"Làm chương trình hài khó đến mức, nhiều lúc mình phải mếu và… khóc" - nghệ sĩ hài Xuân Bắc thổ lộ.
Hơn 20 năm làm nghề, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau: MC, diễn viên hài, diễn viên kịch, giám khảo… chất hài hước khó lẫn của nghệ sĩ Xuân Bắc luôn làm vừa lòng khán giả nhiều lứa tuổi. Ẩn sau cách nói chuyện tinh nghịch luôn là sự nghiêm túc và cẩn thận: “Hỏi chuyện làm chương trình hài à, đúng chuyên môn của anh rồi”.
Lấy tiếng cười của mọi người không dễ
Anh thấy làm chương trình hài khó cỡ nào?
- Làm chương trình hài khó đến mức, nhiều lúc mình phải mếu và… khóc. Có nhiều vấn đề lắm, mọi người đang bị đánh giá sai giữa hài và hề, giữa tiếng cười dễ dãi và tiếng cười thâm thúy, có ý nghĩa. Nói rằng anh này làm hài hay lắm khác hẳn làm hề buồn cười lắm! Để lấy được tiếng cười của mọi người không dễ.
Cá nhân tôi thấy sức sáng tạo, khả năng cảm nhận xã hội và mở rộng của mình ngày càng yếu, trong khi đó cuộc sống ngày một thay đổi, nhu cầu của khán giả ngày càng cao nên sức ép lên vai những người làm hài như tôi cũng ngày càng lớn.
Vậy theo anh, nụ cười bật lên từ sự hài hước phải như thế nào?
- Đầu tiên là phải khiến cơ mặt giãn ra, mắt phải long lanh, miệng phải mở rộng, phát ra tiếng, người ta gọi là cười cơ học. Tức là niềm vui phải khiến con người thư giãn, thoải mái, giảm stress rồi sau đó mới là sự thanh lọc, hướng tới cái thiện, cái mĩ được. Cho nên, người làm hài mang đến một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, tôi nhấn mạnh, vẫn phải hội đủ 3 tiêu chí: Chân - Thiện - Mĩ.
Những năm gần đây, hài kịch, tiểu phẩm hài, chương trình thực tế hài, gameshow hài, hài kịch tình huống, tấu hài ứng biến xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình. Có muôn vàn cách để chuyển tải tiếng cười trên màn ảnh nhỏ đấy chứ ạ?
- Đấy toàn là khái niệm mới, chưa có ai định nghĩa. Có thể mọi người gọi theo chương trình mình làm, cá nhân tôi chưa được học về những khái niệm đó. Còn tôi, tôi biết mấu chốt hài ở đâu và phải kể như thế nào.
Xét cho cùng, những chương trình hài luôn lấy tiếng cười làm đích đến, tuy nhiên, để nắm bắt vấn đề, chuyển tải thành kịch bản dưới lăng kính hài hước thì không hề dễ và không phải ai cũng có khả năng. Với bản thân anh, khi là diễn viên hài, khi trong nhóm làm kịch bản, làm MC…, anh đúc rút được điều gì ?
- Trong "chuyên môn hài", chúng tôi rất hay nói với nhau về những "miếng hài", miếng đánh nào đẹp, miếng nào gây hiệu quả. Những "miếng hài" đó gồm nhiều trò diễn khác nhau, không phải lúc nào cũng tìm ra. Bản thân của nghệ thuật là sự sáng tạo nhưng cũng chỉ có mấy kĩ thuật để làm thôi, nên cái khó là tìm ra "miếng hài" và áp dụng nó như thế nào.
Nếu một kịch bản hoàn chỉnh, có câu chuyện, tình huống thì thêm "miếng hài" dễ hơn. Khó nhất là mâu thuẫn, xung đột không chính xác, không đúng, điểm rơi cảm xúc hỏng thì nghệ sĩ chỉ biết "bơi" trên sân khấu, khỏe đến đâu "bơi" đến đấy. Và trong lúc ấy, chúng tôi chỉ muốn nhanh chóng hết thời gian.
Vậy anh đánh giá những chương trình hài trên truyền hình hiện nay thế nào, cả những chương trình thuần Việt và mua bản quyền của nước ngoài?
- Bản thân các chương trình truyền hình là những tác phẩm báo chí. Tất nhiên vẫn có phim, sân khấu, tiểu phẩm nhưng truyền hình tiếp cận cuộc sống theo ngôn ngữ báo chí nhiều hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi muốn thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, bạn phải hòa mình trong ảo giác nghệ thuật, thưởng thức trong khuôn khổ của nó.
