Vừa triển khai vừa lo
Dù là một trong những huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm học này, huyện Nghĩa Đàn vẫn chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong tình thế “có thế nào dùng thế ấy”, dựa trên thực tế bố trí giáo viên. Như ở Trường Tiểu học Nghĩa Khánh, do nhu cầu của phụ huynh nên dù không đủ giáo viên, chưa có kinh phí để chi trả nhưng nhà trường vẫn mạnh dạn thuê giáo viên thỉnh giảng để tổ chức dạy học cho học sinh.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã được nhà trường triển khai nhiều năm nay nên giờ nói “bỏ” là không thể. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng triển khai, trong điều kiện phân bổ chỉ 1 - 2 giáo viên/lớp (quy định là 1,5 giáo viên/lớp). Chỉ có điều hiện nay, trường chưa có kinh phí để trả lương cho giáo viên... Hiện, trường có 22 giáo viên, mỗi giáo viên, chúng tôi đang nợ 168 tiết dạy thêm, kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Thầy giáo Trần Việt Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Khánh - Nghĩa Đàn
Còn tại Trường Tiểu học Nghĩa Hồng, lo ngại không có lương để trả cho giáo viên, nhà trường buộc phải cắt một giáo viên thỉnh giảng môn Tiếng Anh. Giáo viên còn lại, do làm việc quá sức, nên buộc nhà trường phải cắt giảm số tiết từ 4 tiết/tuần xuống 3 tiết/tuần, đồng nghĩa với điều đó, học sinh bị cắt giảm chương trình và rút ngắn một phần nội dung bài giảng.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà Do nhu cầu của phụ huynh, học sinh nên chúng tôi vẫn động viên các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa trường nào tổ chức thu tiền... Việc triển khai cũng không đồng đều.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách bậc tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện Nghĩa Đàn
Nói về điều kiện hiện nay ở huyện Nghĩa Đàn, cô giáo Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách bậc tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: Nghĩa Đàn là một huyện đặc thù, nhiều xã nằm ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng, do nhu cầu của phụ huynh, học sinh nên chúng tôi vẫn động viên các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa trường nào tổ chức thu tiền... Việc triển khai cũng không đồng đều. Ví dụ, ở những trường thuận lợi (nằm trong diện được thu tiền) thì các trường vẫn bố trí dạy từ 30 - 33 tiết/tuần. Nhưng ở những trường thuộc các xã khó khăn (thuộc diện không thu tiền) như các xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thịnh, các trường chỉ tổ chức dạy được khoảng 27 - 28 tiết/tuần cho học sinh.
Hoạt động Đội tại Trường Tiểu học Diễn Thọ (Diễn Châu). Ảnh: Cảnh Yên Cuối tháng 12/2018, UBND tỉnh có Văn bản số 9355/UBND-VX về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở Giáo dục Tiểu học từ năm học 2018-2019. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, việc thực hiện vẫn khó khả thi, do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Thực tế cũng cho thấy, hiện chỉ mới một số địa phương như thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa cho các trường tạm thu để chi trả một phần lương “nợ” giáo viên. Dẫu vậy, điều này cũng chỉ là tạm thời, chưa phản ánh được thực tế khó khăn hiện nay ở các trường.
Như ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (thành phố Vinh), khi có hướng dẫn của thành phố, trường đã tạm thu 2 tháng với số tiền 200.000/đồng/học sinh. Nhưng, với 1.200 học sinh và hàng chục giáo viên phải làm thêm quá giờ trong suốt 6 tháng qua, số tiền này chỉ như “muối bỏ biển”.
“Hiện số tiết giáo viên tăng dạy 2 buổi là hơn 1.000 tiết. Nếu tính sơ bộ thì nhà trường đang nợ giáo viên 420 triệu đồng. Nhưng chúng tôi đang “khất”, nợ giáo viên”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (thành phố Vinh)
Do chưa có sự hướng dẫn cụ thể, nên thời gian qua đã có trường vin vào văn bản của tỉnh để thu tiền dạy học 2 buổi/ngày mà chưa có sự thỏa thuận, chưa có tính toán theo đúng nhu cầu thực tế của nhà trường, gây bức xúc cho phụ huynh. Điển hình như Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Hưng Nguyên), lãnh đạo nhà trường chỉ đạo thu tiền 2 buổi/ngày trong 9 tháng của năm học 2018 - 2019. Trong khi đó, theo hướng dẫn của UBND tỉnh, năm học này, việc thu tiền 2 buổi/ngày chỉ triển khai từ 10/12/2018.
