(Baonghean.vn) Tích cực hưởng ứng tháng cao điểm tổ chức các hoạt động trong Năm Thanh niên hướng về biên cương Tổ quốc, tuổi trẻ Đoàn các cơ quan cấp tỉnh đã có chuyến ngược ngàn lên thăm, giao lưu và tặng quà Đồn biên phòng Na Ngoi (BĐBP Nghệ An). Đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực động viên cán bộ, chiến sỹ và đồng bào đang ngày đêm canh giữ nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Phải mất gần một ngày, vượt qua 300 km, trong đó có 100 km đường đèo dốc, đoàn đã lên đến Đồn biên phòng Na Ngoi - nơi có đỉnh núi Phù Xai Lai Leng hùng vĩ với độ cao 2.721m so với mặt nước biển (cao nhất của dãy Trường Sơn). Xe vừa dừng ở sân đồn, thì cán bộ chiến sỹ đơn vị đã tề tựu đón đoàn. Những cái bắt tay thật chặt, sự đón tiếp mộc mạc, thân tình, ấm áp của những người lính biên cương đã xua tan giá lạnh (nhiệt kế chỉ dưới 1000C) và sự vất vả bởi quãng đường xa.
Tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn”
Ngay tối hôm ấy, một buổi giao lưu văn hóa - văn nghệ ấm cúng giữa cán bộ chiến sỹ, nhân dân địa phương và thành viên trong đoàn đã diễn ra. Không sân khấu, không diễn văn khai mạc nhưng các tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” lại lôi cuốn, hấp dẫn mọi người từ điệu múa này đến bài hát khác. Và những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất về biên cương, về khát vọng của tuổi trẻ đã xua tan không khí lạnh của những ngày đông giá. Chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sỹ đơn vị và đồng bào địa phương và cũng là để giúp cán bộ, chiến sỹ Đồn Na Ngoi có thêm phương tiện vui chơi, giải trí sau những giờ học tập, lao động, tuần tra bảo vệ biên giới, Đoàn đã tặng đơn vị 1 bộ bàn bóng bàn và 1 bộ bàn bi – a và một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu khác.
Do ở độ cao trên 1000 m so với mặt biển nơi đây được thiên nhiên hết sức “ưu đãi” về gió lạnh, sương mù, có thể nói “đặc sản” của đơn vị là rét và sương khiến việc sinh hoạt, công tác, chiến đấu của cán bộ chiến sỹ hết sức khó khăn. Mặc dù ở trong phòng kín, đã nai nịt cả áo bông dày sụ nhưng chúng tôi vẫn thấy tê buốt ở tay, chân, còn miệng thì luôn xuýt xoa, hít hà, thở ra “khói”, còn sương mù đến nỗi cách quãng 2 – 3 m là nhìn không thấy rõ mặt nhau. Đồn trưởng Trần Văn Viện cho biết thêm: “Chúng tôi ở đây còn “sướng” chán, anh em ở trên trạm Buộc Mú, Cột mốc L10 thì còn vất vả hơn. Mùa này, có khi cả tháng quần áo giặt không khô, cứ phải hong trên bếp lửa”.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng các anh vẫn thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ dấu hiệu đường biên, bảo vệ sự bình yên cuộc sống của các bản, làng. Vì ai dám chắc rằng thời tiết khắc nghiệt thì đối tượng xấu, tội phạm ngủ yên, không hoạt động?!. Những đợt tuần tra như vậy, ngoài súng đạn các anh còn phải mang vác ba lô gồm tư trang, lương thực, thực phẩm đủ cho 1 tuần trèo đèo, lội suối.
Tuy điều kiện sinh hoạt của đơn vị như vậy, nhưng các anh lại luôn băn khăn, trăn trở trước đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn của đồng bào. Bởi xã Na Ngoi có 799 hộ/ 5.087 khẩu thì đa số nhân dân còn nghèo, trình độ dân trí hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu chưa được đẩy lùi… Thời gian qua, xác định rõ phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ chiến sỹ đồn đã thực hiện “4 bám” (bám dân, bám bản, bám tình hình, bám đối tượng), “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, các đoàn thể đi vào hoạt động có hiệu quả, nề nếp. Ngoài ra, tích cực giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân trồng gừng, lúa nước, dong riềng… phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Lên xe rời Na Ngoi, tạm biệt các chiến sỹ biên phòng, trong tôi vẫn văng vẳng lời bài hát “Khúc hát lính biên phòng” của nhạc sỹ Vũ Hiệp Bình, mà các chiến sỹ Đồn Na Ngoi hát tặng đoàn: “Chúng tôi! Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi, yêu đất quê hương mình, vang tiếng ca yêu đời...”.