Ví dụ, muốn xem kịch thì phải đến sân khấu nhà hát, nếu xem phim điện ảnh thì phải đến rạp mới trọn vẹn. Hài trên truyền hình hay, thú vị và mọi người thích lắm chứ. Cụ thể là Ơn giời!Cậu đây rồi!. Không phải tôi làm mà khen đâu nhưng đó là một trong những chương trình đạt tỷ suất người xem cao mà không nhờ scandal.
Nhưng rõ ràng vẫn có rất nhiều phản ứng trái chiều về chương trình, thậm chí không ít lời chê bai khá nặng lời?
- Tất nhiên là có những hạt sạn trong quá trình ngẫu hứng biểu diễn, biên tập và trong cả nhận thức của người xem nữa. Người làm chương trình có thể vì sức ép về thời gian, về cơm áo gạo tiền; biên kịch, nhà sản xuất, nhà tài trợ đôi khi tặc lưỡi bỏ qua hạt sạn và nghĩ rằng, trong số 100 kênh truyền hình, cái này chỉ 3 giây, ai để ý.
Nhưng không phải khán giả sẽ không bỏ qua, dù chỉ nửa giây. Vì thế, chủ thể sáng tác, tức chúng tôi - những diễn viên, người làm, đạo diễn... phải tự rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó là người xem, có nhiều người bình luận điên đảo, họ tự thấy mình vĩ đại khi chê tới chê lui, chê dọc chê ngang nhưng cả đời họ lại chẳng có tác phẩm nào cả.
Yếu tố "ngoại" của những format chương trình hài từ nước ngoài khi Việt hóa và phát sóng đã hợp lý chưa và có ảnh hưởng ra sao tới chất lượng chương trình?
- Đó là hai cái khác hẳn nhau. Phiên bản gốc là cái khung nhà, bài trí căn nhà đó như thế nào lại là nội dung. Cái phom tạo hình thức tiếp cận nhất định với khán giả, còn nội dung chính vẫn là những người sản xuất chương trình. Nếu ai đó có nhãn quan tốt, biết kết hợp giữa hình thức và nội thất thì cơ hội chiến thắng sẽ nhiều hơn. Có những người không nhìn nhận được sự giao hòa hợp lý cần thiết giữa nội dung và hình thức, mua format của nước ngoài thì thất bại sẽ nhiều hơn.
Anh đã "đi Nam về Bắc", anh có thấy có sự khác biệt trong cách tạo tiếng cười giữa hai miền?
- Nói về phân biệt vùng miền thì tôi sẽ không có nhận xét cụ thể. Lý do là nghệ thuật dù ở đâu cũng phải đáp ứng những yêu cầu nhất định. Tôi chỉ có thể nói rằng, Bắc - Nam, Âu - Á, Phi - Mỹ đều cần tiếng cười và điều đó giúp con người thấy niềm vui trong cuộc sống. Những người làm nghệ thuật - tạo ra tiếng cười - muốn khán giả yêu mến thì không được hời hợt, phải cố gắng hết sức mình.
Tất nhiên, đặc trưng văn hóa ở mỗi vùng miền có sự khác nhau nhưng đừng bao giờ nói văn hóa của ai tốt hơn ai. Nó là cảm nhận, đi vào máu, vào cuộc sống, không bao giờ so sánh được. Tôi rất dị ứng với sự so sánh. Chúng tôi làm chương trình và không phân biệt Nam - Bắc, chúng tôi yêu quý, kết hợp với nhau rất ăn ý.
Hãy chỉ lỗi để chúng tôi sửa
Anh là một nghệ sĩ dạn dày kinh nghiệm, có vị trí vững vàng trong làng hài nhưng vẫn bị “bắt lỗi” như thường. Những “tai nạn” đó có thường xuyên không?
- Đó không phải là tai nạn. Khán giả bắt lỗi là đúng, hãy chỉ lỗi để chúng tôi sửa. Tôi có rất nhiều lỗi, tôi đồng ý. Tôi sẽ tiếp tục làm để có những tác phẩm hay và tiếp tục mắc lỗi. Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là không lặp lại, chừng nào hết sáng tạo thì không có nghệ thuật nữa mà bạn là người đóng gạch.
Có những lỗi tôi tự thấy ngay trên sân khấu hoặc khi xem lại chương trình. Tôi luôn đón nhận sự chia sẻ thực sự nhưng cực kỳ dị ứng với những người tỏ ra nguy hiểm, phán xét thế nọ, thế kia.
Có rất nhiều chương trình đã ghi dấu ấn của Xuân Bắc. Vậy có chương trình nào anh muốn quay lại làm tiếp?
- Đó là Hỏi xoáy, đáp xoay và tôi đang dự định thực hiện trong năm nay. Tự thân nội dung của nó đã rất hay rồi, phần câu hỏi, trả lời, biên tập rất thú vị. Tôi sung sướng nhất là chương trình đạt được hiệu ứng xã hội. Ẩn sau những câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt đó là cuộc sống, những suy nghĩ, trăn trở của nghệ sĩ và của cả ê-kíp.
