Nghệ sỹ Kim Tân sinh ra trong một gia đình nghèo, quê gốc Hà Nam di cư về vùng Nghĩa Đàn (Thái Hòa bây giờ) những năm 40 của thế kỷ trước để lập nghiệp. Cả gia đình, không ai theo nghiệp ca hát, cô con gái nhỏ còn đang theo mẹ cùng gánh hàng xén ra chợ huyện, chưa một lần được dạy về ca hát nhưng “được chọn vào đội tuyên truyền của huyện Nghĩa Đàn đầu tiên bởi cái dáng cao lêu đêu”, và thuộc ngay lập tức những lời ca mà cô được nghe người khác hát.
Những ngày tháng ấy còn xanh tươi mãi trong lòng nghệ sỹ Kim Tân, như thể mới hôm qua thôi, cô bé 10 tuổi gầy gò còn đang phải bò qua những cây cầu khỉ để vào vùng sâu biểu diễn, vậy mà khi đứng trên sân khấu thì lời ca vẫn cất lên trong trẻo lạ lùng. 13 tuổi, Kim Tân mồ côi mẹ. Chưa nguôi nỗi đau, cô bé Tân đã phải cùng đoàn dàn dựng một vở diễn để đi thi ở tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên, Kim Tân “được xuống thành phố”.
Hội diễn ấy, Kim Tân được Hội đồng giám khảo chấm giải nhất diễn viên xuất sắc. Và cũng sau hội diễn, một bước ngoặt đã đến với cô... Trong một lần nhạc sỹ Thanh Tùng về Nghĩa Đàn công tác, ông đã hỏi cô bé con của đội tuyên truyền: “Kim Tân có thích đi văn công không?” Cái gật đầu quả quyết của Kim Tân đã giúp cô trở thành diễn viên của Đoàn Văn công nhân dân Nghệ An ngay hôm sau đó.
Kim Tân xuống đoàn, vẫn với chiếc giỏ mây và tài sản là hai bộ quần áo. 13 tuổi, Kim Tân được giao vai diễn đầu tiên trong đời làm diễn viên chuyên nghiệp của mình, đó là vai cô Mai nghịch ngợm, dí dỏm trong vở “Bên giếng nước”. Chính buổi “công diễn” đầu tiên đó, Kim Tân và đoàn vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ xem khi Bác về thăm quê lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách.
Sau này, Kim Tân còn hai lần nữa được gặp Bác Hồ, được biểu diễn cho Bác xem, được ngồi gần Bác chụp ảnh, nghe Bác nói chuyện. “Đó chính là niềm hạnh phúc, niềm vinh dự lớn mà không phải ai cũng có được. Vinh dự ấy nhờ nghiệp diễn viên đã mang lại cho tôi” - nghệ sỹ Kim Tân chia sẻ.
Với vở diễn “Cô gái sông Lam” (Huy chương Vàng hội diễn sân khấu toàn quốc lần thứ nhất), nghệ sỹ Kim Tân đã chạm tới vinh quang nghiệp diễn khi mới chỉ là một thiếu nữ, chưa được học bài bản qua trường lớp. “Chúng tôi đã diễn với tất cả những gì chân thật, hồn nhiên, diễn bằng bản năng, bằng cảm xúc dẫn lối. Tôi không thể ngờ, chỉ với 2 màn ra sân khấu ngắn ngủi, nhưng với vai mõ - vài hài hước đầu tiên và hiếm hoi của nghiệp diễn đời mình - tôi đã giành được Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm ấy”.
Lần diễn cho Bác Hồ xem là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời nghệ sỹ Kim Tân. “Trước lúc diễn, Bác dặn chúng tôi phải chú ý trang phục làm sao cho giống những năm 1930-1931, rồi nói chúng tôi cố gắng diễn để “cho khách của Bác xem”. Khi diễn xong, Bác lên sân khấu. Chúng tôi ùa lấy Bác, được Bác chia kẹo.
Sau thành công này, Kim Tân còn “hóa thân” tài tình, mê say ở những vai mụ Cám, hoàng tử (kịch “Tấm Cám”), Thị Mầu lên chùa, vợ quan huyện (kịch “Phong trào 30-31”), bà Ương (kịch “Vườn cam”)... Và người nghệ sỹ ấy đã hạnh phúc đến trào nước mắt khi trên những hành trình lưu diễn, công tác, gặp gỡ bộ đội, người dân, người ta vui mừng gọi lên: “Ơ kìa, mẹ Mõ đấy”.
Những năm chiến tranh ác liệt, Đoàn Văn công Nghệ An chia thành nhiều tốp nhỏ phục vụ cho chiến trường. Kim Tân cũng ở một mũi xung kích. Năm 1965, khi ấy Kim Tân vừa lấy chồng. Mang thai đứa con đầu lòng, nhưng giọng hát trong vút ấy vẫn đã cất lên trên những trận địa pháo ác liệt tại cầu Cấm, bara Đô Lương, tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân bên bờ sông Lam...
Sau này, đi học thêm về biên kịch, đạo diễn, nghệ sỹ Kim Tân trở thành phó đoàn, rồi trưởng đoàn Dân ca - chèo Nghệ An. Lúc này cô còn kiêm thêm Chủ nhiệm Khoa Sân khấu, trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Hàng chục Huy chương Vàng trong cuộc đời làm nghệ thuật cho các vai diễn, vở diễn, dù là diễn viên, đạo diễn hay biên kịch, không thể nhớ hết tên các vở diễn trong đời, thế nhưng điều đau đáu nhất của nghệ sỹ Kim Tân chính là dân ca.
Chính vì lẽ đó, từ khi về hưu, nghệ sỹ Kim Tân đã dành phần lớn thời gian của mình để… sáng tác. Những vở kịch do Kim Tân viết lời, dàn dựng và biểu diễn cùng NSƯT Song Thao, nghệ sỹ Văn Nhân, Ngọc Lan, Minh Châu… đã để lại bao nhiêu niềm thương mến trong lòng bà con vùng sâu, vùng xa, vùng lũ.