(Baonghean.vn) - Người khuyết tật là một trong những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội rất cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ. Trong những năm gần đây người khuyết tật đã được hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề phù hợp để họ có thể tự lo cho bản thân và gia đình mình và hoà nhập mình với xã hội.

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, toàn thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 10-15% dân số thế giới. Đặc biệt, 80% số người khuyết tật sống ở các nước đang phát triển và chiếm 20% trong nhóm người nghèo nhất thế giới.

resize_images1878598_1.jpgTạo việc làm cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thể tự tin hòa nhập cuộc sống bằng công việc thích hợp và tự nuôi sống bản thân mình.

Tại Việt Nam, với hơn 7 triệu người khuyết tật (7,8% dân số), Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có số lượng người khuyết tật cao trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong tương lai, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng do tác động của việc già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hậu quả chiến tranh…

Người khuyết tật trên thế giới nói chung và người khuyết tật tại Việt Nam nói riêng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Nhận thức của xã hội về vấn đề người khuyết tật còn hạn chế, khiến không ít người phải chịu sự phân biệt đối xử. Sự thiếu đồng bộ và thiếu hiệu quả trong hệ thống chính sách an sinh xã hội như giáo dục, y tế, việc làm cũng là một rào cản đối với người khuyết tật. Không những vậy, bản thân người khuyết tật còn mặc cảm, tự ti, chưa khẳng định được tiếng nói của mình.

Tặng xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người khuyết tật đã vượt qua nỗi bất hạnh, được sống, được làm việc và cống hiến như những người bình thường. Họ thậm chí còn thực hiện được những ước mơ, hoài bão lớn lao, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Trên thế giới, có thể nhắc đến những cái tên như Stephen Hawking – nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về hố đen vũ trụ, nhà hoạt động nhân đạo Terry Fox – đã thực hiện cuộc chạy xuyên Canada để quyên tiền cho việc nghiên cứu chữa trị ung thư hay diễn giả Nick Vuijcic – người đã truyền cảm hứng sống cho hàng triệu người. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có ‘thầy giáo không tay’ Nguyễn Ngọc Ký, giám đốc thành thạo 3 ngoại ngữ Nguyễn Sơn Lâm, cô bé xương thủy tinh Nguyễn Thị Phương Anh... và rất nhiều những gương mặt khác nữa.

Không chỉ là những người nổi tiếng, được xã hội biết đến, mà còn rất nhiều những người khuyết tật đang từng ngày hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Họ là những tấm gương vượt khó trong mọi hoàn cảnh. Có những người sinh ra đã không may mắn có được một cơ thể lành lặn. Nhưng vượt trên sự không may mắn đó, họ vẫn chấp nhận cuộc sống, đi làm tự nuôi sống bản thân và gia đình. Điều khiến mọi người cảm phục những người  khuyết tật đó là không phải là một cơ thể khiếm khuyết mà chính là nụ cười tươi vui, đầy lạc quan trên khuôn mặt sạm đi vì cuộc sống của họ.

VĐV cử tạ Lê Văn Công cùng các đồng đội đã thể hiện nghị lực phi thường của người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic 2016.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi những người khuyết tật cần gì nhất? Liệu đó có phải phải lòng thương hại hay các món quà vật chất từ các chương trình cứu trợ? Câu trả lời là Không. Điều những người khuyết tật mong mỏi chính là được coi như công dân bình thường, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Họ muốn được công nhận như một thành viên trong xã hội họ đang sống.

Trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội là điều người khuyết tật không bao giờ muốn. Vì lẽ đó, những người khuyết tật rất cần sự bình đẳng về cơ hội để vươn lên, khẳng định mình. Đó là cơ hội về giáo dục, học nghề, việc làm phù hợp, đi lại thuận lợi, vui chơi, giải trí, dịch vụ sức khỏe, phúc lợi xã hội…

Toàn thế giới đang nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật, huy động hỗ trợ về các giá trị, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước về các quyền người khuyết tật (CRPD), ban hành Luật Người khuyết tật thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của người khuyết tật.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng, người khuyết tật đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội vươn lên, cống hiến và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Kim Ngọc

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN