Các nguồn tin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cảnh sát tin rằng một nhóm gồm 15 quan chức Saudi Arabia được cử đến Istanbul để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nhà báo Khashoggi.
The Times xác nhận có ít nhất 9 trong số 15 người này làm việc cho các cơ quan an ninh, quân đội hoặc các bộ trong Chính phủ Saudi Arabia.
The Times cho biết đã thu thập thêm thông tin về các nghi can thông qua phần mềm nhận diện khuôn mặt, một cơ sở dữ liệu các số điện thoại di động Saudi Arabia, các tài liệu chính phủ Saudi Arabia bị rò rỉ, các nhân chứng và truyền thông.
Về phía Mỹ, ngày 16/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, giới lãnh đạo Saudi Arabia đã cam kết đảm bảo trách nhiệm giải trình trong vụ nhà báo Khashoggi mất tích, ngay cả khi Riyadh bác bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến sự biến mất của nhà báo này.
Trong một thông báo, ông Pompeo nêu rõ: “Đánh giá của tôi sau khi kết thúc các cuộc thảo luận (tại thủ đô Riyadh) là có sự cam kết nghiêm túc nhằm xác định toàn bộ sự thật và đảm bảo trách nhiệm giải trình, trong đó có trách nhiệm giải trình từ các lãnh đạo hoặc các quan chức cấp cao Saudi Arabia”.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết, ban lãnh đạo Saudi Arabia “khẳng định không hay biết những gì xảy ra trong lãnh sự quán của họ tại Istanbul”.
Trong một phản ứng đi ngược lại làn sóng chỉ trích của quốc tế đối với Saudi Arabia liên quan vụ nhà báo Khashoggi mất tích, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Saudi Arabia đáng được xem là vô tội, đồng thời nhấn mạnh cần phải tìm hiểu điều gì đã xảy ra trước khi cáo buộc Riyadh.
Thông báo nêu rõ: "Chúng tôi, Ngoại trưởng các nước G-7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ cùng đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU), khẳng định cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bảo vệ nền báo chí tự do. Chúng tôi rất quan ngại trước sự mất tích của nhà báo xuất chúng Saudi Arabia Jamal Khashoggi.
Những ai có trách nhiệm trong vụ việc phải bị trừng phạt. Chúng tôi khuyến khích sự hợp tác giữa Ankara và Riyadh, và mong muốn Vương quốc Saudi Arabia tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng, đáng tin, minh bạch và mau lẹ, như đã tuyên bố trước đó".
Nhà báo Khashoggi, một công dân mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ, người luôn chỉ trích các chính sách của Hoàng thái tử Mohammed, mất tích từ hôm 2/10 vừa qua khi ông đi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ./.