Anh có nghĩ rằng, sự trở lại sẽ khiến mình bị áp lực lớn hơn?
- Áp lực lớn nhất là chính mình. Tôi chỉ buồn khi bản thân chưa cố gắng và hạn chế để điều đó xảy ra. Tôi luôn từ chối nếu chương trình nào tự thấy mình không đủ thời gian, tâm sức để làm. Cũng phải mở ngoặc là chưa có chương trình nào vì cát-xê thấp mà tôi từ chối tham gia.
Có vẻ anh là người "chung thủy" vì chưa bao giờ thấy Xuân Bắc bỏ giữa chừng?
- Đúng vậy, đố bạn tìm được chương trình nào tôi tham gia và bỏ. Gặp nhau cuối tuần hay Hỏi xoáy, đáp xoay đều do chương trình không làm tiếp nữa. Tôi đã cân nhắc cẩn thận vì muốn khi đã nhập cuộc rồi thì tôi sẽ làm hết sức và tốt nhất, cố gắng tạo nét mới, nét hay riêng gắn với tôi.
Vậy năm 2015, khán giả sẽ được gặp anh trong những chương trình nào ?
Dự kiến vào tháng 6 năm nay, sẽ có một sân khấu biểu diễn riêng, định kỳ vào Chủ nhật hàng tuần cho trẻ em. Tôi muốn trẻ em yêu sân khấu nhiều hơn, xem kịch Xuân Bắc – Tự Long nhiều hơn. Nhiều kế hoạch như: đi diễn nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, Tết thiếu nhi 1/6, Liên hoan sâu khấu toàn quốc, Liên hoan sân khấu với hình tượng Công an nhân dân, các chương trình của Nhà hát kịch Hà Nội, rồi Đồ Rê Mí của Ban Sản xuất các chương trình giải trí, Cầu vồng với Ban Thanh Thiếu niên, có thể gặp lại khán giả trong Hỏi xoáy, đáp xoay, vẫn tiếp tục chương trình Đuổi hình bắt chữ, khoảng tháng 8 đến tháng 10 lại làm Ơn giời! Cậu đây rồi!...
Chừng ấy công việc đã ngốn hết thời gian của anh rồi, có còn chỗ để cho những vai diễn của Xuân Bắc ở phim truyền hình nữa không?
- Không làm phim cũng nhớ, lâu lắm rồi tôi không có vai nào cho thật hay. Tôi vẫn chờ cơ hội để bỏ những việc khác, bỏ thu nhập, bỏ show truyền hình để sống với nhân vật, nhưng nó phải xứng đáng với công sức, thời gian bỏ ra (theo tiêu chí của cá nhân tôi thôi nhé).
"Táo quân" và những cảm xúc của nó mang lại luôn khiến dư luận, khán giả mong ngóng, kỳ vọng lớn. Là nghệ sĩ đã tham gia nhiều "mùa táo", cảm xúc của anh như thế nào?
- Một trong những yếu tố quan trọng khiến chúng tôi thực sự hào hứng làTáo quân phát sóng dịp Tết. Tôi nhìn nhận đó là một sự tự hào, một món quà đúng nghĩa để gửi tới những người yêu mến chúng tôi và chương trình. Cái đó quan trọng lắm.
Còn gì sung sướng hơn khi chúng tôi mang lại tiếng cười ý nghĩa bên mâm cỗ tất niên. Sung sướng vô cùng, tự hào vô cùng và sức ép cũng vô cùng. Táo quân là công sức sáng tạo của cả tập thể. Nói đúng mực nhất, tôi cảm thấy tự hào về sự có mặt trong sáng tạo chung đó, tạo ra một sản phẩm như thế.
Nhưng trong khi các bạn diễn được đổi vai Táo liên tục thì anh vẫn chỉ một màu Nam Tào. Nếu có mong muốn thay đổi vai của mình trong "Táo quân", anh sẽ chọn vai nào ?
- Ước mơ lớn nhất của Xuân Bắc vẫn là tham gia trong ê-kíp Táo quân bởi nó đã gắn bó lắm rồi, không thể bỏ được. Nếu cho vai nào ít lời hơn trên sân khấu thì tôi chỉ thích được làm… Thiên Lôi, thoắt ẩn, thoắt hiện, mang rìu mang búa. Nói vui vậy thôi chứ trong Táo quân, các vai đều quan trọng như nhau. Đó là cả một tổng thể thương hiệu Táo quân, mỗi khúc, mỗi đoạn đều chói sáng nhưng không thể tách riêng.
Xin cảm ơn anh!
Theo Vtv.vn