Xứ Nghệ có nhiều vùng trồng chè xanh ngon nổi tiếng, kể như đã được xếp vào hàng “danh chè” chốn quê. Nhưng xét cho cùng, không có miền đất nào nơi đây lại thiếu cây chè, thứ chè xanh chát ngọt vườn nhà. Cao hơn nữa, đó là một phần hồn cốt văn hoá của người Nghệ, khi ngơi việc một ngày, với qua bờ tre, dậu mùng tơi là tiếng mời gọi nặng trĩu, ấm lòng :” Túi (tối) sang mần đọi chè chát cụ, bác, o, dì ơi…”
Thứ lá chè dày và mơn mởn ( không già quá mà cũng không non quá) thường được “ưu tiên” cho ấm chè chát đầu tiên. Nếu già quá thì nước bầm đen trông không ngon, không thơm. Nếu chè non quá thì nước chóng nhạt, không đượm. Nước nấu chè phải là thứ nước ngòn ngọt. Thường là nước mưa hay nước giếng đá sỏi thì nước mới ngọt. Nấu chè thường dùng nồi bù hay ấm đất. Người quê xứ gió Lào thường nấu nước chè bằng cả lá lẫn cành. Có như vậy mới chát, mới chống đỡ nổi những cơn gió Nam (gió Lào) nóng như rang và khô không khốc.Thường thì buổi sáng sớm, người ta ra vườn hái (hoặc mua sẵn ở chợ) một bó chè tươi, rửa sạch, bẻ ngắn cho vào nồi nước nấu. Nước sôi sùng sục một lát là chín, là được. Lấy gáo (làm bằng vỏ dừa già) múc ra bát. Bát nước chè có mầu xanh và sánh như mật ong. Uống vào miệng cảm giác đầu tiên là chát sau đấy là ngòn ngọt ở cổ. Hết lượt nước đầu, bà con đổ thêm nước lã vào nấu lại và gọi là nước dạo dùng để uống cả ngày. Nước có mầu nâu sẫm.
Quanh bát nước chè, bao tục lệ đẹp được hình thành, trở thành tiềm thức trong mỗi miền quê nghèo xứ Nghệ tự lúc nào chẳng rõ. Thường không phải nhà nào cũng nấu nước chè. Một nhà nấu cho cả 4,5 nhà lân cận cùng uống. Hôm sau đến lượt nhà khác. Luật không thành văn mà hoàn toàn tự giác. Rượu tam chè tứ chăng? Có uống đông người mới thấy ngon và vui. Chào buổi sáng, chuyện trò lúc đêm về bằng một bát nước chè xanh đặc quánh, thêm mấy củ khoai lang luộc bở tơi, thấy ấm tình làng nghĩa xóm đậm đà.
Những người nghiện nước chè xanh thường nói vui là uống nước "năm cho" nói trệch là "năm trò" tức là: cho chát, cho xanh, cho thơm, cho nóng, cho vui. Nước chè ngon là nước chát, uống vào lúc đầu nghe chát, ngấm vào thấy ngòn ngọt thật khoái miệng. Nước chè vừa ngọt vừa có màu xanh nái trông thật sướng mắt. Hương nước chè xanh bốc lên nghe thoang thoảng mùi chè xanh khá hấp dẫn. Khi uống phải đông mới vui, vừa uống vừa nói chuyện thì thật là lý tưởng. Người nghiện chè xanh sáng sớm chưa ăn gì, không chỉ uống 3 - 4 bát cho tỉnh người rồi đi làm việc. Có người đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, họ pha mật mía với chè xanh đặc uống vào thấy người nhẹ ra.
Đặc điểm riêng của nguời Xứ Nghệ là khi uống trà, những nguời bạn trà sẽ đối đáp nhau bằng câu đối, thơ ca hò vè, luận Kiều, mà trong lòng nguời thuờng mang nặng tình thâm phụ mẫu, hiếu cha, ơn mẹ, công thầy, nước non xã tắc. Bởi vậy trong làn điệu của nguời Xứ Nghệ bao giờ cũng nặng chữ ân tình thuỷ chung và có chút gì khắc khoải với hình ảnh mẹ già, vợ thảo mà nghèo đói, nhọc nhằn nơi chốn quê.
Đi xa, dừng bước một chiều viễn xứ, chạnh nhìn ấm áp một làng nhỏ nào bên đường, quay quắt nhớ lời hát, nói hộ nỗi lòng kẻ xa quê : Bao ân tình mộc mạc làng quê, trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh…
Nghĩa tình “đọi” chè chát
Trần Hải