(Baonghean.vn) Có một “sự kiện” mà hơn một tháng qua được bà con mạn Tây nam Quỳ Hợp quan tâm. Nhiều người ngợi khen “họ” đã dám nghĩ dám làm, có người thì vương chút băn khoăn cho bao khó khăn khi nhà nông làm... doanh nghiệp.
Những người mà tôi muốn nói trong trang viết này là những người đã “mày mò” sáng lập nên Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Châu Sơn có trụ sở tại xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp). Cựu chiến binh Lương Dương Nga dám nghĩ dám làm, Lô Văn Vinh tuổi trẻ chí lớn, đã từng ra Thủ đô đứng trên bục vinh quang để nhận giải thưởng Lương Định Của, và Nguyễn Thị Ánh quê tận mãi Đô Lương về làm dâu bản Thái- bản Vi (Bắc Sơn) với một câu chuyện tình đẹp như trong cổ tích... Sáu con người sáng lập nên hợp tác xã ấy là sáu cảnh đời rất riêng nhưng tựu trung ở họ là luôn khao khát vươn lên để thoát nghèo và làm giàu ngay trên đồng bãi quê mình.
Trong câu chuyện cùng tôi, Chủ nhiệm Lương Dương Nga nói rằng, hành trình “thai nghén” thành lập nên HTX thì dài lắm nhưng tất cả bắt đầu từ những trăn trở của bà con. Tỷ như chuyện đất Túng Mánh, Túng Nguộc trải rộng là thế sao cứ mỗi nhà mỗi “vạt” manh mún để rồi ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai. Hay như chuyện, ngô làm ra nhiều thế, mỗi vụ hàng chục tấn, sao cứ phập phù giá cả để bà con đều chung cảnh thiệt thòi... Câu chuyện làm ăn của mọi người thường cứ xoay quanh cái trăn trở ấy. Và rồi cái khó ló cái khôn, mọi người bảo nhau phải đồng lòng liên kết lại. Trăn trở tìm mô hình, soạn thảo điều lệ, mò mẫm đăng ký kinh doanh... Tháng 10/2011, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Châu Sơn đã ra đời.
Khó có thể nói hết niềm vui của bà con trong ngày vui trọng đại. Bà con đã tự nguyện quyên góp, một con trâu “của nhà nuôi được” được mổ để khao dân bản, khao khách quý về thăm. Chia sẻ cùng bà con, các ban, ngành ở huyện Quỳ Hợp cùng chung tay giúp đỡ. Phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông thì hỗ trợ kỹ thuật; ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng CSXH thì lo giúp vốn vay để khởi nghiệp ban đầu... Thực mục sở thị giấy phép đăng ký kinh doanh số 27F8A00032/QH của UBND huyện Quỳ Hợp cấp cho HTX, tôi thấy con số vốn kinh doanh lên tới 4 tỷ sáu trăm năm mươi triệu đồng. HTX sở hữu một diện tích đất nông nghiệp lên tới 40 ha trải rộng từ Túng Mánh đến Túng Nguộc, ấy là chưa nói đến hàng trăm ha rừng khoanh nuôi, rừng trồng trải dài ngút mắt..
Hôm tôi về thăm, tất cả mọi thành viên trong HTX đều góp mặt đông đủ. Số là bà con đang chờ chuyến xe chở lợn giống siêu nạc về để mang lợn về nuôi. Trong câu chuyện, mọi người đều hào hứng với hướng đầu tư sắp tới của HTX. Đó là đầu tư chế biến nông lâm sản, mở rộng cung ứng vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa các khâu sản xuất để 40 ha đất canh tác sinh lời nhiều nhất mà đỡ tốn công người...
Chia tay các xã viên tôi tự hỏi: Phải chăng miền núi xứ Nghệ đang chuyển mình hội nhập và “bén duyên” với cái tư duy sản xuất hàng hóa bắt đầu từ những con người như thế.