(Baonghean) - Đã là 15 năm rồi đấy, 15 năm tôi về đất gió Lào. Trên chuyến xe của 15 năm về trước, cái chuyến xe chậm rì, đông đúc nhưng chứa đầy nỗi hồi hộp của một cô gái quyết định đến và ở lại xứ Nghệ, qua một khúc ngoặt giữa đất Thanh Hóa, tôi có cảm giác đột nhiên rơi bẫng vào một vùng không khí nóng nực, dù gió thổi ào ạt. Anh nói với tôi rằng: “Đặc sản” gió Lào quê anh đấy. Vào đến Nghệ, gió còn nóng hơn cơ…
“Em mới về em chưa thấy gì đâu/ Chỉ có cát và gió Lào quạt lửa”. Tôi đã “vào đến Nghệ” với sự “chạm mặt” đúng như những câu thơ ấy của nhà thơ Xuân Quỳnh. Chỉ có điều này, tôi không nghĩ ra, cho đến tận bây giờ, rằng trong tôi, ngọn gió Lào ấy đã trú ngụ trong những nồng nàn, mãnh liệt, trong nét quả quyết đến gai góc, sự bộc trực chân thành của con người xứ Nghệ tôi yêu. Ngọn gió đã thổi ngàn đời nay trên mảnh đất này, để kịp đón tôi trong cơn bụi mịt mờ khi tôi đứng từ tầng 3 khu tập thể Quang Trung (T.P Vinh) cũ kỹ ngày ấy nhìn xuống con đường quốc lộ dưới kia. Sau này, anh bạn vong niên người Vinh, là cư dân của khu phố 1 mà tôi đã nhắc đến trong một bài viết đã kể với tôi rằng, ký ức tuổi thơ sâu đậm nhất của anh cũng chính là ở trên con phố này, nơi có nhà anh ở ngày xưa. Đó là những dãy nhà nứa lá nằm san sát nhau bên phố. Sợ nhất đến mùa gió Lào. Chỉ cần một nhà sơ sểnh thôi để bén lửa là cả khu phố bỗng chốc rực đỏ. Đó thực sự là “những ngọn đuốc lửa” bay lên không trung, bởi khi đó gió hừng hực cuộn thốc những mái gianh ném lên cao. Có cảm giác rằng cả thành phố này bốc cháy vậy. Trong hỗn độn và hoảng loạn, người ta chỉ kịp chạy đi, nhiều người lặng ngoái phía sau nhìn ngọn lửa với nỗi bất lực. Mỗi năm, lớn nhỏ thì cũng vài vụ cháy, nhưng 3 vụ cháy lớn nhất thì nhiều người Vinh không quên được, ấy là vào mùa gió Lào những năm 1957, 1960, 1961 thiêu rụi mấy trăm nóc nhà.
Giờ, những phòng máy lạnh đã xua cái nóng hầm hập của gió Lào ra bên ngoài những ô cửa kính. Người đồng nghiệp già, sắp đến tuổi hưu, một hôm đã nói với tôi rằng: “Anh không hợp điều hòa, anh thích mở cửa, lấy gió trời”. Anh tự nhận mình là kẻ gàn dở, lạc loài, nhưng có hôm tôi bắt gặp nỗi thảng thốt ấy, nơi anh: Ôi, gió Lào! Có âm sắc lạ lùng trong tiếng reo lên nơi anh, như thể anh bắt gặp lại một người bạn ấu thơ thân thiết. Tôi hiểu, vì sao, nhiều người rời xa mảnh đất này mà vẫn khắc khoải nhớ về nó, mà nhớ nhất là… gió. Ngọn gió hình thành từ Vịnh Ben Gan, khi qua lục địa Thái Lan, Lào đã để lại một phần hơi nước, đến dãy Trường Sơn, nó bị chặn lại, thổi lên cao, gặp lạnh, rơi xuống chút hơi nước cuối cùng cho bên Tây Trường Sơn để rồi trong chặng cuối hành trình của mình chỉ còn lại gió khô, cộng hưởng với cái hơi sỏi đá được nắng hè nung nóng chạy qua làng mạc miền Trung trước khi ra với biển. Ấy là những ngày hè trời trong văn vắt, chỉ có đôi chút gợn mây trắng trên bầu trời chợt nhiên cao hơn, xanh thẳm. “Em có thấy vị của gió không?” “Đó là vị của cái nóng mà nhắm mắt lại vẫn cảm thấy cái lưỡi lửa ấy nó đang liếm vào mặt mình. Là vị của cát, của mồ hôi quyện lại. Vị của nhọc nhằn, tảo tần thầm lặng…”.
