(Baonghean) - Một thời gian khá dài, việc tìm "đầu ra" cho Bí thư Đoàn xã, thị trấn quá tuổi là vấn đề "nan giải" ở huyện Nghi Lộc. Nhưng đến nay, hầu hết các thủ lĩnh Đoàn sau tuổi 35 đã được luân chuyển, bố trí công tác khác
Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nêu rõ: Cán bộ Đoàn xã, thị trấn giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Thế nhưng, sau nhiều kỳ Đại hội Đoàn cấp xã, nhiều trường hợp tuổi đã "vượt trần" nhưng vẫn phải tiếp tục bố trí làm Bí thư Đoàn xã. Sau Đại hội Đoàn cấp xã, nhiệm kỳ 2012 - 2017, toàn huyện Nghi Lộc vẫn còn 5 trường hợp.
Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc Nguyễn Thị Lê cho biết: "Trước thực trạng còn nhiều trường hợp đã 35 tuổi trở lên nhưng vẫn phải tiếp tục bố trí làm Bí thư Đoàn xã, Thường trực Huyện đoàn đã chủ động, rà soát, kịp thời tham mưu với Thường trực và Ban Tổ chức Huyện ủy, đồng thời phối hợp với cấp ủy cơ sở có hướng bố trí công tác cho cán bộ Đoàn ".
Với sự tham mưu này, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghi Lộc đã chỉ đạo các đảng ủy xã, thị trấn tổ chức đánh giá lại chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn đương nhiệm để bổ sung quy hoạch vào các chức danh của cấp ủy, HĐND, UBND cho phù hợp.
Để đảm bảo điều kiện luân chuyển, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm đến công tác đào tạo trình độ chuyên môn, đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ đoàn. Huyện ủy, UBND huyện Nghi Lộc đã tạo điều kiện cho Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật huyện liên kết với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế mở lớp đại học Kinh tế nông nghiệp cho 64 cán bộ quy hoạch chức danh chủ chốt cấp xã, trong đó chủ yếu là cán bộ đoàn.
Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch, các xã đã chủ động giới thiệu cán bộ đoàn thi tuyển theo học tại các trường đại học, trung tâm theo hướng đa dạng hóa chuyên môn để tiện việc sắp xếp, bố trí vào các chức danh sau này. Hàng năm, huyện còn trích ngân sách tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh niên. Căn cứ vào quy hoạch, mỗi năm cấp ủy huyện bố trí 10 - 12 cán bộ Đoàn tham gia học lớp trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh.
Với sự chuẩn bị đó, gắn với Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và kiện toàn các chức danh HĐND, UBND, BTV Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các địa phương sắp xếp được 3 Bí thư Đoàn xã vào chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, 4 trường hợp làm Phó Chủ tịch HĐND, 3 trường hợp làm Phó Chủ tịch UBND, 4 trường hợp chuyển sang các đoàn thể khác.
Đặc biệt lần đầu tiên, huyện phối hợp với Sở Nội vụ luân chuyển được 6 Bí thư Đoàn xã, thị trấn sang công chức chuyên môn với các chức danh phù hợp như: Kế toán, Tư pháp, Văn phòng - Thống kê. Như trường hợp anh Nguyễn Đình Minh, trong thời gian làm Bí thư Đoàn xã Nghi Phong đã hoàn thành khóa học Đại học Luật tại Trường Đại học Vinh. Sau 10 năm làm thủ lĩnh Đoàn, tháng 2/2017, anh đã được luân chuyển sang làm công chức tư pháp xã này.
Đến thời điểm này, các tổ chức Đoàn cơ sở ở huyện Nghi Lộc đã hoàn thành Đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2022. Sau đại hội, toàn huyện đã luân chuyển được 20 Bí thư Đoàn xã, thị trấn. Trong đó, có Bí thư Đoàn xã Nghi Thuận tuy vẫn đủ tuổi tái cử sau đại hội, nhưng đã được luân chuyển sang công chức kế toán UBND xã.
Hiện còn 4 trường hợp quá tuổi nhưng vẫn phải tiếp tục tái cử làm Bí thư Đoàn xã là Nghi Khánh, Nghi Thái, Nghi Hưng và Nghi Phương. Những trường hợp này cũng chỉ bố trí làm Bí thư Đoàn trong thời gian ngắn nên BTV Huyện ủy chỉ đạo các xã gắn với đại hội các tổ chức đoàn thể còn lại, kiện toàn các chức danh chủ chốt để sắp xếp, bố trí các trường hợp này một cách phù hợp. Theo đó, 2 xã: Nghi Khánh, Nghi Thái đã có hướng sắp xếp, luân chuyển cho Bí thư Đoàn trong năm 2018 tới đây.
Mặc dù chưa giải quyết hết được tất cả, nhưng con số 21/23 Bí thư Đoàn xã, thị trấn thuộc diện phải luân chuyển sau đại hội đã và sẽ được sắp xếp, bố trí ở vị trí mới là một nỗ lực lớn của các cấp ủy Đảng, của Huyện đoàn Nghi Lộc.
Điều đó đã giải tỏa tâm lý thiếu an tâm của đội ngũ Bí thư Đoàn quá tuổi, đồng thời cũng là nguồn động viên lớp cán bộ Đoàn tuổi đang trẻ ra sức phấn đấu, cống hiến cho phong trào Đoàn.
Nhật Tuấn (Đài Nghi Lộc)
[links()]