nhân nhưng lại tồn tại trên mạng xã hội nên có sức lan tỏa rất lớn. Dùng nhiều sẽ thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản.
Trong ngôn ngữ mạng, câu không cần đúng ngữ pháp, chính tả, chỉ viết cực ngắn nên nếu sử dụng trong khoảng thời gian dài thì dần dần sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy. Nên chăng các nhà quản lý giáo dục - văn hoá, các chuyên gia nghiên cứu… sớm có khảo sát về mức độ sử dụng và tác động của ngôn ngữ mạng trong đời sống hiện nay…
Phước Anh