(Baonghean) - Hồi bé, mình ở với bà ngoại. Nhà bà ngoại ở đường Trần Phú, nhìn ra ngay chợ Ngã Sáu cũ - bây giờ là Công viên trung tâm thành phố. Tối tối, hai bà cháu dắt tay nhau đi bộ ra đến Nhà văn hoá Lao động, dạo quanh mấy vòng, uống cốc nước mía. Sáng sáng, bà dậy sớm đạp xe đi tập duỡng sinh, mình ngồi sau xe mơ màng ngáp ngủ, đến nơi cũng đứng cạnh bà múa may như cụ non. Khi trời rạng hẳn, bà cháu đèo nhau về, ghé qua chợ Ngã Sáu mua rau, mua thịt. Thời thơ ấu cứ thế êm ả trôi qua đều đặn như vòng quay bánh xe đạp bà chở mình một sáng mùa hè trong trẻo, tinh khôi nào…
Có lẽ sự khuấy động, ồn ào nhất trong quãng thời gian mình ở “Ngã Sáu” - cách mà người ta vẫn thường dùng để gọi khu vực đường Trần Phú đoạn giao với đường Lê Mao thời đó - đến từ những trò quậy phá của lũ trẻ trong xóm. Đó là một “tập đoàn” ngót nghét mươi đứa, bé nhất cỡ như mình, lớn nhất có đứa học cấp hai, thường í ới rủ nhau đi chơi vào mỗi buổi tối. Nói cho oai thế thôi, thực ra bọn mình chỉ kéo nhau đến ngồi trước sân nhà một đứa nào trong nhóm, bày trò chơi hoặc tán chuyện vẩn vơ. Chủ đề ưa thích nhất của tụi mình hồi đó chỉ gồm hai thể loại: khoe khoang hoặc kể xấu về bố mẹ, ông bà. Kiểu như thế này:
-Hôm nay, bà tao đi chợ Ngã Sáu, mua cho tao cái chả cuốn ngon nhất thế giới! Bà phải dấm dúi dắt tao ra ngoài sân kẻo mẹ tao nhìn thấy!
Ấy là câu chuyện của thằng nhóc hàng xóm, bị mẹ bắt ăn kiêng vì sợ nó phát tướng, không mặc vừa bộ đồng phục mới may cho ngày khai giảng năm học mới.
-Chả cuốn thì có gì ghê gớm? Tao được bố mẹ đưa đi chơi thú nhún ở Câu lạc bộ (Tức Nhà Văn hoá lao động tỉnh) nhé! Còn được chơi cả vòng quay ngựa gỗ nữa cơ!
-Mới đi đến Câu lạc bộ thì vẫn chưa xa bằng tao được đi ăn kem ở chợ Quán Lau nhé! Kem ly, kem ký ngon tuyệt vời, ông nội thưởng cho tao vì tuần vừa rồi được tận 4 hoa điểm mười!
Nhưng đoạn này mới thật sự là “đỉnh cao” của cuộc tranh luận:
-Hôm nay, bố tao được nghỉ phép về thăm nhà, đưa tao vào nhà sách ở trước chợ Ngã Sáu mua truyện tranh…
Đấy là thằng Tí ở cách nhà mình một cái ngõ, bố nó đi làm ở mãi bên Tây, chẳng mấy khi về nhà. Mẹ nó bán hàng tạp hoá trong chợ Ngã Sáu, chiều nào đi học về Tí cũng tót vào chợ phụ mẹ dọn đồ. Những hôm họp phụ huynh, mẹ nó phải tất tả nhờ hết người này người khác trông hàng cho để đi họp. Nhưng đa phần là mẹ nó xin phép cô giáo được vắng mặt, vì họp vào Chủ nhật khách đông nên ai cũng bận bịu với hàng quán của mình. Lũ trẻ trong xóm vẫn thường ao ước được như nó, vì mỗi lần bố mẹ đi họp phụ huynh về là y như rằng đứa nào cũng ăn đòn ra trò. Những lúc đó, thằng Tí bao giờ cũng ngồi đầu hè, chờ đợi lũ bạn thiểu não vác bộ mặt nhàu nhĩ đi ra, sụt sùi kể lể. Có lần nó không chịu được, buột miệng “Ước gì tao được mẹ đánh đòn một lần sau khi đi họp phụ huynh về nhỉ…”. Cả đám đang nước mắt ngắn dài cũng phải nín bặt, trợn mắt quát: “Thằng hâm, ước gì không ước lại đi ước bị đánh đòn!”. Nó chỉ cười hì hì, cười mà như mếu!
