Bây giờ, mỗi người dân có thể mở điện thoại thông minh và dễ dàng cập nhật ngay nhiều tin tức, hình ảnh sinh động trên các loại hình báo chí. Đó có thể là vài dòng tin hay những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cuộc sống hoặc những hình ảnh quay chỉ vài chục giây lướt qua… Thoạt qua, mọi người nghĩ những thông tin, hình ảnh đó là “chuyện đơn giản” mà các cơ quan báo chí mang đến cho bạn đọc. Thế nhưng, đó là cả một quá trình lao động nghiêm túc, mệt nhọc, thậm chí đối mặt với nhiều nguy hiểm, đòi hỏi sự dấn thân của những người trong dây chuyền làm báo.
Trong đợt cả xã hội cách ly phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết người dân hạn chế đi lại hoặc được nghỉ ngơi tại gia. Ngược lại, có rất nhiều phóng viên, nhà báo lại phải tăng cường hoạt động để cập nhật tin tức cho công chúng. Phóng viên Thành Cường, Báo Nghệ An là một trong những người hoạt động hết công suất trong mùa dịch vừa qua. Anh cùng các kíp phóng viên của báo có mặt ở rất nhiều địa điểm, tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ lây nhiễm dịch. Cho dù được cơ quan trang bị những phương tiện bảo hộ phòng chống dịch và thực hiện tốt công tác khử trùng sau mỗi đợt tác nghiệp, nhưng bản thân anh lúc đó cũng lo lắng lắm. Giai đoạn đầu, tự anh thực hiện cách ly với vợ con nhiều ngày để cùng đồng nghiệp đều đặn thực hiện các bản tin.
Còn phóng viên Nguyễn Toàn, Đài PT-TH Nghệ An cũng là người thường ngày thực hiện các tin, phóng sự liên quan phòng chống dịch Covid-19. Anh cùng các đồng nghiệp có mặt ở nhiều địa bàn từ đồng bằng đến miền núi để ghi hình phản ánh về công tác phòng chống dịch. Bản thân anh có phen “hú vía” trong lần lên địa bàn Quế Phong tác nghiệp. Khi anh đến Đồn Biên phòng Thông Thụ, đo thân nhiệt thì máy báo động liên tục và phương án cách ly đã được tính đến. Sau khi cán bộ đồn bình tĩnh theo dõi, đo lại thì nhiệt độ đã xuống ở mức ổn định. Nguyên nhân được phân tích là do anh tự lái xe từ TP Vinh lên đến đồn (khoảng 280 km), nên thân nhiệt tăng hơn so với bình thường…
Sự dấn thân đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy quá trình lao động vất vả của các phóng viên, nhà báo.
Sự dấn thân của các “phóng viên chống dịch” đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy quá trình lao động vất vả của các phóng viên, nhà báo. Nguy hiểm hơn, có những phóng viên, nhà báo từng bị dọa giết, thậm chí bị hành hung khi phản ánh những vấn đề gai góc trong cuộc sống. Đó là vụ việc phóng viên Hoàng Đình Chiểu, Đài Truyền hình Việt Nam, thường trú tại tỉnh Kon Tum bị đánh khi phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn phường Ngô Mây, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) vào tháng 1/2019. Hay trước đó, nhà báo Liên Liên, Đài Truyền hình Việt Nam; nhà báo Thu Trang, Báo Phụ nữ TP HCM và một số phóng viên, nhà báo khác nhận được tin nhắn đe dọa tính mạng khi phản ánh vấn đề tiêu cực của xã hội...
Có nhiều ý kiến cho rằng nghề báo được xếp vào Top 10 nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Ở khía cạnh thực tế, các phóng viên, nhà báo gặp nhiều tình huống cam go, đe dọa đến mạng sống. Đó có thể là tác nghiệp trong vùng mưa lũ, phòng chống thiên tai hay cùng với nhân dân, các cấp ngành phòng chống tham nhũng, loại bỏ tiêu cực trong xã hội… Để có những thông tin chính xác, nhất là trong phòng chống tiêu cực, đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải tìm hiểu cặn kẽ “từng chân tơ, kẽ tóc”, thậm chí phải cải trang để tìm kiếm bằng chứng đầy đủ, tạo nên sức mạnh thông tin, được công lý và nhân dân ủng hộ.
Nghề báo
Xem xét ở góc độ xã hội, nghề báo là một nghề đặc thù, mà ở đó sự thật luôn là ưu tiên hàng đầu. Điều đó, đòi hỏi những người làm báo, gồm: Phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, kỹ thuật viên, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập... phải luôn có sự đam mê, trung thực, năng động, có khả năng hoạt động độc lập và phối hợp nhóm tốt, chịu được áp lực và phẩm chất chính trị vững vàng, trong sáng, có cái nhìn khách quan…
Chính vì vậy, nghề báo được xã hội tôn vinh vì những “bước chân không mỏi” trên hành trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Mới đây, ngày 13/6, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Có 187 nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan báo chí trên cả nước được tôn vinh, trong đó, tỉnh Nghệ An có nhà báo Nhật Lân (Báo Nghệ An) và nhà báo Khánh Ly (Đài PT-TH Nghệ An).
"Sự tôn vinh đó, với tôi là sự ưu ái, là ân huệ của tập thể…”.
Khi nói về niềm vinh dự này, nhà báo Nhật Lân (Một trong những phóng viên xông xáo, thực hiện nhiều bài viết, chuyên đề có chất lượng cao được bạn đọc và các cấp, ngành ghi nhận. Anh đạt nhiều giải thưởng báo chí Trung ương và tỉnh Nghệ An trao tặng; được Đảng ủy Khối các cơ quan cấp tỉnh Nghệ An tôn vinh là đảng viên xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh), cho rằng: “Bản thân mình dù có những nỗ lực vượt qua nhiều cay cực của nghề báo, nhưng sự tôn vinh đó là ân huệ của tập thể Báo Nghệ An dành cho. Bởi nghề báo, để có được sản phẩm đến với độc giả, là một chu trình với bao nỗ lực của nhiều người. Từ những bạn đọc mo rát, làm kỹ thuật... cho lên đến những cán bộ lãnh đạo - là bộ não - vận hành mọi hoạt động. Bởi vậy, sự tôn vinh đó, với tôi là sự ưu ái, là ân huệ của tập thể…”.
Qua các thời kỳ lịch sử, các thế hệ người làm báo Việt Nam không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng…”, tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trong giai đoạn mới, báo chí phát triển với nhiều ưu thế khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Theo đó, thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, đa chiều hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
Trong dòng chảy đó, cũng có những phóng viên, nhà báo biểu hiện non kém nghiệp vụ, đạo đức, không đứng vững trước những cám dỗ vật chất. Đó là những “con sâu làm rầu nồi canh”, ắt hẳn sẽ bị lên án, xử lý, bởi nghề báo, bên cạnh hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và khuôn khổ pháp luật còn chịu sự “kiểm duyệt” rất lớn của nhân dân.