(Baonghean) - Nhớ hồi đi học, lớp có một cậu là con cô giáo trong trường. Thành thử cậu này bao giờ cũng gương mẫu, vì chỉ cần phạm khuyết điểm bé tẹo là đã bị “mật báo” ngay cho mẹ. Thấy cũng “tội” nhưng bù lại, bị ốm nghỉ học không cần viết giấy xin phép, thật oách! Không biết nếu ông, bố, các chú bác và anh chị em họ cùng học, rồi dạy trong trường thì sẽ như thế nào?
Để “giải đáp” thắc mắc trên, chúng tôi tìm đến ngôi trường lâu đời nhất thành phố: Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng. Tiền thân là Trường Quốc học Vinh và Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (tách ra từ Trường Quốc học Huế), ngôi trường 93 năm tuổi này là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ học sinh ưu tú cho đất nước và tỉnh nhà. Cô Lê Thị Hồng Lâm - Hiệu phó nhà trường tươi cười khi nghe câu hỏi của chúng tôi: “Có lẽ chỉ có thầy Phạm Nhượng là có thể trả lời cho thắc mắc của các em. Các con, cháu của thầy cũng là học sinh của trường cả. Con trai thầy là giáo viên Toán vừa nghỉ hưu 1 năm, cô cháu gái là giáo viên dạy Hoá, cậu cháu út nay đang học lớp 12. Hôm nay lớp em ấy có tiết học ở trường đấy”.
“Cô giáo không gọi điện mách bố mẹ mà mách với bác và ông em!”
Khi chúng tôi đến, lớp 12A4 đang học toán. Cô Lâm chỉ cho chúng tôi em Phạm Xuân Châu - cậu học trò đeo kính cận ngồi ngay hàng đầu, đang chăm chú nghe cô giáo giảng. Nghe giải thích vắn tắt cuộc tìm hiểu, Châu thở phào, cười ngượng nghịu: “Em cứ tưởng bị gọi ra phê bình việc chi. - Chắc là hay bị phê bình lắm đây, trông em “mọt sách” thế này mà cũng nghịch ghê nhỉ?”. Châu giãy nảy, lắc đầu quầy quậy: Mô chị, thì cũng có khuyết điểm ri tê. Nói chuyện riêng thì học sinh ai mà nỏ nói...
Hai ông cháu (ông Nhượng và em Châu) xem những bài thơ của ông.
Hỏi về ông nội em, thầy Phạm Nhượng, Châu vui vẻ khoe rằng nhà em ở ngay trước nhà ông nên vẫn thường sang chơi. Hôm trước ông vừa in một tập thơ, tên là “Nghĩa tình trăm chuyến đò ngang”, tặng cho em một quyển. Ý tưởng tìm hiểu về gia đình em, đặc biệt là ông nội, khiến Châu có vẻ hơi ngạc nhiên: “Ông em làm hiệu trưởng thật nhưng từ lâu rồi, nên các bạn trong lớp cũng không biết rõ. Các bạn chỉ biết em là cháu thầy Bình (thầy Phạm Bình) dạy toán mới nghỉ hưu với cô Thanh (cô Phạm Thị Phương Thanh) dạy hoá thôi. Mà chị đừng nghĩ là được ưu tiên chi nha, nói chuyện là bị “báo cáo” ngay với bác và chị liền, rành khổ! - Có khi nào cô giáo mách với thầy Nhượng chưa? - Có rồi chơ chị, hồi em học lớp 10, cô Lâm dạy Sử gọi em lên trả bài, em không thuộc. Rứa là cô mách với bác Bình, gọi điện mách luôn với ông nội chơ không mách bố mẹ em!”. Chúng tôi nhìn nhau le lưỡi, chắc mẩm phen này cu cậu không ăn đòn thì cũng bị “dũa” cho một trận te tua. Nhưng không, “ông nội nhắc nhở em học môn phụ cho tốt, đừng để thầy cô bộ môn cảm thấy bị thiếu tôn trọng, bác Bình cũng nhắc rứa thôi. Ông với bác hiền mà!”
