(Baonghean) - Dẫu trời mưa dầm giá rét hay nắng nung người, đã thành thông lệ, cứ tầm 3, 4 giờ sáng và 5, 6 giờ chiều, người dân xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) lại chuẩn bị đẩy thuyền, vác lưới với bao nhiêu hy vọng về một chuyến ra khơi…
Người đàn ông chúng tôi gặp trên bãi biển Quỳnh Nghĩa có tên là Hồ Toản. Gần 70 tuổi, nhưng lão ngư này vẫn còn tráng kiện. Ông kể, đã gắn với nghề đi lưới hơn 50 năm. Cũng nhờ lộc biển, vợ chồng ông gom góp xây được ngôi nhà ngói 3 gian kiên cố, giúp thêm vốn liếng cho 2 anh con trai ra ở riêng, mua được thuyền lớn vươn khơi. "Còn sức, còn đi o ạ. Đi biển thì bữa cơm mô cũng có thức ăn tươi. Ở cái làng biển ni có dăm bảy người tuổi 70 vẫn còn đi biển ". Người dân Quỳnh Nghĩa gọi nghề chài lưới là “đi hừng đông”, “đi tắt ráng” vì “nghề ni toàn đi vào cái giờ khi người ta đang ngon giấc ngủ hoặc lúc chuẩn bị vào bếp thổi cơm chiều. Đi hừng đông 3, 4 giờ sáng, tầm 10, 11 giờ là về và tất ráng 5, 6 giờ chiều đi, quãng 10, 11 giờ đêm về.” Ngoài đồ nghề là lưới thì vật bất ly thân là chiếc đèn pin buộc trên đầu .
Người dân xóm 3, nhà ít nhất 2 vàng lưới, nhiều nhất 4 vàng lưới, họ dậy từ 3 giờ sáng, vác từ nhà đến biển mất chừng 15 phút, nhưng chưa thấm vào đâu so với công đoạn đẩy thuyền. Đẩy thuyền từ trên cát xuống biển, nhưng nước cạn thì vẫn phải đẩy đến khi nào thuyền quay máy được mới thôi. Vì vậy, mỗi nhà tự làm một cái xe kéo thuyền, mỗi lần kéo phải huy động 4- 5 người, nhà này đẩy giúp nhà kia. “Vất vả nhưng cũng vui. Mờ sớm tới đây o sẽ thấy tiếng bước chân lội bì bõm, tiếng sóng biển và cả tiếng nói cười rộn rã một góc biển”.
Trò chuyện với ông Toản một lát thì những chuyến đi “hừng đông” trở về của bà con cập bến. Thuyền đầu tiên là của gia đình ông Hồ Bính. Ông Bính quần xắn cao trên đầu gối, tay đẩy xe, trên xe đầy lưới và các loại cá, tôm. "Hôm nay nhà mình đánh được nhiều cá nhỉ?. "Cũng tàm tạm" ông Bính nói rồi nhìn sang con trai khoe: “Cháu nó học đại học, hôm nay được nghỉ, về phụ giúp bố thêm mấy chuyến biển. Người ta nói "Tháng Giêng là tháng ăn chơi", ăn chơi mô thì nỏ thấy, ở làng biển này mồng 4 người ta đã đi biển cả rồi. Lúc này, bà Nhinh (vợ ông Bính) mới lên tiếng: "Cũng nhờ gia đình tui sắm được 4 vàng lưới các loại nên chuyến mô đi cũng nhiều tôm, cá”. Bà nhẩm tính, trừ chi phí dầu, hao tổn lưới… chuyến này cũng kiếm được vài triệu đồng, đây là chuyến may mắn. Bà nói: "Giá trị là ở chỗ gần cả yến tôm tít trứng này đây, giá tôm tít trứng bán tại nhà cũng được giá 120- 150 nghìn đồng/1kg". Mấy người kinh doanh quán ăn, buôn bán ở chợ Quỳnh Nghĩa thì đã chờ sẵn thuyền ông Bính từ trước đó, râm ran bán mua, ngã giá…
Khác với niềm vui gia đình ông Bính, bà Hồ Thị Đông (60 tuổi) giọng buồn buồn, nói: "Không phải nhà nào cũng được nhiều cá như nhà ông Bính mô cháu ạ. Bên nớ sắm được nhiều lưới, cũng gặp may mắn nữa, như nhà tui mấy hôm nay ngày đi 2 chuyến mà được ít lắm, trừ tiền dầu chỉ còn lại dăm ba chục ngàn đồng thôi". Trước đây gia đình bà cũng thuộc diện nhiều loại lưới, nhất nhì làng này. Qua trận bão lớn, bao nhiêu lưới mất cả. Mấy năm nay gia đình bà chỉ thả 1 váng lưới, một mình chồng bà Đông đi, bà có bệnh huyết áp nên không đi được nữa, ở nhà giữ các cháu. Bà nói, trung bình mỗi tháng cũng kiếm độ trên dưới 4 triệu đồng.
Một gia đình đi lưới phải đầu tư ban đầu tối thiểu 30 đến 40 triệu đồng, riêng tiền thuyền 20 triệu đồng, khoảng 2 vàng lưới một váng gần 10 triệu đồng. Lưới có nhiều loại, loại sưa, nhặt. Càng sắm nhiều loại lưới thì đánh bắt được nhiều loại tôm cá. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng sắm được 4 vàng lưới như gia đình ông Hồ Bính. Bởi, giá lưới cao, bỏ ra hàng chục triệu đồng mua một vàng lưới không phải là chuyện đơn giản với bà con nơi đây. Vì vậy, bà con chỉ có cách “siêng nhặt chặt bị”, mỗi nhà trung bình 2 vàng lưới, họ đi cả 2 chuyến mỗi ngày, chuyến “hừng đông” và “tắt ráng”. Bởi đơn giản rằng, cơm áo gạo tiền, học hành của con cái, mọi trang trải cuộc sống cũng chỉ nhìn vào nghề chính đó. Và, dẫu nghề đi lưới tuy không cho họ cuộc sống giàu có nhưng cũng đủ ăn, đủ trang trải cuộc sống.
Vất vả, khó nhọc, mất ngủ nhưng ông Toản, ông Bính, bà Đông... và bà con làng biển xóm 3, xã Quỳnh Nghĩa luôn một lòng yêu biển, đặt niềm tin vào mỗi chuyến đi biển…
Thu Hương