Nghề đi giật lùi trên bờ biển xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Hàng ngày, khi nước vừa rút, ngư dân ven biển xứ Nghệ lại hối hả ra biển để cào ngao. Công việc nặng nhọc, phải đi giật lùi nhiều giờ liền trong nước biển, nhưng thu nhập không được là bao.
16/01/2022 - 09:33
Chẳng kể nắng, mưa, giá rét, người dân vùng biển xứ Nghệ ngày ngày mưu sinh theo con nước thủy triều, chạy theo những con sóng. Ghi nhận tại bãi biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai những ngày qua cho thấy, có đông người dân ra biển cào ngao. Ảnh: Xuân Hoàng Ông Nguyễn Đình Khoa trú ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cho biết, sau một quãng đi giật lùi trên bãi biển, khi vợt đã khá nặng thì kéo lên bờ đổ ra bãi cát, sau đó cào tiếp mẻ khác. Ảnh: Xuân Hoàng Cuối buổi, mỗi người ngồi nhặt từng con ngao trong đống hỗn độn đá sỏi, vỏ ngao... Theo ông Khoa thì có thời điểm ngao nhiều, mỗi ngày cào được 30 - 40 kg, nhưng thời điểm này chỉ được hơn 10 kg. Đây là ngao tự nhiên, nên thương lái thu mua với giá hiện tại là 15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thời điểm cao điểm mùa du lịch. Ảnh: Xuân Hoàng Theo ngư dân cho biết, dụng cụ dùng để hành nghề cào ngao khá đơn giản, gồm chiếc cào làm bằng thép Inox và chiếc vợt lưới, tổng trị giá hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Xuân Hoàng Với ngư dân xã Hiễn Hải, Diễn Kim... (Diễn Châu) thì dụng cụ cào ngao đơn giản hơn, nên họ chỉ cào trên bãi cát đã rút hết nước. Đây được coi nghề truyền thống của ngư dân vùng biển xứ Nghệ lưu giữ suốt nhiều đời qua. Người dân nơi đây còn gọi vui công việc này là nghề “đi giật lùi”, lý do đơn giản vì bất cứ ai đi làm nghề cào ngao đều phải đi lùi về phía sau. Ảnh: Xuân Hoàng Bà Khâm, ngư dân xã Diễn Hải cho biết, cào ngao này cũng phải có kỹ thuật riêng. Khi cào thì phải cúi khom người, hai tay nắm cán tre, dùng lực ấn mạnh lưỡi nạo xuống cát sâu khoảng 10 cm và kéo lùi về phía sau. Ảnh: Xuân Hoàng Những con ngao tự nhiên được lấy lên dưới mặt cát biển trong quá trình cào. Ảnh: Xuân Hoàng Khi thủy triều xuống, bãi biển xứ Nghệ lộ rõ những thảm cát kéo dài. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh thường nhật của người dân nơi đây hòa vào tiếng sóng vỗ của biển cả. Ảnh: Xuân Hoàng