(Baonghean) -Sau 2 năm tổ chức thành công “Lễ hội chọi trâu”, ở Nghi Thái (Nghi Lộc) bỗng rộ lên nghề “săn trâu chọi” với rất nhiều người tham gia. Ngoài thú vui thể hiện tài năng “tầm ngưu” và mang đến cho hội chọi trâu những trận đấu hấp dẫn, các “thợ săn” còn có thể thu được bộn tiền khi bán những con trâu tốt cho các thương lái Hải Phòng, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang...
Anh Doãn Ngọc Hợi, một “thợ săn trâu chọi” có tay nghề bậc nhất ở Nghi Thái cho biết: Tuy mới đầu năm nhưng hiện nay các thợ trâu đã đưa về Nghi Thái gần hai chục con trâu chọi để huấn luyện chuẩn bị cho Lễ hội chọi trâu năm 2013. Chắc chắn cuộc đua tới ngôi vô địch năm nay sẽ gay cấn hơn những năm trước rất nhiều. Rồi anh dẫn chúng tôi ra cánh đồng trước nhà để chiêm ngưỡng con trâu mới mua về mà anh rất tâm đắc. “Xét về tướng học thì con này không thể chê vào đâu được. Chỉ cần chăm sóc vỗ béo và huấn luyện một thời gian nữa nó sẽ là một con trâu chọi ít có đối thủ nào địch nổi. Vừa rồi có mấy tay lái trâu người Đồ Sơn (Hải Phòng) vào ăn chực nằm chờ cả tuần thuyết phục tôi bán lại, họ trả đến 100 triệu đồng nhưng nhất định tôi không bán.
Lễ chọi trâu được tổ chức hàng năm ở Nghi Thái.
Theo anh Hợi, một con trâu chọi tốt phải có cặp sừng chắc và nhặt, độ cong của cặp sừng vừa phải, mắt nhỏ và sâu, mí mắt dày, cổ to, ngực nở (vòng ngực phải từ 2,05m trở lên), lưng thẳng, da dày và bóng, lông cứng như cước, móng sò, chân to chắc, dái săn, xoáy đóng đẹp... và đặc biệt là trán phải phẳng, bởi vì nếu trâu chọi trán dô thì chỉ cần một cú húc mạnh sẽ khiến trâu choáng váng phải bỏ chạy, còn những đòn như “hổ lao” thì sẽ khiến trâu vỡ sọ chết ngay tại chỗ.
Anh Hợi kể, để tìm được một con trâu ưng ý như thế, anh đã mất hơn 1 tháng trời lùng sục khắp các tỉnh vùng Tây Nguyên. Khi đến Đắc Lắc, nghe một người mách bảo có con trâu rất tốt vừa mới được bán cho một gia đình ở Đồng Tháp, lập tức anh xin địa chỉ rồi lần tìm xuống hỏi mua lại. Lúc đầu gia đình nông dân kia nhất định không chịu bán, vì họ làm nhiều ruộng nên cần một con trâu khỏe để kéo cày, nhưng sau nhiều ngày ăn chực nằm chờ và trả giá rất cao, cuối cùng anh Hợi đã thuyết phục được họ bán con trâu cho anh với giá 62 triệu đồng. Thanh toán xong tiền, anh ở lại làm quen với con trâu vài ngày, đồng thời gọi điện thoại cho người nhà đánh ô tô vào Đồng Tháp chở trâu về.
Theo anh Hợi, thông thường trâu mới đưa từ miền núi về rất nhát và hay sợ tiếng động. Phải trải qua quá trình huấn luyện thì trâu mới quen chủ. Mỗi buổi sáng anh đều phải dắt trâu ra chợ cho làm quen với chỗ đông người, rồi dùng trống đánh bên tai để khi thi đấu giữa hàng vạn người hò hét ồn ào trâu không sợ bỏ chạy. Trong thời gian chăm sóc vẫn cho trâu cày kéo để vừa rèn luyện sức khỏe vừa giúp gia đình sản xuất nông nghiệp. Chỉ đến gần ngày thi đấu mới cho trâu nghỉ ngơi tẩm bổ với chế độ ăn uống đặc biệt. Năm 2011 và năm 2012, hai lần xã Nghi Thái tổ chức Lễ hội chọi trâu thì cả hai lần trâu của anh Doãn Ngọc Hợi đều giành ngôi vô địch. Với con trâu rất ưng ý mua về từ Đồng Tháp lần này, anh Hợi đang hy vọng năm nay sẽ tiếp tục bảo vệ được ngôi quán quân.
Tuy nhiên chính anh Doãn Ngọc Hợi cũng phải thừa nhận, các trận đấu năm nay sẽ rất căng thẳng và để giành được ngôi vô địch sẽ vô cùng khó khăn. Bởi vì hiện nay ở Nghi Thái, nhiều gia đình đã mua về rất nhiều trâu chọi tốt, nhà nào cũng tỏ ra quyết tâm giật giải nên đầu tư nhiều công sức lặn lội từ Nam chí Bắc săn lùng mua về những con trâu khỏe nhất, thậm chí nhiều người còn sang cả bên Lào hàng tháng trời để tìm.
