Chuẩn bị cho công việc tiếp quản Thủ đô trước ngày 10/10/1954, Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đã thành lập Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô với hơn 300 đội viên là học sinh cuối cấp trung học phổ thông trong các trường trung học kháng chiến thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn 300 đội viên này được chia thành 30 phân đội, di chuyển về Thủ đô Hà Nội làm 3 đợt: Ngày 6/10, ngày 8/10 và ngày 9/10/1954. Nhiệm vụ chính của họ là hỗ trợ quân đội tiếp quản những cơ sở được bàn giao lại; tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước ta, vạch trần những luận điệu phản tuyên truyền của địch; vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động sôi nổi đón bộ đội và Ban quân quản về tiếp quản Thủ đô.
Là người gốc Hà Nội, bác Lê Thị Túy (sinh năm 1936), khi đó vừa học hết phổ thông tại Trường trung học kháng chiến Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ (nơi bác Túy đang tản cư cùng gia đình) đã nhiệt tình, hăng hái tham gia Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô ngày ấy. Được học và rành rõi tiếng Pháp từ nhỏ, bác Túy là một trong số những đội viên được về Thủ đô ngay trong đợt đầu ngày 6/10/1954.
Ngày đầu tiên được trở về Hà Nội sau gần 8 năm tản cư, bác Túy cùng các đội viên trong Đội đến tập trung tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Viện Quân y 108). Từ đây, các đội viên thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô tỏa đi khắp nơi để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc tham gia cùng bộ đội tiếp quản các cơ sở hành chính, quân sự của địch nói chung không gặp trở ngại. Nhưng cũng chỉ có ít đội viên được làm nhiệm vụ “sỹ quan tiếp quản”, số đội viên còn lại đều phải bí mật len lỏi đến các ngõ xóm, khu phố vì đang trong thời kỳ “thiết quân luật” của địch.
Bác Túy nhớ lại, ngày ấy, các đội viên đến từng gia đình, lịch sự gõ cửa xin phép được trò chuyện, tự giới thiệu là thanh niên xung phong đến để giải thích về chính sách tiếp quản của Đảng và Chính phủ ta, mời bà con tham gia công việc chuẩn bị đón tiếp bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô sao cho thật tưng bừng, vui vẻ.
Bác Túy kể: “Thái độ đầu tiên của bà con là tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy chúng tôi trẻ măng, đẹp trai, xinh gái, hết sức dễ thương và lịch sự, lễ phép nên bà con lập tức có thiện cảm ngay. Khi biết chúng tôi là những thanh niên bình thường ở vùng kháng chiến cũng được đi học đến bậc tú tài và cao hơn nữa, biết tiếng Pháp, tiếng Anh…, có người còn thử cho con mang toán để chúng tôi giải hộ mới thật tin”.
Từ niềm tin ban đầu, bà con còn “dốc bầu tâm sự”, trao đổi về nhiều vấn đề khác quan trọng hơn như: sở hữu tài sản, tự do tín ngưỡng, tự do kinh doanh.... Chị em lại rất quan tâm đến việc tự do hôn nhân, chuyện học hành, tìm việc. Nhiều chị em vẫn tin luận điệu phản tuyên truyền của địch, hỏi cộng sản về có cấm “phi dê”, mặc áo dài và đi giày không?…
Nghe giải thích và trực tiếp thấy các đội viên thanh niên xung phong không giống như kẻ địch tuyên truyền, bà con và anh chị em thanh niên rất phấn khởi, tin tưởng, hăng hái hưởng ứng chủ trương vận động chuẩn bị thật tốt ngày đón Bộ đội Cụ Hồ về giải phóng Thủ đô.
Chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô, bản thân các đội viên cũng phải gương mẫu hoạt động văn nghệ, dạy hát múa cho thanh niên, thiếu niên, tạo không khí tưng bừng náo nhiệt ngay từ khi quân Pháp rút lên cầu Long Biên. Trên thực tế, Đội phải làm rất nhiều công việc ngoài dự định ban đầu.
