(Baonghean.vn) - Rạp xiếc luôn gắn liền với ký ức tuyệt vời của tuổi thơ. Câu chuyện chưa từng kể dưới đây về rạp xiếc cũng tuyệt vời như vậy.
Câu chuyện bắt đầu vào một tối trời mưa. Ông bầu lo lắng nhìn những hàng ghế vẫn còn trống quá nhiều. Buổi diễn bắt đầu lúc 20h và giờ đã là 19h45. Cả đoàn sợ đêm nay sẽ là một đêm vắng khán giả.
Phía sau tấm rèm sân khấu. Các diễn viên đoàn xiếc ngồi túm tụm trên khoảng đất nhỏ được trải bạt và tự trang điểm dưới ánh sáng le lói cùng chiếc gương cá nhân.
Gương mặt thật của chú hề. Khi không có lớp hoá trang, chú hề cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác. Người đàn ông này từng là Phó Giám đốc rạp xiếc. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục với vai diễn đã gắn bó mấy chục năm.
Trước giờ biểu diễn. Một diễn viên khỉ được cho uống sữa để đảm bảo thể lực cho tiết mục của mình.
Sân khấu lên đèn. Ánh đèn sân khấu dễ dàng giấu đi những vết bầm tím do luyện tập hay vết sờn trên trang phục biểu diễn. Nhiệt độ toả ra từ bóng đèn cao áp cũng là điều mà khán giả khó có thể cảm nhận được.
Áp lực vô hình và hữu hình. Sức nặng của đạo cụ trên lưng không bằng áp lực từ hàng nghìn con mắt khán giả.
Nụ cười của chú hề. Gương mặt cười của chú hề không giống với những tràng cười sảng khoái của khán giả. Nó giống như một kiểu mặt nạ mà nếu nhìn kỹ lại khiến người ta cảm thấy man mác buồn.
Đêm của những cảm xúc. Biểu cảm phổ biến nhất của đám đông khán giả là “mắt chữ A, mồm chữ O” và sự thay đổi liên tục từ vui vẻ, sợ hãi đến ngạc nhiên, giật mình.
Khán giả bất đắc dĩ. Một nữ diễn viên theo dõi màn diễn của đồng nghiệp qua khe hở của tấm rèm. Tiết mục thành công, họ vừa vỗ tay cổ vũ vừa thở phào nhẹ nhõm khi thấy bạn mình an toàn.
Giọt mồ hôi sau ánh đèn sân khấu. Trước khán giả, họ hào nhoáng, rực rỡ và luôn nở nụ cười. Lui về hậu trường họ mới dám lau vội những giọt mồ hôi.
Những diễn viên đặc biệt. Xiếc thú bao giờ cũng là phần được các khán giả nhí mong chờ và cổ vũ nhiệt tình nhất.
Thú xiếc không giống thú cưng. Khi các diễn viên thú lên sàn, khán giả ồ lên “Dễ thương quá, đáng yêu quá”. Nhưng chúng không phải là thú cưng và chúng biểu diễn không phải vì sở thích. Chúng lao động.
Diễn chung với thú. Một diễn viên có hơn chục năm làm bạn với thú cho biết: Đã có người diễn xiếc gấu trong đoàn bị gấu cắn ngập bắp tay và không ít lần bị gấu tát. “Không có sẹo thì không phải là diễn viên xiếc thú”, anh thản nhiên kết luận.
Diễn viên lớn tuổi nhất đàn thú. Con khỉ này được đoàn đón về lúc vài tháng tuổi, nay đã hơn mười năm tuổi. Nó không còn nhanh nhẹn để nhào lộn, đạp xe, trồng cây chuối như lũ khỉ con mà chỉ diễn được vài trò đơn giản.
Những góc khuất ít ai biết đến. Cuộc sống của đoàn xiếc không chỉ có hào quang của ánh đèn sân khấu mà còn có cả những giọt mồ hôi, nước mắt và đôi khi là cả máu. Giữ cho riêng mình những góc khuất đó, họ miệt mài cống hiến cho cuộc đời những nụ cười.
Hào quang nghề xiếc. Phiêu lưu, khổ luyện, áp lực cả về tinh thần lẫn thể xác. Điều gì khiến họ vẫn yêu và say mê với cái nghề, cái nghiệp của mình nếu không phải là những khoảnh khắc tuyệt vời này?