Trong phiên làm việc với Liên minh Hợp tác xã đầu tuần qua, Đoàn giám sát của Uỷ ban TVQH cũng yêu cầu, phải làm rõ tính ưu việt của hợp tác xã kiểu mới nhằm thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân, bảo vệ quyền lợi cho hộ nông dân khi tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản.

 
image_6900299.jpgHTX nông nghiệp Hưng Long, Hưng Nguyên cùng xã viên khảo nghiệm, đánh giá quy trình sản xuất lúa. Ảnh minh họa

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động kinh tế hợp tác xã có vai trò quan trọng để nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân. Ở nhiều địa phương, hợp tác xã đã trở thành một trong những mô hình chống tái nghèo hiệu quả.

Theo ghi nhận từ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, các hợp tác xã nông nghiệp đã và đang có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, khẳng định được vai trò kinh tế hợp tác cho các hộ gia đình thành viên.
 
Đáng lưu ý, một số liên hiệp hợp tác xã nổi bật với quy mô lớn như: Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có sức lan tỏa cả nước, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ USD, nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
 
Thực tế đã cho thấy, vai trò của hợp tác xã trong kinh tế tập thể là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Bước tiến của hợp tác xã thời gian qua vẫn chậm cả về số lượng và chất lượng.
 
Nguyên nhân chính, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh là do tư duy về mô hình hợp tác xã cũ vẫn còn sâu đậm trong lòng người dân. Chúng ta vẫn chưa chuyển đổi được nhận thức góp gạo thổi cơm chung khi tham gia hợp tác xã - bà Ánh nhấn mạnh.
 
Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng nêu rõ, thực tế hiện nay, nông dân vẫn chưa thấy được hợp tác xã kiểu cũ và hợp tác xã kiểu mới có gì khác nhau. Nhiều người vẫn hiểu tham gia hợp tác xã là mang tư liệu sản xuất của mình đóng góp vào hợp tác xã rồi đến khi chia thành quả, lợi ích thì hộ gia đình nào cũng được hưởng như nhau. Đây có thể xem là lực cản dễ nhận thấy nhất khiến người nông dân không mặn mà với hợp tác xã.
 
Theo ông Mai Xuân Hùng, hợp tác xã kiểu cũ chỉ có quan hệ hợp tác xã và xã viên, không tồn tại kinh tế hộ, nói cách khác, mô hình hợp tác xã kiểu cũ phủ định kinh tế hộ gia đình. Trong khi đó, hợp tác xã kiểu mới là tổ chức dựa trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất, không làm mất đi hay triệt tiêu kinh tế hộ gia đình.
 
Sản xuất rau ở HTX Hưng Đông, TP Vinh. Ảnh minh họa.
 
Tức là, khi tham gia hợp tác xã kiểu mới thì tài sản, vốn liếng, đất đai vẫn thuộc về thành viên và hợp tác xã làm nhiệm vụ quan trọng nhất là cung cấp đầu vào và đầu ra cho hoạt động sản xuất của các thành viên. Mặt khác, hợp tác xã kiểu mới còn có vai trò quan trọng trong việc kết nối nông dân với Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp trong liên kết 4 Nhà.
 
Nếu từng hộ gia đình riêng lẻ không đủ tiềm lực để liên kết 4 nhà thì Hợp tác xã chính là tổ chức đứng ra thực hiện. Nhận thức đúng đắn về cách thức tổ chức, vận hành và vai trò của Hợp tác xã kiểu mới là yêu cầu thiết yếu để phát triển hợp tác xã theo xu thế tự nguyện, bình đẳng và tương trợ.
 
Mục tiêu là đến ngày 1.7, 100% các hợp tác xã phải hoàn thành chuyển đổi sang tổ chức, hoạt động theo mô hình kiểu mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn 35% hợp tác xã nông nghiệp chưa hoàn thành chuyển đổi.
 
Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong gần 1 tháng còn lại, dù gấp gáp, ráo riết cũng không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Với những bài học rút ra trong quá trình chuyển đổi hợp tác xã từ kiểu cũ sang kiểu mới, các địa phương có hợp tác xã chưa chuyển đổi cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ nông dân đang hoạt động đơn lẻ, phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ dịch vụ vào đến đầu ra của sản xuất hiện nay hiểu rõ, nhận thức đúng về vai trò của hợp tác xã.
 
Đó là vai trò đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho họ, bảo vệ quyền lợi cho họ khi tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.

Theo daibieunhandan

TIN LIÊN QUAN