Cậu học trò với khuôn mặt còn tinh nét trẻ con và lối nói chuyện thật thà đến đáng yêu ấy kể chuyện mười mấy người trong nhà đều học Trường Huỳnh Thúc Kháng một cách hồn nhiên. Như thể việc mang bộ đồng phục gắn phù hiệu của ngôi trường này đã trở thành điều tất yếu với mọi thành viên trong gia đình. Châu kể rằng 5 người con, 10 người cháu của ông nội đều là học sinh trường này. Châu là út trong nhà nên là người duy nhất vẫn còn mang phù hiệu Trường Huỳnh Thúc Kháng. Các bác và các anh chị muốn hỏi han trường cũ, tất nhiên phải “nhờ vả” Châu.
Đặc biệt là ông nội, “ông hay hỏi chuyện học sinh ở trường nề nếp có tốt không, có yêu quý thầy cô không, thầy hiệu trưởng hiện giờ là thầy nào, thiết quân luật hay hiền như bụt”. Mỗi lần như thế, ông lại kể cho Châu nghe chuyện thời ông đưa trường đi sơ tán từ huyện này qua huyện khác, bảo Châu bây giờ được học trong cơ sở vật chất khang trang, phải chuyên tâm học tập và tu dưỡng đạo đức. Nói chuyện được một lát, Châu xin phép về nhà vì cũng đã gần trưa. Trước khi chào tạm biệt, em cẩn thận chỉ đường cho chúng tôi đến nhà thầy Phạm Bình, bác em, đồng thời hẹn đến chơi nhà và...đọc thơ ông!
“Làm thầy giáo cũng là vì bố!”
Bước vào căn nhà rợp bóng cây xanh của thầy Phạm Bình, đã nghe tiếng một đĩa nhạc đỏ cất lên rộn rã. Thầy Bình cười hể hả: “Đĩa thầy thu để... ru cháu đó. Hỏi thầy trò trong trường, thầy Bình hay hát là ai cũng biết. Từ thời đi học thầy đã nổi tiếng thích hát rồi. Cứ thấy thầy là các cô khoá dưới lại xôn xao “Anh hát hay hay nớ là con thầy Nhượng bây tề’”. Trái với lối nói chuyện rất lém của mình, thầy khăng khăng kể rằng thời đi học, trong số 4 anh em trai thì thầy ngoan nhất. “Tuần mô mình cũng phấn đấu để được tuyên dương dưới cờ. Chú Lượng học cách mình 1 lớp cũng ngoan nhưng răng bằng mình được. Còn anh Thái thì khỏi nói, bố mình mấy lần xướng tên phê bình dưới cờ cơ mà. Vì chuyện nớ mà mẹ giận bố, nhưng biết răng được, ông Nhượng nhà mình hiền thì rất hiền mà nghiêm thì cực nghiêm”.
Tốt nghiệp Trường Huỳnh Thúc Kháng năm 1974, thầy Bình quyết định theo nghiệp bố, thi vào Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ra trường, thầy đi tổng động viên 3 năm rồi về công tác ngay tại ngôi trường cấp 3 mình theo học. Tính cả thời gian dạy và học, thầy Phạm Bình có gần 40 năm gắn bó với mái Trường Huỳnh Thúc Kháng với nhiều kỷ niệm vui buồn. Thầy Bình trầm mặc nhớ lại cái ngày mà cô cấp dưỡng của trường cùng 2 học sinh đang đi gánh nước thì bị bom chết. Cái mốc 1967 và địa danh Hưng Tây (Hưng Nguyên) ấy là ấn tượng đầu tiên của cậu học trò nhỏ về chiến tranh. Năm 1972, trường sơ tán về Thanh Hà (Thanh Chương), B52 rải thảm trong trận Điện Biên Phủ trên không, thầy và trò vô sự nhưng dân chết nhiều vô kể. Những năm tháng ôm sách vở chạy loạn, mót khoai, bắt cá, đào hầm trú bom ấy đã thành những kí ức không thể nào quên, gắn liền với hình ảnh người cha - người thầy lèo lái gia đình và ngôi trường qua cơn loạn lạc.
