(Baonghean) - Sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu trai gái Thái ngày trước chỉ biết ngồi bên nhau trên “sàn khuống” để nói chuyện tâm tình và ngắm ánh trăng suông. Và cũng sẽ tẻ nhạt biết bao, khi quanh “chum rượu cần trai gái” ngày tết lại thiếu tiếng pí, giọng nhuôn. 
 
"Nhuôn", một làn điệu dân ca đặc sắc của người Thái, Tày, Mường ở miền Tây Nghệ An. Đó chủ yếu và trước hết là tiếng hát giao duyên. Qua những lời “nhuôn”, thấy tâm hồn Thái hiện lên thật hồn nhiên, trong trẻo, thơ mộng và đằm thắm tình người (Chỉ người Thái thuộc nhóm Tày Mường mới có “nhuôn”, các nhóm Thái khác ở miền Tây Nghệ An không có làn điệu dân ca này). Giai điệu của “nhuôn” làm cho con người ta hiền hậu, chất phác và đầy tình thương yêu núi rừng, khe suối, mường bản, yêu con người, yêu cuộc sống, yêu đồng tộc da diết. Từng lời, từng câu dạt dào tình cảm chân thành, thắm thiết. Hãy nghe một đoạn “nhuôn” đối đáp giao duyên: Con trai cất lời “nhuôn” khen con gái: “Em tắm ở suối nào mà da trắng như trứng gà bóc/ Em tắm ở suối nào mà dáng em đẹp như dưa sọc, dưa gang”. Con gái “nhuôn” đối lại: “Da em không trắng như trứng gà bóc/ Da em sạm màu rau bợ ven khe/ Dáng em không đẹp như dưa sọc, dưa gang/ Anh có yêu em xin hãy nói thật lòng mình/ Đừng để em mơ lạc đường về bản...”.
Từ những cuộc giao duyên ấy, rất nhiều đôi trai gái đã yêu nhau và nên vợ chồng, gắn bó với nhau rất bền chặt. 
images1043780_image001.jpgHát Nhuôn trong Lễ hội Đền Chín gian (Quế Phong).
Tuy nhiên, trong xã hội cũ, tình yêu của trai gái Thái thường không được toại nguyện, họ trút cả tâm sự và nỗi lòng của mình vào lời “nhuôn”. Người con gái buộc phải lấy chồng do cha mẹ ép gả, do lễ giáo ràng buộc, thường ngày không dám thổ lộ những đau buồn, bế tắc trong tình cảm của mình với ai… Trong một cuộc “nhuôn”, cô gái có thể giải tỏa lòng mình với bạn tình cũ thông qua những lời “nhuôn” đằm thắm, mà không sợ bất cứ sự ràng buộc nào nữa: “(Giờ đây) em đã được ăn bát canh thịt/ (Nhưng) vẫn luôn mơ tới bát canh cá/ Được ngủ nệm, đắp chăn thêu... vẫn mơ tới người tình/ Dẫu nằm bên cạnh chồng, vẫn mơ tới người yêu”.
 
Ai đó đã có nhận xét rất đúng: “nhuôn” chính là tiếng lòng của người Thái Tày Mường!
Ngày nay, bản mường đã đổi mới, lời “nhuôn” trong các cuộc vui không chỉ đơn thuần là tiếng hát giao duyên của trai gái nữa, mà được các nghệ nhân sáng tạo rất nhiều, như những bài ca ngợi bản mường giàu đẹp, ca ngợi con đường đi mới rộng thênh thang, ca ngợi cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu...
 
Bài, ảnh: Thái Tâm