15 năm, tôi không đủ thấy hết nỗi nhọc nhằn trong ngọn gió ngàn đời nay vẫn thổi, nhưng lại thấy bao yêu thương đằm sâu đã lắng lại. Ai người đã hát cho tôi nghe “Đã thương thì thương cho chắc”, ai người đã đọc cho tôi nghe: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn” để chỉ một thoáng nhìn tôi đã biết số phận mình nương về xứ Nghệ? Về để thương trĩu nặng đôi tay gầy của bà cái quạt mo chở gió. Về để thương bóng mẹ gió bạt xiêu trên bờ đê rát buốt cỏ may. Về để thương tấm áo cha đẫm mồ hôi đã được hong thành bao vệt muối trắng. Về để biết có một cậu trai, úp mặt xuống nền đất trơn bóng mỗi trưa hè, để mơ giấc mơ quả trám vẽ lên những bông hoa xòe cánh. Nếu anh không kể tôi nghe, sao tôi biết được rằng, cái quả trám, khi đã ăn rồi, còn hạt trám chặt ngang được đóng ngược xuống nền đất nện làm nên những hình trang trí trong những ngôi nhà thôn dã khi xưa? Mùa gió Lào, mùa những bông hoa đào tiên nở trước nhà. Gió thổi, hoa đào tiên rụng tơi tả, lũ trẻ quên cái nóng hầm hập chạy ra nhặt chúng về xâu thành những chuỗi vòng trắng bé xinh, để sau này, mỗi khi nhìn thấy nhà ai còn sót lại cây đào tiên vào mùa hoa nở, tôi lại thấy nỗi bồi hồi trong đôi mắt người đàn ông tóc đã bắt đầu chuyển bạc. Rồi những bông hon cau, những trái cau non, cũng theo gió mà rụng xuống sân nhà. Bà lại sai lũ trẻ nhặt về những trái cau để ăn trầu. Cau non thế, nên tay bà đỡ mỏi trong chiếc cối trầu tý xíu. Gió Lào thổi mạnh đến nỗi, có lần còn bay ra cả tổ chim cu cườm mãi tít tận ngọn cau. Đôi cu cườm rơi xuống vạt cà, há chiếc mỏ tý xíu như cầu cứu... Tiếng gió ràn rạt ngoài cánh đồng như muốn bạt đi tiếng bà gọi “thằng cu con” lên lấy khoai, lấy nước, giục mẹ nghỉ tay. Gió bắt tội cậu bé đãng trí, cầm con cúi đi xin lửa, chẳng may đặt cạnh đống rơm, ngọn lửa đã cháy bùng...
Bắt đầu mùa gió Lào, cũng là mùa lúa chín, mùa dỡ lạc. Lạc nhổ lên rồi, để ngoài đồng, qua một bữa hong nắng gió đã kịp khô queo, khi tước củ rất dễ. Lũ trẻ sau giờ trục lúa, nóng phải biết, gọi nhau nhảy xuống sông cả tiếng đồng hồ giỡn nước. Mặc nắng chói, mặc gió quạt, nỗi hồn nhiên ríu rít trên mặt nước sóng sánh lan xa...
Tôi đã về với những “bờ tre khô rạc” ấy, biết ơn cái rát bỏng đã chỉ cho tôi thấy sự dẻo dai, nương tựa, chỉ cho tôi thấy nét xanh tươi bền bỉ của những thứ cây cỏ khiêm nhường. Biết ơn “hạt cát sạn hàm răng” mẹ đã ru lớn những người con của mẹ. Nhạc sỹ Đình Đắc, cái ông nhạc sỹ luôn trầm lặng như thể chất chứa bao nỗi ưu tư, là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ , trong một cuộc vui bất chợt đã hát cho tôi nghe bài hát của ông về hạt cát quê hương. Hạt cát nhỏ nhoi, tưởng chừng vô tri ấy, nhưng nặng mang hồn đất, hồn người. Và đến hạt cát trên quê nghèo cũng “vẫn không chối bỏ mặt mình”. Cũng trong cuộc vui ấy, nhà thơ Lương Khắc Thanh đã đọc lại bài thơ “Về quê” của ông: “Quê nghèo rát bỏng bàn chân/ Bước đi không dứt lại lần về quê”. Thế đấy, cái nghèo nhưng trên cả là sâu nặng yêu thương khiến người đi không dứt. Đã quá nửa đời người, đôi mắt rưng rưng, vậy mà cái trảng cát mênh mông đất Nghi Đức (Nghi Lộc) mùa gió Lào năm xưa như vẫn bỏng nguyên trong nỗi nhớ cồn cào của ông. Cái thời ông là đứa trẻ, gia cảnh khó khăn phải đi làm con nuôi, mỗi lần chạy từ bên nội về bên ngoại ông đều đi qua trảng cát ấy. Cậu bé, lon ton cái nón mê đội đầu, đôi chân đỏ rực, phồng rộp, cứ 5 bước đi lại phải gỡ nón trên đầu xuống đứng chân trong nón, chờ cho “chân nguội” rồi mới bước tiếp… Rồi trong chính những lần “về quê” bây giờ, ông nhận ra “Thương màu áo lính bạc phai/ Mà đi chưa hết rộng dài đường quê”.
Cũng như tôi, chưa thể thấu hết, ngay cả người quê này cũng tự nhận mình đi sao hết nổi chứ, những nhọc nhằn quê hương, đi sao hết nổi những tảo tần của cha, của mẹ? Nhưng, điều này thì tôi đã biết, rằng: “Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ/ Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương” (Xuân Quỳnh).
Thùy Vinh