Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV cho thấy nhiều chỉ tiêu cơ cấu kết hợp thấp hơn dự kiến, đặc biệt số người ngoài Đảng trúng cử giảm 50% so với khóa XIII. Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao đổi xung quanh vấn đề này.
Người đại biểu phải nói được tiếng nói phản biện
Thưa ông, theo kết quả bầu cử ĐBQH khóa XIV vừa công bố, số người ngoài Đảng trúng cử giảm đến 50% so với Quốc hội khóa XIII, số người tự ứng cử trúng cử cũng giảm 50%. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Tôi nghĩ ĐBQH là đại biểu của hơn 90 triệu dân, chính vì thế việc cơ cấu thế nào để Đảng và Nhà nước nghe được tiếng nói thật của dân là rất quan trọng. Nhiều hay ít người ngoài Đảng trong Quốc hội, rồi cơ cấu đại diện dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên... cũng quan trọng, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chất lượng ĐBQH tới đây tham gia vào việc lập pháp, hoạch định các chính sách, họ nghĩ về giai cấp nông dân, công nhân, bà con dân tộc thiểu số, bà con Việt kiều, bà con của các tôn giáo... đã thật sự sâu sắc chưa? Bởi những hiểu biết đó của ĐBQH sẽ giúp cho Đảng và Nhà nước hoạch định những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Nếu như hoạt động của Quốc hội nói chung, của người đại biểu nói riêng không giúp cho Đảng và Nhà nước có những phản biện để hiểu được một cách thực chất những vấn đề trong đời sống xã hội thì đó là điều thiệt thòi rất lớn cho Đảng, Nhà nước. Không quan trọng ĐBQH là người trong hay ngoài Đảng, vấn đề quan trọng là lực lượng này có đáp ứng được các yêu cầu trên hay không?
Sau hiệp thương vòng 3, chúng ta lên danh sách ứng viên chính thức có tới 97 người ngoài Đảng. Nhưng khi bỏ phiếu, nhiều người đã không đủ sự ủng hộ. Ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi có suy nghĩ việc đưa vào danh sách ứng cử viên là người ngoài Đảng, cũng như các cơ cấu kết hợp khác là tốt, nhưng bên cạnh đó cần có sự lãnh đạo tốt trong công tác bầu cử để người dân hiểu đúng về những cử viên.
Nếu công tác bầu cử ở các nơi làm tốt thì số lượng những người ngoài Đảng trúng cử có thể cũng cao hơn. Chúng ta đã mong muốn điều đó ngay từ khi cơ cấu thành phần đại biểu. Bầu được ít hay nhiều những thành phần như đã dự kiến không phải chỉ ở cử tri mà còn là vai trò lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của cơ quan bầu cử, làm sao để cử tri hiểu và lựa chọn đúng.
Trong danh sách 870 ứng viên, nếu để bầu đều đủ tiêu chuẩn cả, nếu chọn người có bằng cấp cao chắc chắn là được nhiều. Nhưng làm thế nào để cử tri lựa chọn được những người có chất lượng, thể hiện được sự đại diện cho các tầng lớp nhân dân đó mới là quan trọng.
Chất lượng ở đây được hiểu không phải chỉ cứ chọn được người có bằng cấp chuyên môn cao hay đã làm nhiều việc quan trọng là chất lượng. Chẳng hạn người đó trình độ chuyên môn không cao nhưng họ hiểu và nói được nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số hay đồng bào tôn giáo nào đó thì nhất định hơn hẳn người có trình độ chuyên môn cao mà không hiểu về vấn đề này. Quốc hội cần như vậy.
Những người trượt không phải vì họ yếu, kém hơn...
Từng là ĐBQH nhiều khóa, ông có lo ngại số ĐBQH là người ngoài Đảng giảm sẽ ảnh hưởng đến tính phản biện trên nghị trường?
- Nếu như số đảng viên trúng cử ĐBQH khóa XIV nay mai làm được đầy đủ vai trò của người đại biểu, nói được tiếng nói thực chất của nhân dân thì sẽ điều rất tốt. Tôi mong chờ và hy vọng điều đó. Tuy nhiên từ thực tiễn trước đây từng tham gia 3 khóa là ĐBQH tôi cũng có băn khoăn nhất định.
Tôi thấy có những đồng chí có trách nhiệm của các cấp ủy khi vào Quốc hội ít khi nói được tiếng nói phản biện, có chăng chỉ nói trong nội bộ. Nếu như vậy thì sinh hoạt Quốc hội sẽ phần nào bị hạn chế.
Với gần 96% người trúng cử ĐBQH khóa XIV là đảng viên, tôi nghĩ lãnh đạo Quốc hội cũng phải suy nghĩ để làm sao phát huy được vai trò tất cả các đại biểu, là đảng viên cũng phải nói tiếng nói của dân, cần có những phản biện để đưa ra những chính sách phù hợp với đời sống của nhân dân. Như thế sinh hoạt của Quốc hội mới chất lượng.
Trong số 197 ứng viên được T.Ư giới thiệu về địa phương, có 15 người không trúng cử. Phải chăng sự lựa chọn của cử tri ngày một kỹ càng, khắt khe hơn?
- Tôi không nghĩ như vậy, tôi cho rằng các ứng viên đó cũng đã qua hiệp thương 3 vòng, được dân tin tưởng. Dân là ai, dân là người ở cơ quan của ứng viên, dân ở khu dân cư của ứng viên, những người dân đó mới hiểu ứng viên một cách đầy đủ. Còn cử tri ở những quận, huyện đi bỏ phiếu có thể họ không hiểu hết về ứng viên đó. Tôi cho rằng không thể đánh giá những người không trúng cử đó yếu kém hơn những người đã trúng cử.
Ông nghĩ sao về việc trong các chỉ tiêu cơ cấu kết hợp, chỉ có đại biểu trẻ (dưới 40 tuổi) là vượt cao hơn so với dự kiến?
- Đó là sự lựa chọn của cử tri, có thể nhiều nơi cử tri đặt niềm tin vào những ứng viên trẻ. Tôi nghĩ những người trẻ đã trúng cử cần hiểu điều đó để cố gắng có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội tới đây. Tuy nhiên tôi cũng có suy nghĩ không nên nặng vấn đề tuổi tác với ĐBQH, vấn đề là sức khỏe và sức làm việc.
Tất nhiên trong Quốc hội phải đưa anh em trẻ tuổi và lớp trung tuổi đang là chủ chốt phải được coi trọng, nhưng không nên để phí những lực lượng tuy có tuổi nhưng còn sức khỏe, có điều kiện thời gian, có hiểu biết về đất nước, hiểu biết về quần chúng, có kinh nghiệm trong công tác của Đảng, có kinh nghiệm đóng góp về việc xây dựng chính sách, pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Nước ta là nước một Đảng lãnh đạo, số đảng viên trong Quốc hội có thể đông, nhưng cần phải có một tỷ lệ nhất định những người mang tiếng nói của quần chúng nhân dân. Nếu như trong danh sách ĐBQH toàn thấy người làm cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội... cái đó có thể sẽ là thiệt thòi cho Đảng chứ không phải tốt đâu. Ông Phạm Thế Duyệt |