Ấy thế mà lần ấy, nó cười rõ tươi, tay rút từ trong túi ra cuốn truyện tranh Đô-rê-mon - niềm mơ ước lớn lao của tất cả trẻ con trong xóm. Cả bọn chuyền tay nhau cuốn truyện thần thánh, hít hà mùi giấy mới, mực in, khẽ khàng giở mấy trang truyện rồi khép lại ngay như sợ các nhân vật bên trong sẽ cuốn đi mất theo chiều gió. Hôm ấy, Tí ta lấy làm hả hê lắm. Nhưng chỉ được mấy hôm, lại thấy nó bần thần chống cằm ngồi xổm ở trước hiên nhà. Bọn trẻ trong xóm xúm lại hỏi han thì nó oà lên nức nở: “Bố tao lại bay đi sang Tây mất rồi…”. Thế là các nhân vật trong truyện vẫn còn đấy, nhưng bố thằng Tí lại cuốn đi theo cơn gió nào không hay. Cuộc đời sao mà buồn tênh!
Tất cả những ký ức ấy dội về trong tâm trí mình một chiều hè đứng trước sân ngôi nhà của bà ngoại trên đường Trần Phú năm nào. Giờ thì bà đã bán lại cho người ta làm cửa hiệu váy cưới, chuyển về quê ở để vui vầy tuổi già. Mười mấy năm trôi qua, khu phố này giờ dường như không còn giữ lại chút gì xưa cũ nữa. Những người hàng xóm quen thuộc dắt díu nhau đi đâu hết, giờ quay về chỉ thấy toàn là cửa hàng, cửa hiệu, lạ hoắc lạ hươ…Tôi hồi tưởng lại dáng điệu buồn đời của lũ trẻ con trong xóm ngày xưa, ngồi chống cằm nhìn về phía chợ Ngã Sáu. Nhưng cái chợ nhỏ thân quen đâu còn đó nữa? Đối diện với tầm mắt của mình bây giờ là Công viên Trung tâm thành phố, được xây dựng từ năm 2005. Trước đó, năm 2000, Quảng trường Hồ Chí Minh cũng bắt đầu được khởi công, đem lại một diện mạo hoàn toàn mới cho khu vực trung tâm thành phố.
Nếu còn chút dư âm nào của những ngày thơ ấu, có lẽ đó là Nhà Văn hoá lao động tỉnh mà bọn mình vẫn thường gọi giản dị là Câu lạc bộ. Vẫn còn đó khu vực vui chơi cho trẻ con với thú nhún, vòng quay, lái xe điện,…Cả khoảng sân rộng trước cửa hội trường lớn - nơi mình vẫn thường cùng bà tập dưỡng sinh mỗi sáng - cũng còn nguyên. Mình thở dài, thấy lòng ăm ắp một nỗi nhớ thương, hoài niệm. Giật mình bởi tiếng ve kêu, ngẩng đầu lên thấy tán lá xanh um của cây xoài trước sân nhà mà từ khi mình biết nhớ, biết nhận thức đã thấy nó im lìm đứng đó.
Không, có lẽ những ngày hè thơ bé vẫn còn sót lại nhiều hơn là chỉ một mảnh vụn ký ức. Nhịp sống của những căn nhà mặt phố, sự gần gũi và những nếp sinh hoạt chung của văn hoá láng giềng, sự ồn ã náo nhiệt của khu vực trung tâm thành phố - nơi tập trung những hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí lớn,…tất cả sẽ còn lại mãi trong tâm tưởng của những người đã ở, đã đi và đã đến. Cũng như cái tên Ngã Sáu sẽ luôn ở đó, như một cột mốc vô hình chỉ dẫn cho chúng mình tìm về một miền hồi ức êm dịu và nhiều mộng mơ.
Không hiểu sao, khi nghĩ về khu phố ấy, trong tâm trí mình cứ hiện lên một nơi chốn, vừa hiện hữu lại vừa mơ hồ, vừa xa xôi lại vừa gần gũi. Ấy là cái bờ hè nơi thằng Tí ngồi vừa khóc vì bị mẹ mắng, vừa nằng nặc quay mặt về hướng Tây để bố nó có thể nghe thấy tiếng nó gọi “Bố ơi, bố ơi”. Ấy là chợ Ngã Sáu mà mình vẫn lẽo đẽo theo bà đi vào mỗi sáng, mỗi chiều, ngồi chờ bà ở hàng bán bánh bèo, ăn hết sạch như lau như ly mà vẫn chưa thấy bà đâu. Ấy là cái sân thượng nhà thằng béo - cao nhất xóm - nơi mọi người tụ tập vào đêm giao thừa để được thấy pháo hoa như đang bắn ngay trước mắt. Một thứ tình cảm hết sức tự nhiên nhưng có sức gắn kết mạnh mẽ, vượt qua cả những biến chuyển về không gian và thời gian. Ấy chính là gia đình: gia đình nhỏ của mỗi người và gia đình lớn nơi chúng ta cùng nhau sinh ra, lớn lên và già đi ở cùng một con đường, dưới cùng một tán lá. Và như thế, không biết từ bao giờ đã bén rễ trong ta một sợi dây gắn bó với nơi ta thuộc về - mảnh đất và những con người.
Bài, ảnh: Hải Triều