Trường “khó” vẫn “khó”
Sau nhiều tháng “bế tắc”, ngày 26/3/2018, văn bản hướng dẫn liên ngành giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ về Hướng dẫn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại các cơ sở giáo dục từ năm học 2018 - 2019 chính thức được ban hành. Với văn bản này, lần đầu tiên, tỉnh đã có hướng dẫn chi tiết về việc thu - chi dạy học 2 buổi/ngày và đây là cơ sở để các trường tính toán để triển khai. Tuy vậy, tại thời điểm năm học 2018 - 2019 gần kết thúc, nhiều giáo viên cho rằng, việc triển khai và vận động phụ huynh ngay trong năm nay là khó khả thi, nhất là ở những địa bàn điều kiện người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo văn bản hướng dẫn, một điều đáng mừng đó là tỉnh sẽ chủ trương không thu tiền dạy học 2 buổi/ngày đối với những cơ sở giáo dục tiểu học thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Để thực hiện, UBND huyện căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo và cân đối nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không huy động đóng góp của phụ huynh học.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi ngày là cơ hội để các trường tổ chức các hoạt động kỹ năng sống. Ảnh: Mỹ Hà Thực tế cũng cho thấy, nội dung này không “mới” vì đã được tỉnh ta áp dụng nhiều năm trước đó, cụ thể là theo Quyết định số 517/QĐ.UBND.VX ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, điều này là khó khả thi, mỗi khi bài toán thiếu giáo viên tiểu học chưa giải quyết được triệt để.
Lâu nay, huyện Quỳ Hợp được xếp vào diện vùng cao với 14/21 xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, ở huyện chúng tôi tỷ lệ giáo viên cũng chỉ mới được khoảng 1, 2 giáo viên/lớp. Trong điều kiện này, năm nay huyện chúng tôi không triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Và, năm tới, nếu tỉnh không bổ sung giáo viên thì các trường khó khăn cũng khó mà triển khai theo đúng như hướng dẫn.
Ông Hồ Bình Minh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quỳ Hợp
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở huyện Con Cuông, một huyện mà có đến 2/3 số xã đang thuộc xã ưu tiên, đặc biệt. Ngay tại thời điểm hiện tại, huyện vẫn “gắng” để dạy học 2 buổi/ngày nhưng chất lượng khó có thể đảm bảo vì các trường chỉ dạy đúng theo “số giáo viên thực có”. Vì vậy, năm nay các trường chỉ dạy được từ 27 - 28 tiết/tuần (trong khi nếu đảm bảo đúng và đủ thì cần từ 30 - 33 tiết).
Lãnh đạo của hai phòng Giáo dục Con Cuông và Quỳ Hợp cũng cho biết, trong hướng dẫn nếu thiếu giáo viên các huyện có thể điều động giáo viên từ bậc THCS xuống dạy tiểu học (sau khi đã bồi dưỡng). Nhưng ở các huyện này, không thừa giáo viên THCS. Hay, nếu lấy giải pháp, ưu tiên bố trí giáo viên từ vùng thuận lợi sang vùng khó cũng khó khả thi. Vì điều đó, sẽ gây áp lực cho các trường vùng thuận lợi (giáo viên phải làm vượt số tiết quá nhiều, mức thu học 2 buổi/ngày quá cao vì phải chi trả cho các giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng).
Nhiều lớp học ở thành phố Vinh quá tải so với quy định. Ảnh: MH
Với những bất cập này, xem ra dù đã có hướng dẫn nhưng việc triển khai không dễ dàng. Trong điều kiện hiện nay, để trong năm học tới việc triển khai được thuận lợi, tỉnh và các ban, ngành liên quan cần sớm xem lại việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và có phương án phân bố hợp lý, ưu tiên tới những vùng khó, vùng đặc thù. Bên cạnh đó, để người dân đồng tình, cần phải quan tâm đến chương trình giảng dạy, thu chi hợp lý và có sự giám sát cụ thể, đảm bảo thu đủ bù chi, dân chủ, công khai và có sự thỏa thuận, ủng hộ của phụ huynh, học sinh.