Phần nhân lực thực hiện thì nhờ vào lực lượng thanh niên lao động trong mỗi khu phố. Phần văn hóa, văn nghệ thì nhờ vào đội ngũ học sinh, sinh viên và nhờ người giới thiệu tới các ban nhạc. Các em thiếu nhi rất hào hứng và nhiệt tình tham gia múa hát, mặc đồng phục, diễu hành; học những bài hát cách mạng tạo không khí sôi động cho những ngày mừng giải phóng Thủ đô.
Chỉ có điều, do những công việc chuẩn bị này đều diễn ra trong những ngày địch còn thiết quân luật nên phải tìm những địa điểm kín đáo như đình chùa, ngõ, phố khuất… để hoạt động. Tuy nhiên, sau thấy quân địch mải lo việc rút quân, không để ý đến việc khác, thì công việc được tiến hành công khai hơn.
Đáng nhớ nhất là đêm trước ngày 10/10/1954, do nhiều ngày trước, bà con tập trung chuẩn bị sẵn mọi vật liệu để may thật nhiều cờ, khẩu hiệu nên đêm mùng 9/10/1954, không khí như một cuộc đồng khởi.
“Chúng tôi thức suốt đêm lâng lâng hạnh phúc như trong mơ khi thấy bà con và anh chị em thanh niên làm những chiếc cổng chào rực rỡ, đủ màu sắc, đón bộ đội trở về. Phố Hàng Đào thì trưng tất cả các màu vải, lụa. Phố Hàng Nón thì trưng tất cả các loại nón, mũ, cờ, quạt sơn xanh, sơn đỏ… Phố Hàng Thiếc thì uốn thiếc thành những con rồng, con phượng gương chiếu lấp lánh. Phố Hàng Gai thì trưng những hàng đèn lồng hình rồng, phượng, con cá, con tôm… Bà con còn bí mật ra tận ngoại thành đem về những bó lá dừa, lá móc… để trang trí thêm cho thật đẹp, tạo nên những hình ảnh rực rỡ của các khu phố trong những ngày đón bộ đội về Thủ đô năm ấy” – bác Túy xúc động kể lại.
Nhiệt huyết sôi động của thời kỳ làm nhiệm vụ thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô luôn tràn đầy, thấm đượm trong trái tim người nữ thanh niên xung phong Lê Thị Túy từ thuở ấy đến tận bây giờ, khi bà đã xấp xỉ 80 tuổi. Năm 1955, Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô giải thể vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Bác Túy được phân công về làm phóng viên tại báo Tiền phong khi mới tròn 19 tuổi. Năm 1982, bác được phân công đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên của Trung ương Đoàn. Từ năm 1989 đến năm 1995, bác Túy làm Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô rồi nghỉ hưu.
Sau khi nghỉ hưu, bác Túy vẫn không ngừng lao động, học tập và cống hiến. Theo một dự án của Trung ương Đoàn, bác Túy đi học tập kinh nghiệm tại nước ngoài rồi về nước làm chuyên gia tư vấn tại Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc. Những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong thời gian công tác báo chí giúp bác thêm nhiều vốn sống để chia sẻ, tư vấn với các bạn trẻ, giúp đỡ, động viên nhiều mảnh đời trong cuộc sống. Để rồi, những câu chuyện tâm sự, sẻ chia ấy lại được bác truyền tải thành những kinh nghiệm sống, những phương cách đối nhân xử thế thông qua các câu chuyện, bài viết đăng tải trên các chuyên mục “Người xây Tổ ấm” của Đài Truyền hình Việt Nam và trên các báo Phụ nữ Thủ đô, Sức khỏe và Đời sống, Gia đình…
Bác Lê Thị Túy tâm sự: “Nhớ lại những ngày được rèn luyện trong Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, mình luôn tự hào và biết ơn Đảng và Đoàn đã tạo điều kiện rèn luyện để những thế hệ thanh niên như mình biết sống có lý tưởng và cống hiến được nhiều cho Tổ quốc.
Tới tận bây giờ, khí thế hăng hái, xung kích đi đầu của những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô ngày ấy vẫn như còn tràn đầy trong tim mình, sẵn sàng cống hiến, làm việc không ngừng nghỉ, tiếp nối, truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ Thủ đô ngày nay”.
Theo Tintuc