Tôi theo anh Hợi đến gặp anh Vương Đình Khương, một “thợ săn trâu” cũng rất sành sỏi ở xóm Thái Thọ (Nghi Thái). Trong lần tổ chức đầu tiên năm 2011, trâu của anh Khương giành giải nhì sau trận chung kết thua trâu của anh Hợi và tại giải đấu năm 2012 vừa qua, trâu của anh Khương cũng được đánh giá cao nhưng lá thăm không may mắn đã buộc trâu của anh lại phải gặp trâu anh Hợi ngay từ vòng ngoài nên bị loại sớm. Với quyết tâm “phế truất” ngôi quán quân của trâu anh Hợi, ngay đầu năm nay anh Khương lặn lội khắp các vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa, hễ có người giới thiệu con trâu nào tốt là lập tức đến tận nơi. Sau 2 tháng trời xem xét hàng trăm con trâu khác nhau, cuối cùng anh đã mua về được một con ưng ý nhất với giá 60 triệu đồng. Anh Khương cho biết, con trâu của anh rất khôn ngoan, mặc dù mới nuôi được 3 tháng nhưng nó đã biết nghe lời chủ răm rắp. Để chứng minh, anh dắt trâu ra vườn và hô “nằm xuống”, lập tức con trâu quỳ hai chân trước xuống và nằm, anh hô “đứng dậy” con trâu ngoan ngoãn đứng lên, rồi anh hô “chạy” con trâu cũng nghe lời chủ sải bốn chân chạy...
Ngoài mấy anh em nhà ông Hợi và anh Khương, ở Nghi Thái còn có rất nhiều “thợ săn trâu chọi” có tiếng, như anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Thái Lộc. Năm 2012, con trâu nhà anh Hùng đã giành được giải Nhì, sau đó các thương lái Hải Phòng đã vào mua lại với giá 57 triệu đồng, hiện nay con trâu đó đang được một thợ trâu Đồ Sơn huấn luyện để tham gia thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2013. Mới đây anh Hùng đã ra Quỳnh Lưu mua về được một con khác, hiện anh đang tập trung chăm sóc và huấn luyện với hy vọng nó sẽ đoạt giải để bán được giá cao…
Được biết, lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái được một số người mê chọi trâu khởi xướng từ năm 2008. Đến năm 2011, thấy số lượng trâu chọi trong xã rất đông và có hàng chục gia đình muốn tham gia cuộc thi, tôi bàn với những người trong hội làm tờ trình lên UBND xã xin tổ chức một giải chọi trâu chính thức để công tác an ninh trật tự được đảm bảo. UBND xã đã họp đi họp lại nhiều lần trao đổi ý kiến, cuối cùng thống nhất làm tờ trình xin phép UBND huyện và Sở VHTT&DL tổ chức Lễ hội chọi trâu thí điểm ở Nghi Thái. Được sự cho phép của cấp trên, hai năm qua lễ hội đã diễn ra rất thành công. Đặc biệt, năm 2012, lễ hội đã thu hút được hơn 2 vạn khán giả đến xem, các trận đấu được nhiều người đưa lên mạng internet và gây được sự chú ý của nhiều người khắp nơi trong cả nước.
Là một người có tiếng tăm trong giới chơi trâu chọi, anh Doãn Ngọc Hợi chia sẻ: “Tôi vừa là người chơi trâu chọi, vừa là người buôn bán trâu chọi, lại được mời tham gia trong Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái, nhưng tôi vẫn trăn trở một điều là, hầu hết trâu chọi sau khi tham gia cuộc thi, thắng hay thua đều bị xẻ thịt. Tôi đang định đề xuất ý kiến từ nay các kỳ lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái bổ sung thêm quy định, sau khi tham gia giải, những con trâu lành lặn không được giết thịt. Như vậy lễ hội sẽ mang tính nhân văn hơn. Hơn nữa do sau mỗi kỳ lễ hội, trâu chọi lại bị giết thịt hàng loạt nên trâu chọi ngày càng hiếm”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hữu Lộc – Trưởng phòng q Quản lý văn hóa của Sở VHTT&DL Nghệ An cho biết: “UBND xã Nghi Thái và UBND huyện Nghi Lộc đã có tờ trình xin phép đưa Lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái lên tầm khu vực và tổ chức thường niên, nhưng Sở chưa đồng ý. Một số lý do là: Lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái mới tự phát trong thời gian gần đây, chưa phải là lễ hội truyền thống lâu đời; Thứ hai là Nghi Thái chưa có sới chọi như Đồ Sơn (Hải Phòng) và một số nơi khác nên công tác tổ chức khó đảm bảo an toàn; Thứ ba là lễ hội đang mang tính thương mại nhiều quá, hiện tượng sau khi trâu thi đấu bị xẻ thịt bán ngay tại chỗ trông rất phản cảm... Bởi vậy, Sở VHTT&DL vẫn đang cho tổ chức thử nghiệm, nếu sau này thấy đủ điều kiện mới cấp giấy phép cho tổ chức thành lễ hội truyền thống hàng năm”.