Là một trong 2 người con của thầy Phạm Nhượng nối nghiệp cha, gia đình thầy Bình cũng là gia đình nhà giáo điển hình khi vợ và 2 cô con gái của thầy đều là giáo viên. Vợ thầy, cô Hồ Thị Vương Kim, dạy môn Toán ở Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập. Cô con gái đầu Phạm Thị Phương Thanh dạy môn Hoá ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, cô út Phạm Thị Hương dạy Anh văn ở Trường chuyên Phan Bội Châu. Thầy Bình nửa đùa nửa thật: “Nhà toàn thầy cô giáo, ngồi với nhau là lại nói chuyện trường, chuyện trò. Hồi sinh viên, o con gái về trường thao tập, thầy với vợ ngồi làm trò cho hấn dạy mẫu. Về hưu rồi, nhớ trường lại hỏi hấn chuyện trường lớp, học sinh”.
Nói những điều này, thầy không khỏi tự hào và thành kính khi nhắc đến thầy Phạm Nhượng như người thầy - người cha đã tạo cho thầy và 2 cô con gái ấn tượng sâu sắc và đẹp đẽ về nghề nhà giáo cao quý. “Vợ chồng, con cái bảo nhau làm sao cho ông không phải thẹn là thầy giáo mà không dạy được cháu, con. Thầy theo nghề nhà giáo cũng là vì ông nhà thầy!”
“Dạy học là dạy cái nết, cái tâm”
Cô cháu gái của thầy Phạm Nhượng dẫn chúng tôi vào nhà, đoạn mời ông nội ra tiếp khách. Mái tóc bạc trắng như bụi phấn và đôi mắt nhăn nheo đầy vết chân chim không sao che khuất được cái nhìn trìu mến nhưng quắc thước của người thầy. Thầy Nhượng chậm rãi nói: “Nhiều tuổi rồi, nhưng tai chưa điếc, mắt chưa loà, không phải mang máy trợ thính. - Thầy năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ? - Tuổi thật tui là 93, tính cả tuổi mụ bà là 94 các cô nờ”. Cô cháu gái đang rót nước nhanh nhảu khoe: “Ông em bằng tuổi với Trường Huỳnh đó, trường thành lập năm 1920 thì ông em cũng sinh năm nớ luôn”. Rồi, rất đúng với phong thái rõ ràng, rành mạch của người dạy Toán, thầy Nhượng hỏi chúng tôi: “Rứa các cô muốn hỏi về vấn đề chi?”
Chúng tôi được một phen kinh ngạc trước sự minh mẫn và trí nhớ của người thầy đã gần trăm tuổi, khi nghe thầy kể về những băn khoăn, trăn trở của người chèo lái mấy trăm con người qua những thời kỳ khác nhau. Thời kỳ đi sơ tán (1965-1973), khó khăn lớn nhất là đảm bảo cho việc dạy và học không bị gián đoạn. Thầy Nhượng vẫn nhớ như in khi trường bắt đầu sơ tán lên Hưng Tây, có 8 lớp, mỗi lớp trung bình 50 học sinh. Đi sơ tán là đi cả nhà, cả bầu đoàn mấy trăm con người dắt díu nhau, ăn, ở đã đành, lại phải dạy, học.
