Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của TP.Hồ Chí Minh, khi Đề cập đến Văn kiện Đại hội 12 của Đảng, ông Đinh La Thăng khẳng định đây là sản phẩm tập trung trí tuệ của toàn Đảng và toàn dân, với nội dung được xây dựng trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, ngoài ra còn có sự kế thừa từ Văn kiện Đại hội 11 và cả các Hội nghị Trung ương.
Theo ông Thăng, Văn kiện Đại hội 12 có nhiều điểm mới, thể hiện trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Các điểm nổi bật nhất trong Văn kiện đã thể hiện được những quan điểm xuyên suốt, những nguyên tắc trong hoạt động của Đảng, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, những vấn đề mới cấp bách nẩy sinh từ thực tiễn cuộc sống như vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng…
Ông Thăng khẳng định nhiệm vụ của các đại biểu là phải nhanh chóng đưa các nội dung của nghị quyết vào cuộc sống. Ông cho rằng đây là một thử thách về năng lực, trí tuệ của người lãnh đạo trước các nhiệm vụ chính trị, do vậy ông yêu cầu mỗi cán bộ phải đặt mình vào các công việc cụ thể để từ đó trả lời được câu hỏi sẽ triển khai nghị quyết vào từng công việc, nhiệm vụ, mục tiêu như thế nào.
Vị Bí thư Thành ủy cũng nêu ra ba vấn đề: Thứ nhất là nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo trong các văn kiện Đại hội 12 để so sánh với những nội dung của Văn kiện các kỳ Đại hội trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy, lý luận của Đảng.
Ông nhấn mạnh rằng trong quá trình học tập và triển khai các đại biểu cần chú trọng thảo luận, phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn những điểm mới của Nghị quyết Đại hội, hiểu đúng những nội dung chủ yếu được trình bày trong các văn kiện, đối với các nhiệm vụ trọng tâm cần liên hệ với những yêu cầu, điều kiện cụ thể ở đơn vị mình để lựa chọn và chỉ đạo thực hiện.
Thứ hai ông cho rằng phải kết hợp việc học tập với việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực của người đứng đầu cơ quan.
Thứ ba là phải tuyên truyền để nghị quyết “thấm dần” đến từng người dân, bằng những hình thức hấp dẫn, phù hợp với từng loại hình đối tượng. Theo ông chỉ khi người dân cảm thấy cần đến Nghị quyết như một sự dẫn dắt, hỗ trợ về tinh thần, thôi thúc họ hành động, khai mở cho họ những ý tưởng mới…thì Nghị quyết mới thực sự có sức sống.
Cuối cùng ông yêu các đại biểu phải tuyệt đối tránh qua loa, hình thức, hời hợt, coi việc học Nghị quyết như là chỉ nhằm làm cho xong.
Theo Infonet