(Baonghean) - Là một huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua Nghĩa Đàn đã có nhiều biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân tăng sản lượng trên đơn vị diện tích; tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra cho sản phẩm… từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp họ gắn bó với ruộng đồng.
Anh Hoàng Văn Minh ở làng Bé, xã Nghĩa Yên có “thâm niên” trồng dưa hấu, theo anh, nếu được mùa, được giá, mỗi ha dưa hấu cũng cho lãi 50 đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để được cả hai yếu tố này không phải là điều đơn giản, bởi thực tế lúc được mùa thì rớt giá, lúc giá cao thì dưa mất mùa. Đó là chưa kể, cây dưa chỉ hợp với đất mới nên làm được vài vụ là phải chuyển cây trồng khác. Vì vậy, mặc dù có đất nhưng năm nay anh phải đi thuê 1 ha đất với giá 10 triệu đồng ở xóm Nhâm, xã Nghĩa Yên để trồng dưa. Khác với năm trước, để tránh rủi ro về giá cả, năm nay gia đình anh không trồng đồng loạt mà 50% diện tích xuống giống dịp trước tết và 50% diện tích đất còn lại sau 1 tháng gia đình mới làm đất xuống giống. Anh Minh chia sẻ: “Làm dưa hấu 90 ngày là cho thu hoạch, nếu thuận lợi 1 ngày mỗi ha có thể kiếm được 1 triệu đồng, nhưng cả gia đình phải làm lều chòi túc trực 24/24h để chăm sóc, kiểm tra sâu bệnh và tưới nước. Các năm trước cả làng, cả xã làm đồng loạt đến khi dưa chín bị tư thương ép giá, không bán thì hỏng nên công sức bỏ ra nhiều mà không có lãi, nhiều gia đình còn lỗ nặng”.
Năm 2014, Nghĩa Yên trồng 200 ha dưa hấu, đây cũng là xã có diện tích dưa lớn nhất huyện Nghĩa Đàn (toàn huyện trồng hơn 700 ha) để tránh thu hoạch ồ ạt, dễ bị tư thương ép giá, xã Nghĩa Yên đã định hướng cho bà con trồng rải vụ, vì vậy, ngoài những diện tích cây dưa đã phát triển tốt thì thời điểm này một số hộ đang tiến hành làm đất để xuống giống dưa. Ông Nguyễn Văn Nho, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết: “Theo định hướng của xã, cây dưa là cây chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Khi chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm thì trước mắt tìm những giải pháp giúp người dân tránh được những thiệt thòi. Năm nay chúng tôi tuyên truyền cho bà con trồng dưa vào nhiều thời điểm, cách nhau 5 đến 7 ngày, thậm chí cả tháng. Thứ nhất, nếu gặp thời tiết không thuận lợi thì diện tích bị rủi ro ít hơn; thứ 2, đến khi thu hoạch tránh việc dưa chín ồ ạt một thời điểm lại bị ép giá”.
Đó là với những cây trồng chưa được bao tiêu đầu ra, còn với những cây trồng được bao tiêu đầu ra như mía thì nông dân cũng gặp không ít khó khăn về giá cả và phụ thuộc vào thời điểm thu mua. Cái khó ló cái khôn, nhiều nông dân đã tìm nhiều cách để “chạy theo” nhà máy. Huyện Nghĩa Đàn hiện có 8600 ha mía, để tăng năng suất trên đơn vị diện tích, Nghĩa Đàn đã có nhiều biện pháp, trong đó đưa vào các loại giống mới có thời gian chín muộn. Đơn cử ở xã Nghĩa Đức, là xã trồng mía nhiều nhất huyện với 800 ha, các năm trước xã đưa giống mía QĐ 93159 vào trồng, năng suất vượt trội hơn so với các giống mía cũ.
Tuy nhiên theo nhiều người dân thì giống mía này cũng có nhiều nhược điểm như trổ cờ sớm, nếu nhà máy thu mua chậm thì năng suất giảm. Trước tình hình đó xã đã nhân giống mía LK9211 để nhân dân trồng. Chị Nguyễn Thị Sâm xóm 3, xã Nghĩa Đức, năm nay trồng 3 sào giống mía LK9211, cho biết: “Trước đây trồng giống mía cũ cũng năng suất nhưng cây yếu, dễ bị ngã và nhanh trổ cờ, nhà máy thì thu mua chậm, chờ đến khi nhà máy thu mua người trồng mía như chúng tôi bị thiệt đơn thiệt kép. Vì vậy, năm nay tôi mua giống mía LK 9221 trồng, năng suất, độ đường lớn, lại muộn trổ cờ”. Năm 2014, xã Nghĩa Đức trồng mới 100 ha mía, trong đó nhân giống mía LK9211 20 ha, đây là giống mía được huyện Nghĩa Đàn xây dựng thử nghiệm và thu hiệu quả kinh tế cao hơn các giống khác.
Bài toán trồng cây gì để vừa năng suất, vừa bán được giá luôn là trăn trở không chỉ với nông dân mà còn đối với ngành Nông nghiệp của huyện Nghĩa Đàn. Trước tình hình đó, phòng Nông nghiệp huyện cũng đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây mới và phối hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm này. Tại xã Nghĩa Thắng, trong vụ đông năm 2012, phòng Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo trồng thử nghiệm 2 ha cây ớt, đến vụ đông năm 2013 tiếp tục trồng 5 ha. Khi trồng loại cây này, bà con nông dân được vay tín dụng từ công ty, tức là công ty đứng ra cho vay phân, giống, phí sản xuất. Đến cuối vụ công ty thu mua sản phẩm. Theo đánh giá thì đây là mô hình khá khả quan vì người dân được vay vốn và bao tiêu sản phẩm. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Xác định được đầu ra cho sản phẩm là vấn đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nên thời gian qua, phòng đã chủ trương liên kết trong sản xuất. Sắp tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với công ty ký hợp đồng cho bà con 3 xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Phú, Nghĩa Thọ trồng 15 ha cây bí đỏ đặc ruột để xuất khẩu. Với diện tích này thì người dân cũng được vay vốn tín dụng và được bao tiêu sản phẩm, giá cả thỏa thuận ngay từ đầu vụ, với cây bí đỏ là 3000 đồng/kg; ớt cay 6000 đến 10 nghìn/kg”.
Bên cạnh đó, Nghĩa Đàn cũng khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp chăm sóc, bón phân theo phương pháp mới để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, giảm chi phí đầu tư. Việc liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp đã mở hướng giải cho bài toán về cây nông nghiệp ở Nghĩa Đàn. Đây không phải là chuyện mới, vấn đề là sự liên kết này có được duy trì thường xuyên và chặt chẽ hay không? Điều này không chỉ phụ thuộc vào người nông dân, ngành Nông nghiệp huyện mà cần hơn nữa sự quan tâm, chia sẻ của các doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Đinh Thùy