Nhắc lại những năm tháng ấy, thầy Nhượng không khỏi bồi hồi: “May mà mình nói dân họ tin, họ quý, cho mượn phòng để làm lớp học. Mấy lần bị bom, tui cứ sợ họ nghĩ vì trường về nên Mỹ đánh bom, nhưng họ không trách mà còn cưu mang thầy trò. Ơn nghĩa lắm, tình nghĩa lắm!”. Khi trường trở về Vinh, “nhiệm vụ” chính thầy đặt ra là chỉnh đốn, rèn giũa nề nếp của thầy và trò: “Tui cho thành lập lại Tổng giám thị để đôn đốc nề nếp, thành viên là các tổ trưởng tổ bộ môn. Đến giờ tập trung, lớp mô vô hàng lớp nớ. Tui gọi hàng 15, cột 16 đứng dậy, vắng em mô là biết liền! Năm 78, 79 nề nếp của trường phải nói là tuyệt vời. Tui nhớ hồi nớ lớp 10E là lớp gương mẫu nhất trường, năm học có 34 tuần thì tuần mô cũng được tuyên dương”. Nói đến đây, ánh mắt thầy bỗng sáng long lanh, những nhiệt huyết một thời lại trỗi dậy trong giọng nói đã ít nhiều bớt hào sảng vì tuổi tác.
Hỏi thăm con cháu, thầy vui vẻ khoe có 5 người con, 10 người cháu, 11 chắt. Con cháu thầy hầu hết đều trưởng thành từ mái trường Huỳnh Thúc Kháng, rồi có người quay về đó trên cương vị người thầy, người cô. Con gái và 2 cô con dâu thầy tuy không dạy ở Trường Huỳnh Thúc Kháng nhưng cũng là giáo viên, nối dài truyền thống dạy và học của gia đình thầy ra khỏi bức tường của ngôi trường. Có lẽ vì gia đình nhiều thế hệ này cứ nối bước nhau gắn bó với mái trường, với bảng đen và phấn trắng mà hình ảnh người hiệu trưởng, người thầy, người ông, người cha hiện hữu đan xen nhau thành một bản thể duy nhất - vừa nghiêm nghị vừa gần gũi - trước mặt chúng tôi đây.
Thầy Nhượng tâm sự: “Trường muốn hay thì trước tiên nề nếp phải tốt. Nghĩa là trò quý thầy như cha, thầy quý trò như con. Quý nhau nên tin nhau, chơ không phải sợ nhau nên lừa dối, giấu giếm. Người thầy muốn dạy được trò là phải dạy từ cái tâm dạy đi. Dạy tâm thì phải có tâm. Mình có tâm thì họ tin, họ quý, mình nói là mình phải làm được thì người ta mới nghe, mới làm theo!”. Chúng tôi vừa nghe, vừa nhìn những bức ảnh treo kín bức tường. Có bức ảnh đen trắng chụp từ những năm 70, học trò cấp 3 mà trông nhỏ loắt choắt. Lại có bức chụp năm 2006 kỉ niệm 30 năm ngày ra trường, học trò giờ lớn hơn thầy, những mái đầu xanh quây quần quanh người thầy tóc đã bạc phơ. Những cô cậu học trò của ngày ấy và bây giờ vẫn giữ nguyên nét cười, dường như cũng đang chăm chú lắng nghe từng lời thầy nói.
Rời nhà thầy Phạm Nhượng, trên tay là tập thơ “Nghĩa tình trăm chuyến đò ngang”. Lần giở những trang thơ nói về nghĩa tình thầy trò và tâm tình nghề nhà giáo, bất giác nghĩ về người thầy, người cô xưa mà rơi nước mắt. Cuộc gặp gỡ 3 thế hệ của một gia đình gắn bó với những chuyến đò khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ, trăn trở. Nghĩ về truyền thống hiếu học, truyền thống nhà giáo, cũng là nghĩ về sự lưu giữ của những giá trị truyền thống nói chung. Gia đình là mầm mống, nền móng của xã hội, đạo lý ấy bây giờ chúng tôi mới thấm thía.